Thủ tục thị thực (visa) rườm rà mà Vương quốc Anh áp dụng cho du khách Trung Quốc đã khiến quốc gia này thất thoát khoảng 2,8 tỉ bảng Anh (4,1 tỉ đô la Mỹ) mỗi năm.
![]() |
Thủ tục phức tạp và chi phí visa cao được cho là nguyên nhân gây thất thoát hàng tỉ đô la cho ngành du lịch của nhiều nước. Ảnh minh họa các khách quốc tế trong chuyến du lịch tại TPHCM. Ảnh: Cao Ban |
Theo tờ The Economist, việc Anh yêu cầu khách du lịch Trung Quốc phải điền 10 trang thủ tục rườm rà với miêu tả chi tiết về các chuyến đi của họ trong 10 năm trước đó đã làm giảm độ hứng thú của người Trung Quốc với nước Anh. Chỉ 6% khách du lịch Trung Quốc đến châu Âu chọn thăm Anh, trong khi đó, tới 2/3 chọn thăm Pháp, thành viên khối Schengen với thủ tục visa dễ thở hơn và chi phí rẻ hơn 40%.
Người Trung Quốc được xem là những vị khách rất hào phóng trong chi tiêu cho du lịch. Mỗi năm, công dân nước này tốn khoảng 1.618 bảng Anh (tương đương 2.500 đô la Mỹ) cho chuyện đi đây đó, gấp đôi công dân Mỹ. Cơ quan phụ trách du lịch Anh đã than thở rằng, chính sách visa phức tạp đã làm mất của nước Anh 2,8 tỉ bảng (4,1 tỉ đô la Mỹ) mỗi năm.
Thực ra, du khách quốc tế đang phải chịu những gánh nặng của chính sách ngoại giao “ăn miếng trả miếng” của nhiều quốc gia. Người Mỹ phải trả phí visa tới 160 đô la khi vào Brazil, một khoản phí được dùng để đáp trả việc Mỹ loại Brazil khỏi danh sách miễn trừ visa vào Mỹ. Trong khi đó, Chile và Argentina gọi phí visa của họ là “khoản phí có qua có lại”.
Một số quốc gia khác lại tỏ ra “làm khó” với tất cả du khách. Chính phủ Sudan nói rằng họ cố tình tạo thủ tục visa phức tạp, tốn kém và không minh bạch. Còn Bhutan, đất nước nổi tiếng với danh hiệu “hạnh phúc nhất thế giới” thì “đánh” phí visa tới 250 đô la Mỹ/người/ngày với mục đích hạn chế du khách đến tham quan, phá vỡ nét nguyên sơ của quốc gia này.
Nhìn rộng hơn thì những quốc gia nghèo nhất lại là những nước có phí visa cao nhất. Người Mỹ muốn thăm Burkina Faso, một quốc gia nằm ở Tây Phi, phải tốn tới 200 đô la phí visa.
Một quốc gia có được hưởng lợi về mặt kinh tế từ việc thu phí visa hay không có thể nhìn thấy rõ. Đơn cử, 2.500 khách du lịch Anh với khoản phí visa 50 bảng/người vào năm 2011, chắc chắn tạo ra ít lợi nhuận và ít việc làm cho nền kinh tế Sierra Leone hơn là 111.000 khách đến hàng xóm Gambia, nơi không yêu cầu bất cứ khoản phí nào từ du khách Anh.
Theo một báo cáo của Nghị viện châu Âu, chính sách visa hà khắc có thể làm mất đi 250.000 việc làm và 12,6 tỉ euro (tương đương 13,8 tỉ đô la Mỹ) cho nền kinh tế EU. Cơ quan này cũng đề xuất chính sách visa dễ thở hơn với thời gian cấp dài hơn.
Thay vì miễn visa hay đơn giản hóa thủ tục, một số nước lại khoán hết việc này cho các công ty môi giới tư nhân. Việc làm này được một số nước xem là giải pháp để vừa thắt chặt thị thực, vừa đảm bảo nguồn tiền mà ngành du lịch mang lại. Ngoài phí visa, du khách phải trả thêm một khoản phí môi giới cho các công ty này. Đổi lại, visa của du khách sẽ gần như chắc chắn được thông qua mà không cần mất công chờ đợi hay thấp thỏm lo sợ. Trong hơn 113 triệu visa được cấp trên toàn thế giới vào năm 2013 thì có tới 1/3 được thực hiện thông qua các công ty môi giới này.
Đây cũng là một bài học kinh nghiệm mà cơ quan quản lý thị thực và cơ quan quản lý du lịch của Việt Nam có thể tham khảo.