Đó là một trong các ý kiến đáng chú ý được nêu ra tại hội thảo “Những vấn đề đặt ra trong tái cơ cấu ngành Du lịch”, do TCDL tổ chức ngày 22/12, tại Hà Nội. Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo TCDL; đại diện các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ VHTTLD, TCDL; đại diện HHDL Việt Nam, HHDL, Sở Du lịch, Sở VHTTDL các địa phương; đại diện các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn phát biểu tại hội thảo
Vì sao phải tái cơ cấu ngành Du lịch?
Phát biểu tại hội thảo, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn đã ghi nhận kết quả của ngành Du lịch năm 2017, ước tính thu hút khoảng 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng khoảng 30% so với 2016; doanh thu ước đạt 515.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Tổng cục trưởng vẫn cho rằng, ngành Du lịch chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, yêu cầu và kỳ vọng của xã hội; sản phẩm chưa hấp dẫn, còn mang tính tự phát, chưa bám theo nhu cầu thị trường; chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu; hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao; môi trường du lịch chưa thật sự tốt; nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu; hệ thống doanh nghiệp chưa thực sự lớn mạnh; các nguồn lực và nguồn vốn đầu tư còn hạn chế; vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch chưa được phát huy cao…
Tổng cục trưởng nhấn mạnh: “Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới Bộ VHTTDL và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố cụ thể hóa và triển khai thực hiện 8 nhiệm vụ, giải pháp then chốt của Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị. Và theo đó, cơ cấu lại ngành Du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, vận hành theo quy luật thị trường là một trong các nhiệm vụ trọng tâm Chính phủ đề ra”.
Toàn cảnh Hội thảo “Những vấn đề đặt ra trong tái cơ cấu ngành du lịch”
Tái cơ cấu thế nào?
Tại hội thảo, báo cáo đề dẫn của TCDL đưa ra quan điểm cơ cấu lại ngành Du lịch phải bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại; tuân thủ quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; bảo đảm phát triển bền vững, gắn phát triển với bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường. Mục tiêu là cơ cấu ngành Du lịch đồng bộ; đóng góp 10% GDP năm 2025, đóng góp 12% năm 2030; nâng cao năng lực cạnh tranh và duy trì tăng trưởng ở mức cao, thu hút 17-18 triệu lượt khách quốc tế năm 2020, 28-30 triệu lượt khách quốc tế năm 2030; thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.
Cụ thể là cơ cấu lại nguồn lực, vốn đầu tư phát triển du lịch; điều chỉnh hướng phát triển sản phẩm du lịch; điều chỉnh định hướng thị trường du lịch; cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch; cơ cấu lại nguồn nhân lực du lịch; cơ cấu lại về tổ chức, quản lý ngành du lịch.
TCDL cũng đề xuất các giải pháp là: Tăng cường xúc tiến quảng bá, thu hút khách du lịch; tạo thuận lợi về tiếp cận và đi lại cho khách du lịch; tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch; đảm bảo an toàn, an ninh, vệ sinh tại các điểm đến; phân bổ nguồn lực và khuyến khích đầu tư phát triển du lịch; liên kết, hợp tác, phát huy các nguồn lực; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch; ứng dụng KHCN, phát triển du lịch thông minh; hoàn thiện hệ thống quản lý về du lịch.
Hội thảo đã có ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết nhằm hiến kế cơ cấu lại ngành Du lịch. Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ nhấn mạnh: Tái cơ cấu ngành Du lịch phải triển khai đồng bộ tại tất cả các ngành liên quan, phải có lộ trình rõ ràng trong đó xác định nhiệm vụ, công tác ưu tiên để tập trung thực hiện. Quá trình tái cơ cấu cần quan tâm đến vai trò của doanh nghiệp, tăng liên kết giữa các doanh nghiệp; thay đổi cách thức, tăng nguồn lực cho xúc tiến quảng bá; thể hiện rõ vai trò của cơ quan quản lý nhà nước; nghiên cứu xu hướng, nhu cầu của du khách làm cơ sở định hướng xây dựng chuỗi giá trị phù hợp; tăng độ mở về thị thực. Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FLC Vũ Đặng Hải Yến kiến nghị nhà nước nên có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ chính sách về thuế, các chính sách tháo gỡ khó khăn đối với loại hình kinh doanh condotel; đề ra những tiêu chí chính xác cho từng lĩnh vực sản phẩm, đầu tư…
Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc Vietstar Airlines Lương Hoài Nam cho rằng, phải cơ cấu lại hệ thống sản phẩm; quản lý điểm đến du lịch sạch, an toàn, thân thiện; cải thiện chính sách thị thực du lịch; tăng cường mở văn phòng đại diện du lịch Việt Nam ở nước ngoài; quảng bá du lịch; phát triển cơ sở lưu trú, xây dựng, ban hành bộ tiêu chí phát triển du lịch bền vững; tăng cường hạ tầng sân bay và vận tải hàng không; vai trò của cơ quan quản lý nhà nước. Phó Chủ tịch HHDL Việt Nam Vũ Thế Bình thì lưu ý: Cơ cấu lại ngành nên tập trung vào các vấn đề mấu chốt, phải cơ cấu lại doanh nghiệp, cơ quan quản lý, nguồn nhân lực và thị trường; nhân lực lao động phải được đào tạo, theo hướng phân biệt lao động nghề, nhân lực quản lý, chuyên gia cao cấp.
Phước Hà