Ẩm thực Việt Nam được ví như một viên ngọc quý, đang bị các lớp trầm tích thời gian che phủ, cần làm lộ ra viên ngọc đó, để nó tỏa sáng trong đời sống đương đại. Ngày trước, chúng ta chỉ nghĩ đến việc “ăn no, mặc ấm” là được. Ngày nay, xã hội phát triển, quan niệm về “ăn mặc” cũng khác… Do vậy việc phát lộ viên ngọc quý ẩm thực là cần thiết, vừa bảo tồn và phát huy vốn quý đó cho tương xứng với tiềm năng và nguồn tài nguyên của nó.
Ngày nay cạnh tranh quốc tế giữa các quốc gia là sự cạnh tranh về các mặt vượt trội, sự khác biệt. Mỗi quốc gia đều chọn các mặt mạnh, cái riêng biệt, từ đó tập hợp nguồn lực để đầu tư, phát triển và cạnh tranh với các quốc gia khác. Đặc biệt khi mà nên kinh tế đi vào phát triển thì nhu cầu hướng đến cái đẹp, cái ngon, nâng tầm của ẩm thực là có. Tuy nhiên, cái mà để cho mỗi người có thể cảm nhận được đích thực, nhanh nhất về văn hóa, về đất nước đó thì chính là ẩm thực. Ví như khi nói đến nước Pháp thì người ta nghĩ ngay đến rượu vang, nói đến Socola thì Thụy Sĩ phải được nhắc đến hay pho mát thì Hà Lan là xứ sở nổi danh… Lúc này, ẩm thực chính là hình ảnh khái quát, biểu trưng cho một đất nước.
Còn tại Việt Nam, ẩm thực rất phong phú, đa dạng nhưng vẫn chưa thể phát triển xứng tầm đó chính là do nhận thức, suy nghĩ, hành động của chúng ta. Chúng ta chưa đánh giá cao về ẩm thực của mình, thậm chí còn tự ti, không thấy tự tin do đó đã bỏ lỡ những cơ hội. Thậm chí, có những món ăn, chúng ta lại được nước ngoài tôn vinh, trong khi trong nước lại chưa thật sự quan tâm. Từ xa xưa, Lang Liêu đã biết làm nên bánh chưng, bánh dày, đây chính là văn hóa của dân tộc, trải qua hàng ngàn năm thì nó vẫn tồn tại và phát triển. Bên cạnh đó, chung ta có nguồn nông – hải sản và thực phẩm hết sức phong phú, đa dạng, đây chính là thế mạnh mà không phải quốc gia nào cũng có được. Nếu chúng ta không tập hợp lại để phát triển thì hết sức lãng phí… Bởi như hiện nay, thì đang có hiện tượng mạnh ai, nấy làm, chạy theo con đường riêng. Nếu để tình trạng diễn ra kéo dài này thì sẽ làm cho nó trở nên mai một. Do đó, cần phải định hướng, tập hợp lại để ẩm thực thực sự trở thành thế mạnh của quốc gia. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cũng có thể phát triển các thế mạnh khác như du lịch biển đảo chẳng hạn nhưng làm như vậy sẽ rất khó theo kịp các quốc gia khác, trong khi cần rất nhiều nguồn lực đề đầu tư phát triển.
Phở – Món ăn nổi tiếng của người Việt, ảnh afamily.vn
Để cảm nhận một đất nước thì có thể thông qua nhiều lĩnh vực như âm nhạc, văn hóa, hội họa…. So với nhiều lĩnh vực đó thì ẩm thực là cái có thể cho con người cảm nhận nhanh nhất. Ví như khi du khách thưởng thức bánh chưng, bánh dày và được nghe về sự tích hai loại bánh này thì họ còn biết được nhiều hơn về lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam hay như ăn phở thì sẽ cảm nhận được một đất nước khác như thế nào. Đó chính là lý do, sứ mệnh để Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam ra đời. Đây là nơi tập hợp những con người có tâm, khát khao đưa ẩm thực Việt Nam vươn xa và tham gia với tinh thần hoàn toàn tự nguyện để có thể đáp ứng được yêu cầu của việc khai thác, bảo tồn và đưa ẩm thực Việt Nam trở thành thế mạnh của quốc gia, qua đó quảng bá xúc tiến hình ảnh du lịch Việt Nam đến với năm châu.
Khi phát triển ẩm thực thì kéo theo đó là cả một ngành công nghiệp chế biến đi theo, lúc này nó không chỉ còn đơn thuần là văn hóa nữa mà kéo theo cả kinh tế cũng phát triển. Điển hình như Hàn Quốc trước đây hàng hóa của họ ít được chú ý, thậm chí còn thua cả hàng hóa như Trung Quốc thời điểm này. Thế nhưng thông qua việc tập trung cho phát triển văn hóa, đẩy văn hóa đi trước một bước, làm cho mọi người hiểu hơn về văn hóa của họ từ đó nhìn nhận về đất nước Hàn Quốc bằng con mắt khác và kinh tế cũng vì vậy mà phát triển theo. Ngày nay, nói đến hàng hóa của Hàn Quốc thì người dân khắp nơi đều ưa chuộng.
Việt Nam hiện nay cũng thế, có nguồn tài nguyên về ẩm thực rất phong phú do vậy cần phải đưa văn hóa ẩm thực đi trước để kéo theo các lĩnh vực khác. Đây là biểu hiện sống động nhất, nhanh nhất, phù hợp nhất và trực quan nhất. Và chúng ta có khả năng, điều kiện để làm điều này. Vì có thể coi đây chính là mặt mạnh là mũi nhọn của quốc gia trong bối cảnh hiện nay. Làm được điều này chính là đánh thức “con rồng” đang ngủ yên, lấy con rồng này làm thương hiệu để phát triển du lịch Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Hơn thế nữa, nếu so với các lĩnh vực khác cần phải có lộ trình lâu dài, kể cả trong việc đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, kỹ thuật… thì ẩm thực là cái có thể làm được ngay, đồng thời nó có mức đầu tư không lớn (tiết kiệm) nhưng lại có thể trở thành lá cờ tiên phong cho các hoạt động của ngành công nghiệp chế biến nông, thủy hải sản và thực phẩm đi theo. Lúc này, còn rồng sẽ không còn ngủ yên nó mà nó sẽ cất cánh bay lên.
Điều cần làm trước mắt là phải thành lập được Hiệp hội, tập hợp những người dám nghĩ dám làm và trên tinh thần tự nguyện để khai thác các nguồn tài nguyên, tiềm năng của ẩm thực Việt Nam hiện đang có. Qua đó, nhanh chóng thúc đẩy, xây dựng và định vị được ẩm thực Việt Nam. Để làm được điều đó thì cần phải xác định được vai trò, chiến lược xây dựng hình ảnh, sản phẩm cho ẩm thực Việt. Chúng ta có nhiều món ăn ngon, nổi tiếng, nhiều thực phẩm phong phú, đa dạng… thì cũng là thuận lợi nhưng cũng là bài toán khá khó khăn để lựa chọn xem cái nào cần đẩy lên trước. Nhưng theo tính toán của chúng tôi thì cái nào tiết kiệm nhưng có thể làm cho du khách có cảm nhận nhanh nhất về văn hóa, con người Việt Nam thì sẽ ưu tiên lựa chọn. Nhưng có thể khẳng định rằng, việc lựa chọn ẩm thực là lá cờ đi đầu trong bối cảnh hiện nay là lựa chọn đúng hướng. Vấn đề là phải tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân hiểu và vận hành trơn tru theo đúng quỹ đạo của nó.
Hiện nay, chúng ta đang có hàng chục ngàn nhà hàng ở nước ngoài do người Việt đảm nhận, đây chính là kênh quảng bá, xúc tiến hết sức hiệu quả. Chính người Việt tại các nước này sẽ tác động mạnh mẽ đến cộng đồng sở tại. Còn trong nước, cần phải có chính sách, chiến lược để có thể giúp cho người dân có thể cung cấp các nguồn liệu sạch hơn, an toàn hơn và chất lượng hơn.
Đối với các quán ăn, nhà hàng thì sẽ hỗ trợ, giúp đỡ để họ có thể chế biến các món ăn mang một giá trị cao hơn, không đơn thuần là ăn uống nữa, đó là nghệ thuật trong ẩm thực. Bên cạnh đó, giúp họ có thể bày trí không gian trong quán ăn trở nên thân thiện và hiền hòa, mang đậm bản sắc hình ảnh Việt Nam… Nếu cả trong và ngoài cùng kết hợp làm thì tin chắc rằng chúng ta sẽ thành công. Tuy nhiên, chúng tôi cũng lường trước được những khó khăn nhất định, chắc chắn là không phải một sớm một chiều là thành công ngay mà cần phải có thời gian, sự kiên nhẫn và sự chung tay góp sức của mọi người. Nhưng nếu vì thấy khó khăn mà không làm thì con rồng sẽ mãi mãi vẫn ngủ yên, thậm chí nó sẽ còn bị mai một đi. Vì thế, mọi người cần suy nghĩ rằng, phải bỏ đi cái tôi của riêng mình để tập hợp lại thành sự thành công của cái chung.
Trên cơ sở đó rất cần tổ chức Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam. Hiện nay Ban vận động thành lập Hiệp hội đang làm việc hết sức mình để dự kiến vào tháng 11/2016 sẽ tiến hành đại hội. Hiệp hội có thể có những thành viên là các hiệp hội khác và ngược lại cũng là thành viên của các hiệp hội khác.
Nguyễn Quốc Kỳ – Chủ tịch HĐTV – Tổng Giám đốc Vietravel