Thông điệp của Ngày Du lịch Thế giới năm 2019 hướng tới chủ đề “Du lịch và việc làm – Tương lai tươi sáng cho tất cả” không chỉ nhìn nhận sự đóng góp to lớn của ngành Du lịch khi tạo ra 10% việc làm trên thế giới mà còn đưa ra nhiều khuyến nghị cần thiết để Du lịch vượt qua thách thức chung của toàn cầu, đóng góp nhiều hơn cho các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc.
Ngành Du lịch đã tạo ra khoảng 10% việc làm trên thế giới (ảnh: Internet)
Đóng góp cho phát triển kinh tế – xã hội
Ngày Du lịch Thế giới được kỷ niệm vào ngày 27/9 hàng năm với mục đích thúc đẩy nhận thức trong cộng đồng du lịch toàn cầu về giá trị xã hội, văn hóa, chính trị và kinh tế và sự đóng góp của ngành Du lịch có thể đạt được trong các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Du lịch là một trong những ngành có đóng góp cho nhiều Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) như Đóng góp vào việc làm và tăng trưởng kinh tế; Tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm và Tài nguyên nước (Mục tiêu số 8, 12 và 14). Du lịch được đánh giá là lĩnh vực kinh tế “kiên cường”, khi đảm bảo mức tăng trưởng ổn định ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2010. Suốt 7 năm sau đó, số lượng khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới tăng bình quân từ 4% trở lên qua các năm.
Thống kê được UNWTO đưa ra, ngành Du lịch đã tạo ra khoảng 10% việc làm trên thế giới. Ngoài những lao động trực tiếp trong ngành, còn có nhiều đối tượng được hưởng lợi gián tiếp trong các lĩnh vực kinh tế liên quan đến du lịch. Thông qua chuỗi dịch vụ phục vụ khách du lịch, du lịch cung cấp cơ hội cho phụ nữ, thanh niên và cộng đồng nông thôn trong nhiều vai trò khác nhau, góp phần tạo dựng xã hội bình đẳng và toàn diện hơn. Hơn nữa, du lịch tạo ra việc làm ở nông thôn và vùng sâu vùng xa, không chỉ trực tiếp mà còn gián tiếp thông qua việc bảo tồn và phục hồi các hoạt động sản xuất truyền thống, đó là điều mà không phải lĩnh vực kinh tế nào cũng thực hiện được.
Bởi thế, ngay tại phần mở đầu thông điệp Ngày Du lịch Thế giới 2019, Tổng Thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili đã khẳng định: “Du lịch có thể giúp chúng ta xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho tất cả mọi người. Trên khắp thế giới, du lịch đem lại nguồn việc làm hàng đầu, cung cấp nhiều triệu việc làm và thúc đẩy kinh tế phát triển cả ở cấp địa phương và quốc gia”. Gần đây, trong Tuyên bố của các nhà lãnh đạo G20 tại Osaka (Nhật Bản) tháng 6/2019 đã khẳng định, Du lịch chiếm một phần đáng kể trong GDP thế giới và dự kiến sẽ tiếp tục là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Cùng với đó là các cam kết từ các nền kinh tế lớn của thế giới để tối đa hóa sự đóng góp của ngành Du lịch trong việc nâng cao chất lượng việc làm, đặc biệt là cho phụ nữ và thanh niên, gắn với ngành công nghiệp sáng tạo cũng như khả năng phục hồi nền kinh tế. Đồng thời với việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên thông qua quy hoạch và quản lý du lịch bền vững.
Khuyến nghị đầu tư cần thiết
Với những thay đổi đang diễn ra trên thế giới – Toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu, tiến bộ công nghệ và thay đổi nhân khẩu học, Du lịch chịu những tác động không nhỏ, ảnh hưởng tới cách thức vận hành của ngành Du lịch nói chung, cũng như những yêu cầu nhu cầu về kỹ năng và đặc điểm của việc làm du lịch nói riêng.
Một số vấn đề chính mà ngành Du lịch phải đối mặt trong việc thích ứng lực lượng lao động với cuộc cách mạng công nghệ là sự cần thiết phải xem xét những quy định hỗ trợ việc làm, khởi nghiệp và các mô hình kinh doanh mới, nâng cao trình độ nhận thức và chuyên môn về công nghệ mới và xu hướng công nghệ hiện nay. Tình trạng thiếu kinh phí để đầu tư vào các công nghệ mới và đào tạo cho các công việc cần thiết cho hiện tại và tương lai, thiếu phối hợp giữa các bên liên quan diễn ra khá phổ biến. Ngay cả những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) – những lực lượng doanh nghiệp chủ đạo của ngành Du lịch hiện nay cũng gặp phải khó khăn khi tiếp cận tài chính, quy định kinh doanh và kỹ năng mới cho người lao động. Trong khi đó, việc làm nói chung, việc làm trong ngành Du lịch nói riêng đang trở nên bức thiết khi thất nghiệp trở thành vấn nạn toàn cầu. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năm 2018, có khoảng hơn 190 triệu người trên thế giới thất nghiệp. Do đó, tất cả các ngành và quốc gia cần tạo điều kiện thúc đẩy việc làm tốt hơn, để có thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.
Để hiện thực hóa thông điệp “Du lịch và việc làm – Tương lai tươi sáng cho tất cả”, UNWTO khuyến khích sự tiến bộ của đổi mới trong du lịch, thúc đẩy tạo việc làm và tinh thần kinh doanh đặc biệt là phụ nữ, thanh niên và cộng đồng nông thôn. Đồng thời thành lập các trung tâm đổi mới du lịch, các chương trình kết nối các công ty khởi nghiệp, các doanh nghiệp du lịch hàng đầu, các nhà đầu tư và chính phủ. Việc phát triển nghiên cứu về nhu cầu thay đổi kỹ năng do cuộc cách mạng kỹ thuật số, tạo ra các sáng kiến thúc đẩy đổi mới và phát triển kỹ năng công nghệ trong du lịch cũng được đề cập tới.
Bên cạnh đó phải tập hợp các tổ chức giáo dục, khu vực tư nhân, chính phủ và các đối tác công nghệ để xem xét các chương trình giáo dục và giúp tạo ra các bộ kỹ năng cần thiết, tạo ra cơ hội trải nghiệm ngành nghề phù hợp, có cơ chế điều phối chính sách du lịch quốc gia để đảm bảo một cách tiếp cận toàn diện. Quan trọng hơn cả là khẳng định vai trò của Du lịch là một lĩnh vực quan trọng trong cả chương trình nghị sự quốc gia và đa phương về việc làm, giáo dục và tạo kỹ năng, và phát triển kinh tế tổng thể, làm nổi bật năng lực của Du lịch để thực hiện các mục tiêu tạo ra nhiều việc làm tốt hơn.
Bộ trưởng Bộ Du lịch Ấn Độ Prahlad Singh Patel – Đại diện nước chủ nhà đăng cai tổ chức Lễ kỷ niệm chính thức của Ngày Du lịch Thế giới 2019 bày tỏ, sự phát triển của du lịch gắn liền với sự phát triển của cộng đồng và luôn mong muốn người dân địa phương được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch. “Trong quá trình tạo việc làm, chúng ta hãy đảm bảo rằng các chiến lược phát triển du lịch của chúng ta không xung đột với môi trường và có ít những tác động tiêu cực. Khi chúng ta nói về sự bền vững, chúng ta không chỉ nên nói về bảo tồn tài nguyên mà còn về văn hóa và di sản của chúng ta, đó là điều mà chúng tôi đã áp dụng ở Ấn Độ thông qua Tiêu chí Du lịch Bền vững”.
Theo thông tin từ UNWTO, Lễ kỷ niệm Ngày Du lịch Thế giới 2019 sẽ được tổ chức tại New Delhi (Ấn Độ) vào ngày 27/9/2019. Trong đó có các hoạt động Lễ kỷ niệm, trao Giải thưởng Du lịch Quốc gia Ấn Độ, các chương trình hội thảo thảo luận về việc làm của ngành Du lịch trong tương lai với sự tham gia của các chuyên gia về việc làm, phát triển kinh tế và du lịch đến từ các tổ chức quốc tế, khu vực kinh tế tư nhân và cộng đồng. |