Chắc có lẽ nhiều bạn trẻ ngạc nhiên khi được nghe kể lại rằng thành phố Buôn Ma Thuột sôi động hôm nay, cách đây hơn 50 nawmlaf những cánh rừng hoang vu, mênh mông phủ kín, dân cư thưa thớt, nơi đây xưa kia được coi là chốn rừng thiêng nước độc, người đồng bằng ít mơ tưởng lên chốn này. Thế nhưng cũng cùng thời gian ấy, ở đây có một nhà đày tại số 18 đường Tán Thuật, phường Tự An, Tp. Buôn Ma Thuột, ngôi nhà được thực dân pháp xây dựng năm 1900 để giam cầm những người chiến sĩ cách mạng yêu nước.
Đến Buôn Ma Thuột tìm hiểu về mảnh đất, con người, không thể không đến thăm khu di tích lịch sử cách mạng được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia này. Tại đây các bạn sẽ được thấy, được nghe, được biết thêm nhiều điều mới lạ về truyền thống đấu tranh oanh liệt của những chiến sĩ cộng sản thuở trước.
Du khách tham quan Nhà đày
Nhà đày Buôn Ma Thuột không những là chứng tích về tội ác của bọn đế quốc – thực dân mà nó còn là trường học lớn đào tạo và rèn luyện nên những chiến sĩ cách mạng kiên cường của cách mạng Việt Nam như: Hồ Tùng Mậu, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu…và biết bao nhiêu người con ưu tú của mọi miền Tổ quốc.
Nhà đày Buôn Ma Thuột có vai trò đặc biệt quan trọng trong cuộc vận động cách mạng tháng tám ở Đắk Lắk. Những chiến sĩ cộng sản bị địch giam cầm ở đây đã trở thành những người gieo hạt mầm cách mạng vào mảnh đất Cao Nguyên đất đỏ này.
Giờ đây, đến thăm Nhà đày Buôn Ma Thuột, các bạn sẽ nhìn thấy những chứng tích tội ác của bọ thực dân Pháp. Qua đó, bạn có thể hình dung lại toàn bộ Nhà đày Buôn Ma Thuột với chế độ cai trị khắc nghiệt và tàn bạo chẳng khác nào địa ngục của bọn thực dân Pháp. Năm tháng đã qua đi, nhưng những dấu ấn ấy như còn in rõ vào tâm trí của mỗi người. Khi đặt chân đến đây, nhìn lại những chiếc còng các bạn cũng sẽ thấy đau lòng, bồi hồi xúc động và càng khâm phục những chiến sĩ cộng sản kiên cường không sợ hy sinh, quyết tâm chiến đấu và đã chiến thắng kẻ thù góp phần giải phóng dân tộc thoát khỏi nô lệ.
Du khách nghe thuyết minh về
những chiến sĩ cộng sản bị địch giam cầm