Tọa lạc tại số 117 đường Phan Bội Châu, Tp. Buôn Ma Thuột. Chùa Khải Đoan nằm giữa sông núi “long ẩn” hứng tinh hoa của trời đất để ban vạn sự phước lành về tâm linh cho du khách thập phương
.
Nhưng có điều mà ít du khách thập phương biết, Chùa sắc tứ Khải đoan là ngôi chùa đầu tiên có mặt tại ĐăkLăk của những người Việt sinh sống ở Đăk Lắk được tổ chức phật giáo coi là cái nôi của phật giáo Tây Nguyên cũng là chùa được phong sắc tứ đầu tiên của Vùng Tây Nguyên và là cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam. Chùa được xây dựng vào năm 1951- 1953 do Đoan Huy Hoàng Thái Hậu (Hoàng Thị Cúc) vợ của vua Khải Định đặt. Tên Chùa được phong là “Sắc tứ Khải đoan” Khải Đoan là 2 chữ đầu của vua Khải Định và Đoan Huy Hoàng Thái Hậu mang ý nghĩa ghi nhận công đức người sáng lập ngôi chùa này. Khải Đoan còn có nghĩa là sự khởi đầu của mỗi đạo. Cùng với sự phát triển của thành phố, chùa Khải Đoan luôn gắn liền với đời sống tâm linh của người dân thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng, tỉnh ĐăkLăk nói chung, vì vậy mà ngoài tên gọi Khải Đoan người dân thường hay gọi là Chùa lớn hay chùa tỉnh.
Hoà Thượng Thích Đức Thiệu và đại diện phía Hoàng Triều là thứ phi Mộng Điệp người đứng ra trông coi, theo dõi việc xây dựng, tôn tạo. Chùa hướng mặt về phía Tây Nam nhìn xuống suối, lưng dựa thế của khu phố Buôn Ma Thuột. Cái thế “tiền thuỷ hậu sơn” theo quan niệm phong thổ hài hoà của kiến trúc cổ Việt, thế đứng vững chải bền lâu cho muôn đời con cháu.
Chùa có kiến trúc phỏng theo kiểu dáng cung đình Huế kết hợp với phong cách nhà sàn của dân tộc Tây Nguyên, thể hiện tình đoàn kết đồng bào kinh và các dân tộc Tây Nguyên. Chùa vừa mang dáng dấp cổ kính, vừa pha chút kiến trúc hiện đại càng tôn vinh nét đẹp hài hoà của phật giáo Việt Nam.
Chùa có kiến trúc theo kiểu chữ “tam” tức phía trước là tam quan, giữa là chính điện, sau là nhà tổ. Mái chùa cong, dáng dấp một căn nhà rông nhưng rất uyển chuyển, mềm mại với những đôi dao long quyện mây lướt gió rất độc đáo. Chính điện có diện tích 320m2 được chia thành 2 phần với 3 vòm cửa cao 7m, rộng 10,5 m. Điện Quan Âm xây tách biệt với bố cục chính của chùa, hình lục giác với 6 cột trang trí hoa văn hình rồng mây.
Phần trước mang dáng dấp nhà dài Tây Nguyên, phần sau xây theo lối hiện đại. Tượng giữa chính điện là Phật Thích Ca cao 1,1m, chiếc chuông đồng cao 1,15m, nặng 380kg được đúc vào tháng chạp năm 1954.
Sau thời gian đại trùng tu (từ 2012 đến cuối 2016) chùa sắc Tứ Khải đoan đã có một số đổi khác so với nguyên bản được xây dựng cuối đời Triều Nguyễn.
Đến chùa sắc Tứ Khải đoan có lẽ ai nấy đều cảm nhận một không khí trang nghiêm nhưng cởi mở, vừa linh thiêng nhưng cũng rất gần gũi. Đến đây bạn có thể cảm nhận cái đẹp mỹ quan từ một công trình kiến trúc độc đáo trong một khuôn viên hài hoà, tự tại nơi cõi phật nên tâm hồn dường như cũng thư thái dễ chịu.