Ngày 25/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch đã tổ chức hội thảo “Đánh giá năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam”. Tham dự hội thảo có đại diện Sở Du lịch Hà Nội, các Sở VHTTDL Nam Định, Quảng Ninh; đại diện các khoa đào tạo về du lịch các Tường đại học Thương mại, Văn hóa, Công nghiệp, Khoa học xã hội & nhân văn; đại diện các doanh nghiệp du lịch lớn trên địa bàn Hà Nội.
Viện trưởng Nguyễn Anh Tuấn: Du lịch Việt Nam phải tìm ra những hạn chế ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh, từ đó đề xuất những cơ chế chính sách, giải pháp nâng cao được năng lực cạnh tranh
Phát biểu khai mạc hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn nhận định: Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam hiện đang đứng sau các nước cạnh tranh chính trong các nước ASEAN. Các nước trong khu vực đang rất quan tâm đến phát triển du lịch và tìm mọi cách để tăng cường năng lực cạnh tranh của mình. Chính phủ Việt Nam, lãnh đạo các cấp ngành, doanh nghiệp đều rất quan tâm đến phát triển du lịch; toàn xã hội kỳ vọng sự phát triển du lịch, đóng góp của du lịch vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Yêu cầu đặt ra đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho du lịch, thúc đẩy du lịch phát triển, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đã trở thành yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh các nước cạnh tranh trong khu vực là những nước khá thành công trong vấn đề cạnh tranh và xếp trên Việt Nam trong các bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu.
Viện trưởng Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh: “Du lịch Việt Nam phải tìm ra những hạn chế, những vấn đề ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh, từ đó đề xuất những cơ chế chính sách, giải pháp nâng cao được năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, giúp cải thiện thứ hạng năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong các bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu”.
Hội thảo “Đánh giá năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam”
Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn đã phân năng lực cạnh tranh ra các mục cạnh tranh quốc gian, cấp ngành, doanh nghiệp; dẫn ra các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam: Xã hội, khoảng cách với điểm đến, sự thỏa mãn của du khách, tâm lý du khách, hoạt động marketing, giá cả, tỉ giá ngoại tệ, công nghệ thông tin, an ninh, sản phẩm, chất lượng dịch vụ, chính sách của chính phủ… Kinh nghiệm từ nước cạnh tranh thành công Nhật Bản và Thái Lan có thể giúp Việt Nam rút ra bài học kinh nghiệm: Nhận thức đúng về vai trò của du lịch trong nền kinh tế, đưa ra chiến lược, chính sách đồng bộ và đột phá cho du lịch; hợp tác, phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành; có chiến lược cạnh tranh và xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia; khắc phục rủi ro, ứng phó khủng hoảng; phát triển các sản phẩm, dịch vụ có tính cạnh tranh cao; đào tào, phát triển nguồn nhân lực du lịch; bảo vệ môi trường và tuân thủ quy định phát triển bền vững.
Theo TS Nguyễn Quang Vinh (ĐH Khoa học xã hội & nhân văn), những doanh nghiệp lữ hành quốc tế thường bị hạn chế trong cạnh tranh do nguồn lực thấp; khả năng duy trì và mở rộng thị trường không ổn định; chậm đổi mới sản phẩm; quản lý, công nghệ thông tin yếu; hoạt động liên kết và hợp tác lỏng lẻo. Giải pháp TS Vinh đưa ra là cần tập trung vốn cho doanh nghiệp, kiểm soát nguồn cung, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng quản lý, tăng cường liên kết hợp tác; hỗ trợ vốn, quản lý; thông tin thị trường.
ThS Nguyễn Thanh Bình (Vụ Khách sạn – TCDL) cho rằng, năng lực về cơ sở lưu trú của du lịch Việt Nam đủ sức đáp ứng và cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, theo ThS Bình, chất lượng nguồn nhân lực của hệ thống cơ sở lưu trú du lịch của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đã tạo nên ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ và hiệu quả quản lý, điều hành. ThS Bình nhấn mạnh, xu thế chung toàn cầu là mở cửa, hợp tác, hội nhập; do vậy du lịch Việt Nam cần có sự chuẩn bị tốt nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách. Điều này thể hiện ở chỗ nắm rõ các yêu cầu hội nhập, giải quyết tốt những yếu điểm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo nên những thương hiệu mạnh.
Nhiều ý kiến đánh giá cho rằng, hạn chế cạnh tranh của doanh nghiệp chủ yếu ở nhân lực, cơ sở hạ tầng, chất lượng sản phẩm, marketing. Việc khai thác tài nguyên của các doanh nghiệp đang thiên về khai thác kiệt quệ đã không tạo được tính bền vững. Chính sách của cơ quan quản lý nhà nước cũng là vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến yếu tố cạnh tranh; cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan quản lý, để làm sao trong xúc tiến quảng bá phải khẳng định được thương hiệu.
Phước Hà