Có thể bạn sẽ lấy làm lạ khi Đắk Nông chọn cho mình câu slogan để phát triển du lịch là “Xứ sở của những âm điệu”. Nhưng bạn sẽ không thấy lạ nữa khi đến với vùng đất hội tụ đến 40 dân tộc; trong đó có 3 dân tộc bản địa là Mạ, M’Nông và Ê Đê. Sự đa sắc tộc đã tạo nên sự đa dạng về ngôn ngữ, văn hóa và đặc biệt là nhạc cụ.
Người xưa quan niệm thanh âm của đàn đá như một phương tiện để kết nối cõi âm với cõi dương, giữa con người với thần linh, giữa hiện tại với quá khứ. Còn cố GS-TS Trần Văn Khê gọi thanh âm loại nhạc cụ này là “Biểu hiện tâm tư hệt như con người”.
Một hang động tuyệt đẹp nằm trong Công viên Địa chất toàn cầu Đắk Nông
Đắk Nông chọn slogan “Xứ sở của những âm điệu” chính bởi Công viên Địa chất Đắk Nông là một phần trong không gian văn hóa cồng chiêng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tiếng hát của những cô gái M’Nông hòa trong tiếng cồng chiêng, vọng qua những hang động để đến với tiếng thác Trinh Nữ, Gia Long, Dray Nu, Dray Sáp, Liêng Nung, Đắk G’lun. Và nổi bật trong những thanh âm đó chính là tiếng đàn đá – thanh âm nguyên thủy để kết nối con người với đất trời, thần linh… Đó là những gì bạn có thể cảm nhận được khi đến Đắk Nông.