Năm 2016, ngành du lịch Campuchia đem về hơn 3,6 tỷ USD cho đất nước, tăng hơn 13% so với cùng kỳ. “Quốc gia nhiệm màu” này được ghé thăm nhiều nhất bởi du khách Trung Quốc, với 1,2 triệu lượt trong năm 2017, tiếp theo đó là du khách Việt Nam, Lào, Thái Lan và Hàn Quốc.
Nếu giữ vững được tốc độ này, Campuchia sẽ đón ít nhất 6 triệu lượt khách trong năm 2018, dự kiến lên tới 7 triệu vào năm 2020 và 10 triệu vào năm 2025.
Nhưng song song đó cũng là những khó khăn, Campuchia chỉ xếp thứ 138/195 về Chỉ số phát triển con người của Liên hiệp quốc, với 23% dân số đang có thu nhập dưới 1,25 USD / ngày.
![]() |
Tuy Phnom Penh, Siem Reap và Sihanoukville đã “lột xác” trở thành những điểm đến hấp dẫn cho du lịch, các thành phố lân cận luôn “bóp nát” trái tim du khách với chất lượng sống thấp, rác thải và nghèo đói thường trực như một nỗi ám ảnh.
Du lịch đang dần kéo Campuchia ra khỏi quá khứ đói nghèo, nhưng nếu phát triển không đồng đều, du lịch sẽ trở thành một “con dao hai lưỡi”, góp phần nới rộng khoảng cách giàu nghèo và nhen nhóm lại ác mộng bất ổn chính trị khi xưa.
Tự hào nắm giữ tên gọi “Campuchia : Vương quốc nhiệm màu”, đất nước vừa thoát khỏi khủng hoảng kia ra sức quảng bá hình ảnh của những di tích đẹp đến choáng ngợp, các bãi tắm thô sơ chưa được khai phá, nền văn hóa đầy màu sắc và đặc biệt là con người Campuchia thân thiện và mến khách.
Nhưng để làm được điều đó, Campuchia cần nhiều hơn là một danh hiệu. Đa phần dân số nước này vẫn nằm trong diện đói nghèo với mức thu nhập dưới 1 USD/ ngày với các dịch vụ và tiện ích cho du lịch vẫn cực kỳ khan hiếm. Không những thế, nền chính trị mới chập chững độc lập của Campuchia vẫn còn nhiều “lục đục”, khiến cho du khách quốc tế rất lo ngại khi ra quyết định chọn đây làm điểm dừng chân.
Nhưng, bất chấp bao khó khăn đã và đang tồn tại, Campuchia vẫn quyết tâm phát triển một cách “nhiệm màu” để biến du lịch thành một niềm tự hào của quốc gia.
An ninh và an toàn cho du khách được đặt lên hàng đầu với những khu vực riêng biệt. Siem Reap, cái nôi của di tích Angkor nổi tiếng, liên tục được nâng cấp với các khách sạn xa xỉ, các CLB về đêm nhộn nhịp, hệ thống ATM, và sở hữu hẳn một sân bay liền kề để tiếp đón du khách.
Ngoài ra thì Sihanoukville cũng là một địa điểm được truyền thông quốc tế khen ngợi với bãi biển hoang sơ tuyệt đẹp.
Nhận thấy trở ngại lớn nhất là hạ tầng giao thông, chính phủ Campuchia ra sức đầu tư với sự hỗ trợ vốn từ nhiều nước lớn trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc.
Nhằm biến Campuchia trở thành một địa điểm phù hợp cho du lịch, chính phủ đã cho xây dựng và nâng cấp 4 sân bay lớn, hai cảng nước sâu quốc tế và hai đường tàu nội địa.
![]() |
Về đường bộ, một báo cáo từ tờ New York Times cho thấy Campuchia đang đốc thúc hoàn thành hơn 21 dự án giao thông lớn để kết nối các khu di tích với nhau. Các trục đường chính này còn giúp người đân Campuchia có thể dễ dàng di chuyển và lập nghiệp trên khắp cả nước.
Không dừng lại tại đó, mặc dù có tiếng mẹ đẻ là Khmer, Tiếng Anh và Tiếng Pháp đang được “phổ cập” khắp các khu vực du lịch nổi tiếng nhất và đồng thời đưa vào chương trình giảng dạy ở trường học và đền chùa.
Chỉ qua vài năm ngắn ngủi, Campuchia đã lột xác từ một đất nước đầy đau thương do chiến tranh trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn và tiềm năng.
Thủ đô Phnom Penh được giới du lịch không tiếc lời khen ngợi, với các khu di tích cùng những kiến trúc thời kỳ Pháp thuộc.
![]() |
Sihanoukville, hay còn gọi là Kompong Som, cũng dần trở thành một điểm đến ưa thích của khách du lịch, cạnh tranh trực tiếp với những bãi biển nổi tiếng ở Thái Lan.
Nếu dạo một vòng trên những website du lịch nổi tiếng ngày nay, có thể nhận thấy rằng không một du khách nào tỏ ra thất vọng khi đến Campuchia. “Vùng đất nhiệm màu” này đã trở thành một điểm đến hấp dẫn đang đợi du khách trên thế giới khám phá.