Với người dân Tây Nguyên, voi không chỉ là người bạn đồng hành trong cuộc sống, là biểu tượng tinh thần mà còn là người con trong gia đình mà Giàng đã ban cho họ. Bằng những tình cảm đặc biệt dành cho “người con” này, mỗi khi Xuân về, bà con sẽ tổ chức lễ cúng sức khỏe cho voi với nhiều ý nghĩa sâu sắc mang đậm nét đẹp truyền thống.
Thầy cúng tiến hành các nghi thức cúng sức khỏe voi. Ảnh: Quỳnh Anh
Trời tờ mờ sáng, sương còn phủ kín mọi vật. Không gian im ắng chưa kịp bừng tỉnh sau giấc ngủ dài. Ông Đàng Năng Long (trú tại huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) đã dậy từ bao giờ để chuẩn bị cho lễ cúng voi. Với nhà có voi, lễ cúng voi được coi là một đại lễ, bởi vậy các nghi thức và đồ cúng luôn được chủ voi chuẩn bị kỹ càng từ nhiều ngày trước. Ông Long chia sẻ, vì voi là “người con” trong nhà nên voi cũng có tên, có tuổi, có anh, có chị, có em như người vậy. Do đó, chuẩn bị tới ngày diễn ra đại lễ, người cha, người mẹ sẽ dặn dò con cái trong nhà phải ăn ở hòa thuận, hiền lành, chăm chỉ để voi về noi theo.
Người Tây Nguyên cũng quan niệm rằng, gia đình có voi sẽ có “tiếng nói” và được người làng tôn trọng, bởi vậy gia đình đó luôn phải sống chuẩn mực hơn các gia đình khác. Thông qua lễ cúng sức khỏe voi, tình cảm giữa người và vật thêm yêu thương, gắn bó, thể hiện được lòng yêu thương, quý trọng của con người đối với vật nuôi. Qua đó, nhắc nhở mọi người phải luôn biết cùng nhau chăm sóc, bảo vệ “người con” này.
Khi lễ vật gồm: Heo, tiết heo, rượu cần, 1 chén gạo, 1 chén cơm, 1 bầu nước và các loại thức ăn cho voi như mía, chuối, bắp… được chuẩn bị xong, âm thanh cồng, chiêng vang lên báo hiệu đã đến giờ cúng sức khỏe cho voi. Bà con trong buôn nô nức quây quần tại nhà ông Long để tham gia lễ cúng.
Trong trang phục truyền thống, thầy cúng bắt đầu tiến hành các nghi thức đặc trưng của buổi lễ. Sau khi nếm thử rượu cần, giết heo, thầy cúng dùng tiết heo bôi lên trán voi. Ông Long lý giải: “Từ xưa, người nuôi voi luôn quan niệm voi có nguồn gốc từ con người. Và người ta cũng cho rằng linh hồn của voi nằm giữa trán. Nên bôi máu lên nhằm biểu thị tình cảm cùng cam cộng khổ, cùng kết nghĩa “cắt máu ăn thề” để nhấn mạnh sự đoàn kết yêu thương một lòng giữa người và voi”.
Tiếp đó, thầy cúng rót rượu cần lên đầu voi, mời voi cùng chung vui với mọi người rồi rải gạo ra xung quanh. Vì gạo là nguồn nuôi sống con người việc thầy cúng rải gạo thể hiện sự chia sẻ “có ít ăn ít, có nhiều ăn nhiều” với voi.
Trong buổi lễ, khi thầy cúng cất tiếng đọc lời cúng bày tỏ tâm tư, nguyện vọng với voi về những vui buồn, ấm no, khó khăn trong cuộc sống, không khí trang nghiêm bao trùm hết thảy mọi người. Tất cả cùng nhau thinh lặng nhớ về khoảng thời gian đã qua và cùng ước nguyện xin Giàng ban cho sức khỏe, đủ cái ăn, cái mặc.
Khi các nghi thức hoàn thành, voi được ăn mía, bắp… trong niềm vui của mọi người.
Để cùng nhau chia sẻ niềm vui trong ngày lễ, tiếng cồng, chiêng bắt đầu nổi lên, tiếng người cười nói vang vọng cả một góc trời. Trai, gái trong buôn nắm tay nhau nhảy múa theo tiếng cồng, cùng quay quần bên ché rượu cần. Người và voi gắn bó, chia sẻ niềm vui, hạnh phúc bên nhau.
Quỳnh Anh