Kỳ 2: Bất cập khó nói
Thiếu và hoạt động “theo giờ hành chính” là thực trạng của đa số nhà vệ sinh công cộng ở TP. HCM nói riêng và một số tỉnh, thành phố nói chung, khiến du khách và người dân khi muốn “giải quyết nỗi buồn” tìm và đến nhà vệ sinh công cộng thì rất thất vọng đành nín hay tìm nơi trống vắng hoặc góc cây, bức tường để “xả”.
Nhà vệ sinh hoạt động theo “giờ hành chính”, sau giờ đó người dân và du khách có nhu cầu thì phải làm sao?
Ý thức con người quyết định xấu, đẹp
Trao đổi với PV Báo Du lịch chị Nga, nhân viên trong coi nhà vệ sinh và kết hợp trạm ATM của Sacombank tại công viên 23/9 ở TP. HCM chia sẻ: “Thật sự nhà vệ sinh của ngân hàng Sacombank đã đầu tư trang thiết bị rất tốt. Nhưng khi sử dụng nhà vệ sinh, có những người vô ý thức sử dụng xong không xả nước và vứt giấy lung tung. Có bữa chị lao công vào dọn dẹp xong ra là phát ói và không ăn uống gì được, vì khi vào dọn dẹp thấy nhà vệ sinh bị phóng uế lung tung lên cả cửa, bồn cầu,… không thể nào chấp nhận được, nhà vệ sinh miễn phí chứ đâu có thu tiền gì đâu mà người sử dụng không hiểu ý thức họ đang để đâu.
Mặt khác, ở nhà vệ sinh công cộng trên đường Hồ Tùng Mậu, quận 1 tuy là nhà vệ sinh công cộng không thu phí. Nhưng khi người dân, du khách vào nếu có nhu cầu đại tiện thì phải mua giấy. Cùng với đó, là hình ảnh hết sức phản cảm khi nhân viên trong coi ở đây ngồi nằm ngay lối ra vào chính của nhà vệ sinh này và một công nhân khác nằm ngay trước khu vực nhà vệ sinh nữ. Một hình ảnh rất không đẹp ở nhà vệ sinh thuộc Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 1 đầu tư.
Nhà vệ sinh công cộng vận hành theo giờ hành chính?
Khi phóng viên đặt câu hỏi với nhân viên tại các nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn TP. HCM, về thời gian nhà vệ sinh công cộng sẽ đóng cửa thì chung quy các câu trả lời của các nhân viên trông coi là: “Sau hơn 21 giờ tối thì mình sẽ bắt đầu dọn dẹp vệ sinh và đóng cửa, nếu trời mưa mình dọn dẹp sớm và sẽ đóng cửa sớm hơn những ngày thường”. Vậy sau hơn 21 giờ tối người dân và du khách có nhu cầu đi “xả” thì họ xử lý như thế nào? Các nhân viên trông coi ở đây chỉ cười và nói tùy họ thôi mình sao biết được.
“Giờ đó các nhà vệ sinh công cộng đóng cửa rồi thì mình phải tìm nơi nào vắng vẻ để “xả”, nếu bí quá tấp xe ngay vào lề đường tìm gốc cây hay bức tường chứ không thể nào nhịn được”- anh Việt, một du khách đến từ Quảng Trị chia sẻ.
Còn du khách nữ Phan Thị Hòa đến từ Phú Yên lên tiếng: “Đây là chuyện rất khổ, tôi đã lâm vào tình trạng này rồi khi đi du lịch ở Nha Trang. Là phụ nữ nên không thể nào giải quyết nhanh gọn như mấy ông được, nên tôi đành nhịn và về khách sạn thật nhanh giải quyết nỗi buồn”.
Còn đối với du khách nước ngoài họ sẽ xử lý tình huống này như thế nào. Ông Kevin đến từ Anh nói: “Tôi đi du lịch đến Việt Nam không phải là lần đầu tiên, những lần trước tôi đến Nha Trang, Vũng Tàu và TP. HCM, nhà vệ sinh công cộng rất bẩn và hôi.Nhưng lần này tôi đến TP. HCM thì nhà vệ sinh công cộng đã tốt rồi. Tuy nhiên, các bạn cần đầu tư nhiều nhà vệ sinh hơn nữa. Giống như bạn hỏi đấy, tôi đi dạo chơi ở các tuyến đường và ghé một vài khu chợ. Nhưng khi muốn đi “xả” lại không thể nào đi được vì nhà vệ sinh ở chợ hôi quá, tôi đành ghé vào quán cà phê gọi nước và sau đó đi vệ sinh thôi”.
Vậy làm cách nào để vừa có đủ số lượng nhà vệ sinh công cộng với mạng lưới phủ rộng khắp các địa điểm tham quan du lịch tại các thành phố, để phục vụ nhu cầu của người dân và du khách? Có lẽ phương án giải quyết cho vấn đề nhà vệ sinh công cộng đã có lời giải, từ mô hình rất thiết thực mà nhiều năm qua ở Đà Nẵng đã được triển khai. Mô hình đó không chỉ giải quyết được vấn đề số lượng nhà vệ sinh công cộng mà còn đảm bảo về mặt vệ sinh, tạo nên những ấn tượng rất tốt đẹp trong lòng người dân và du khách. Đó là mô hình nhà vệ sinh công cộng theo hình thức xã hội hóa với chủ đề “thoải mái như ở nhà”- Comfort as home. Vậy mô hình này được ra đời và triển khai ở TP. Đà Nẵng như thế nào và hiệu quả mang lại ra sao mời bạn đọc đón đọc ở số tiếp theo.
Phước Quang