Không biết quê nhà
Như để che giấu lớp dung nham dữ tợn của hàng triệu năm trước đã phun trào tạo nên Hồ Lắk (huyện Lắk, Đắk Lắk) nên mặt hồ lúc nào cũng trong xanh đến mát lạnh. Tây Nguyên mùa mưa nên sương sớm như đặc quánh trên cánh đồng xanh trải rộng bát ngát. Mặt trời vừa ló trên đỉnh Chư Yang Sin, ông Sáu Ánh cùng vợ đẩy chiếc xuồng con ra giữa hồ thu gom mẻ lưới cuối cùng thả đêm trước. Tiếng ghe máy xình xình rồi chìm hẳn vào màn sương.
Khoảng một giờ sau, chiếc ghe quay về cơ man nào là cá thác lác, cá chạch, cá lóc, cá trê, cua đồng, lươn… bò lốc nhốc trong khoang. Bà Nga, vợ ông Ánh, để chồng dọn ghe rồi vội vã quẫy gánh cá đồng vừa đánh được ra chợ. Ông Ánh bảo ngày mới từ Biển Hồ về đây tôm cá nhiều vô kể. Những con cá Chiêng nước ngọt to hàng tạ ở thượng nguồn dòng Krông Ana, hay những con chình suối khổng lồ từ thác Dray Nur làm cho những ngư dân như ông vui ngây ngất. Bây giờ mặt hồ thu hẹp dần nhường chỗ cho những cánh đồng lúa nhưng sản vật của lòng hồ cũng đủ nuôi sống những ngư dân chăm chỉ như ông.
Gần 15 năm qua, vợ chồng ông Sáu Ánh sống bình yên như vậy trong lòng hồ Lắk. Ông Ánh bảo đó là đoạn đời an lành nhất mà mình từng đi qua. Năm đứa con ông Ánh đã lớn khôn và lập gia đình. Bây giờ hai vợ chồng ông quyết chọn mặt hồ làm chốn nương thân cho đến cuối đời. Căn nhà nhỏ của ông Ánh bên mép hồ chứa đầy kỹ vật của những ngày ở Campuchia, giữa nhà là cái bàn thờ và di ảnh của cha mình mà ông Ánh bảo vừa mới tìm lại được trong lần ghé lại Campuchia cách đây 6 năm.
Nhấp chén lá rừng vị đắng chát, ông Ánh kể rằng nếu không có những biến cố Kh’me Đỏ năm xưa bây giờ có lẽ ông cũng vẫn là ngư dân lang thang trên mặt Biển Hồ. Ông Ánh không biết mình sinh ra từ đâu, quê cũ nơi nào ở Việt Nam, nhưng chỉ biết lớn lên trên những chiếc thuyền con trên mặt Biển Hồ cùng cha mẹ, đến trường và nói tiếng Campuchia.
“Ngày đó cộng đồng người Việt sống quây quần bên nhau trên mặt hồ dưới chân cầu Sài Gòn ở ngoại thành MiengChay, tỉnh Can Dal. Chúng tôi đánh cá và chở về tận Phnôm Pênh để bán. Tôi cưới bà Nga cũng là nhờ đi bán cá rồi quen. Ngày ấy vợ tôi ở Phnôm Pênh đi buôn vựa..” – ông Ánh kể. Mùa thu năm 1975, sau đám cưới bà Nga theo chồng về Biển Hồ sinh sống, đó cũng là điểm khởi đầu cho những gì kinh hoàng nhất trong đời người mà vợ chồng bà may mắn thoát chết.
Đau thương và tha thứ
Ông Ánh kể rằng bên cạnh những căn nhà thấp lè tè ở dưới chân “Cầu Sài Gòn” ở Campuchia thì nhà ông thuộc diện khá hơn do cha ông qua sớm mua được đất đai và dựng nhà. Ngày rước vợ về, cuộc sống bình yên chưa bao lâu thì quân Kh’me Đỏ ập đến. “Đó là những ngày mạng sống đếm bằng giây. Chúng bắt dân làng dồn thành từng khu để cày ruộng. Mỗi gia đình phát 1 lon gạo, buổi sáng không cho ăn, cày ruộng đến trưa, chúng cho một chén cơm, tối đong một chén cháo. Người suy yếu đổ bệnh chúng không cứu chữa mà mang đi giết ngay lập tức” – ông Ánh kể.
Buổi tối quân Pol Pốt kéo về nấp dưới nhà sàn để nghe những người Việt nói gì. Có tiếng khỏ cửa có người mang đi là đi biền biệt chẳng thấy về. Những người cày ruộng hay cấy lúa chỉ biết im lặng ai thì thầm thì lính trên bờ ôm súng bắn ngay lập tức. Tình hình mỗi lúc một căng thẳng hơn cho đến năm cuối năm 1976, những xóm người Việt được lính Pol Pốt di dời đi nơi khác để ở. “Quân Kh’me Đỏ bắt người dân trong làng tôi đào từng hố hầm lớn. Sau đó chúng dồn dân lại và bắn hàng loạt. Dùng xe cày ủi lấp miệng hố và thủ tiêu mọi thứ. Mẹ của tôi và hai chị gái cũng cùng chung số phận như vậy” – ông Ánh ngậm ngùi kể.
Ngày mẹ ông bị giết, cha ông đang tu trong chùa nên không hay biết, chị dâu của ông và đứa cháu ruột nấp trong tủ áo quần nên thoát cuộc vây ráp. Vợ chồng ông Ánh được dồn vào một khu tập trung, sống những ngày đọa đầy rồi may mắn được bộ đội Việt Nam giải thoát sau đó. “Buổi sáng quân Kh’me Đỏ đến bắt cả xóm tôi bỏ nhà ra đi. Tài sản chỉ được mang theo là 4 cái chén và hai bộ áo quần. Ai mang theo nhiều hơn, hay đi không thẳng hàng, hoặc quay lại nhìn căn nhà cũ đều bị bắn bỏ” – ông Ánh kể trong bàng hoàng.
Sau khi về Việt Nam bằng xuồng máy ở Tân Châu (An Giang), vợ chồng ông Ánh dọn về Đức Linh, (Bình Thuận) sinh sống. Phận nghèo bủa vây, những cánh đồng ở lúa ở Đức Linh ngập úng khiến gia đình ông và những đứa con khốn khó trăm bề. Ông cũng thất lạc tin tức cha mình và người anh cả từ đó.
“Cho đến năm 2.000 tôi qua lại tìm người thân thì may mắn tìm được cha mình và anh trai còn sống. Cha con tôi đều nghĩ rằng tất cả đã chết trong loạn lạc. Anh trai tôi bảo người giết mẹ tôi và hai chị gái là thằng Bôn, người Campuchia, cùng xóm. Nó với tôi cùng chơi với nhau từ nhỏ. Tôi tức tốc đi khắp vùng tìm nó trả thù” – ông Ánh kể trong ấm ức.
Gạt nước mắt, ông Ánh đau đớn nói rằng thằng Bôn chính là đứa bạn người Campuchia của ông cùng xóm. Hàng ngày vẫn thường qua nhà ba mẹ ông để ăn cơm. Rồi một ngày bất thường nó đi lính và ôm súng quay về giết chết chính mẹ của ông, người đã nấu cơm cho Bôn ăn ngày trước. Ông kể tiếp: “Bốn ngày đi tìm, lùng sục khắp nơi với lòng căm phẫn. Bất ngờ người ta chỉ tôi Bôn giờ đã là một nhà sư trong một ngôi chùa gần đó. Tôi tìm lại gặp Bôn, hắn đã quỳ lạy tôi và van xin tha thứ gần 2 tiếng đồng hồ. Nó bảo: “Nhà nước Kh’me bảo giết!”, chứ nó không muốn giết mẹ và chị của tôi”. Không thể ra tay với một nhà sư, cũng không thể làm gì hơn khi quá khứ đã là một phần của lịch sử, ông Ánh lặng lẽ quay về với niềm đau thương chôn chặt.
Thắp nén nhang trên bà thờ cha mình, ông Ánh bảo những kỷ vật của cha từ cái gạt tàn thuốc đến tấm lưới cũ ngày đánh cá ở Biển Hồ ông đều mang về cất giữ. Ước nguyện lớn nhất của đời ông là tìm lại được một phần xương cốt của mẹ và hai chị gái nhưng tất cả đều tuyệt vọng bởi chẳng ai còn nhớ được những ngôi mộ tập thể lên đến hàng trăm người.
Rít một hơi thuốc thật dài, nhìn làn khói bay trăng trắng trên trần nhà, ông Ánh cho rằng có lẽ định mệnh đã đẩy gia đình ông thành người lang bạt và Hồ Lắk như người mẹ đã cưu mang mọi thứ. Hận thù trong ông cũng dịu dần theo năm tháng cùng nỗi đau chôn chặt. Như mặt hồ Lắk lặng thinh, hiền hòa, lặng thinh che đậy lớp dung nham nóng bỏng hung tàn từ nhiều ngàn năm trước. Vác cái cuốc dọn lớp cỏ bắp sau mưa, ông Ánh chờ đêm xuống để mang chiếc xuồng con thả lưới trên mặt hồ…
Source :
Báo Lao Động