• Email : daktip@vhttdl.daklak.gov.vn
  • Phone : 0262 351 77 79
  • Để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và là động lực phát triển của miền Trung – Tây Nguyên

    Monday, 12-06-2017 / 9:58:48 AM
    By : Nguyễn Công Luân
    1206 View

    Sáng 10/6, tại TP.Tam Kỳ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Diễn đàn Du lịch miền Trung – Tây Nguyên. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.

    Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.

    Tham dự Diễn đàn có gần 200 đại biểu đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện 19 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung- Tây Nguyên, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh; một số trường đại học, cơ quan nghiên cứu, tổ chức, hiệp hội du lịch; các doanh nghiệp du lịch, hàng không, đường sắt, các nhà đầu tư, các chuyên gia, nhà khoa học và nhiều cơ quan thông tấn, báo chí trong cả nước….

    Với chủ đề: “Du lịch miền Trung – Tây Nguyên hướng tới đẳng cấp thương hiệu”, Diễn đàn Du lịch miền Trung – Tây Nguyên lần này là một trong những hoạt động trọng tâm của Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI – 2017.

    Phát biểu tại Diễn đàn, ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ghi nhận những đóng góp tích cực của du lịch miền Trung-Tây Nguyên đối với sự phát triển du lịch chung của cả nước. Ông Biên cho rằng, miền Trung- Tây Nguyên là địa bàn quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trong những năm gần đây, du lịch của một số địa phương trong khu vực đã có sự chuyển mình đáng khích lệ, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế và tái cơ cấu kinh tế địa phương, trong đó, nhiều điểm sáng như Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Lâm Đồng….

    Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch miền Trung- Tây Nguyên thực sự chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng, chưa tạo dựng được thương hiệu đẳng cấp quốc tế để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Do đó, để du lịch thực sự phát triển bền vững, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế các địa phương trong khu vực.

    Để giải quyết những yêu cầu đặt ra đó, tại Diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận, đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp để góp phần đưa du lịch miền Trung- Tây Nguyên phát triển; trong đó cần tập trung nêu lên những bất cập, hạn chế và giải pháp để tăng cường liên kết, xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến để Du lịch phát triển, giữ vai trò là động lực phát triển của miền Trung- Tây Nguyên.

    Với tinh thần trên, tại Diễn đàn, đại diện UBND và Ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng nhiều doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch tại các địa phương thuộc miền Trung- Tây Nguyên, các tổ chức, hiệp hội du lịch, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp hàng không, đường sắt, nhà đầu tư… đã tập trung thảo luận các vấn đề như: Yêu cầu phát triển du lịch miền Trung- Tây Nguyên trong thời kỳ mới; những chính sách đột phá trong phát triển du lịch miền Trung- Tây Nguyên; quản lý điểm đến và môi trường kinh doanh du lịch, tạo dựng hình ảnh điểm đến chất lượng, an toàn, thân thiện; vai trò động lực tạo đẳng cấp của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển du lịch miền Trung- Tây Nguyên. Theo đó, nhiều sáng kiến, giải pháp phát triển chủ yếu để du lịch miền Trung – Tây Nguyên khẳng định được thương hiệu đẳng cấp cao, tầm cỡ quốc tế đã được Bộ Văn hoá, thể thao và Du lịch cũng như chính quyền các địa phương, nhà đầu tư… đã quan tâm, chia sẻ.

    Cùng với những vấn đề trên, các đại biểu tham dự Diễn đàn cũng trao đổi, thảo luận về các nội dung: Hợp tác, liên kết phát triển du lịch; xúc tiến quảng bá; phát triển nguồn nhân lực và thu hút đầu tư.

    Đặc biệt, các đại biểu đã thảo luận, đối thoại về các giải pháp phát triển du lịch miền Trung – Tây Nguyên theo hướng chất lượng, có thương hiệu, đẳng cấp quốc tế, đưa du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.

    Liên quan đến tiềm năng, thực trạng của du lịch miền Trung- Tây Nguyên hiện nay, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Hiện nay trên thế giới nói chung, Việt Nam và miền Trung- Tây Nguyên nói riêng đang chịu sức ép của xu thế “bùng nổ” du lịch toàn cầu, “bùng nổ” tầng lớp trung lưu ở Châu Á  và “bùng nổ” hàng không giá rẻ. Đây là cơ hội để du lịch Việt Nam nói chung và du lịch miền Trung- Tây Nguyên có điều kiện để đón tiếp nhiều đối tượng khách đến. Tuy nhiên, đây cũng là sức ép lớn cho du lịch các địa phương.

    Cùng với đó, tính đẳng cấp và tính đặc thù của du miền Trung- Tây Nguyên tuy có tăng và ấn tượng nhưng chỉ từng đó là chưa đủ mà du lịch khu vực phải có sự chuẩn bị, nhất là một chiến lược hợp lý để phát huy hiệu quả, đặc biệt là đón đầu và khai thác những yếu tố bùng nổ kể trên để đón tiếp nhiều đối tượng khách đến.

    Quang cảnh tại Diễn đàn.

    Thay mặt Chính phủ, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những nỗ lực mà du lịch tại miền Trung- Tây Nguyên thời gian qua đã gặt hái được, qua đó góp phần đáng kể để thúc đẩy kinh tế, xã hội trong khu vực phát triển, đồng thời nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư tại địa phương.

    Tuy nhiên, để du lịch miền Trung- Tây Nguyên thực sự phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh, thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn như kỳ vọng của Chính phủ và Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 08-NQ/TW, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thì trước hết cấp uỷ, chính quyền phải vào cuộc mạnh hơn nữa. Trong đó cùng với việc đầu tư phát triển hạ tầng, phải tìm ra đâu là sản phẩm đặc trưng của địa phương mình để đầu tư, tạo ra thương hiệu nhằm thu hút nhiều du khách đến với mình.

    Phó Thủ tướng đồng ý với nhiều ý kiến, phải khẳng định vai trò của Hiệp hội du lịch và cộng đồng dân cư tham gia vào phát triển du lịch. Du lịch miền Trung- Tây Nguyên phải lấy sự liên kết làm điểm tựa để phát triển. Cùng với đó, trong đào tạo cho nhân lực du lịch, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nên gắn kết chặt chẽ với nhau. Theo Phó Thủ tướng, có thể không cần đến giáo sư, tiến sỹ mà chỉ là người phục vụ buồng có kinh nghiệm lâu năm vẫn có thể đảm đương được vai trò đào tạo. Vì thế, đã đến lúc phải tính đến ngay trong doanh nghiệp, bước đào tạo cũng là một nhiệm vụ. Ngoài ra, Hiệp hội du lịch và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng phải phối hợp nhau để tính đến việc xây dựng khung đào tạo nhân lực du lịch.

    Tiếp thu các ý kiến của đại biểu, đặc biệt là ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đại diện Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam và các địa phương khu vực miền Trung- Tây Nguyên thống nhất sẽ tiếp tục thúc đẩy mối liên kết du lịch trong vùng và giữa các địa phương; nâng cao vai trò của Hiệp hội du lịch gắn với quan tâm đầu tư hạ tầng du lịch cũng như khảo sát, xây dựng mỗi địa phương một đặc trung du lịch để phát huy, tránh sự chồng chéo hay đầu tư giàn trải; quan tâm xây dựng mối liên hệ giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo để đào tạo nhân lực cho du lịch; tiếp tục đề xuất các chính sách thích hợp để đưa du lịch miền Trung- Tây Nguyên thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, động lực thúc đẩy kinh tế- xã hội trong vùng phát triển.

    Đình Tăng

    Source : Dangcongsan.vn
    Latest news