Báo Du lịch đăng tải ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp về giải pháp chuẩn hóa nhân lực ngành Du lịch.
Kỳ cuối: Đi tìm lời giải
Nhiều đơn vị, sau khi tuyển dụng nhân sự phải dành thời gian để hướng dẫn lại nhân viên (Ảnh minh họa)
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong chuyên gia kinh tế:
Cần đào tạo cả kiến thức văn hóa, bản lĩnh thị trường
Nhân tố con người có vai trò quyết định chất lượng và hiệu quả hoạt động du lịch. Trong bối cảnh hội nhập, nhất là khi AEC (Cộng đồng kinh tế ASEAN) có hiệu lực từ cuối năm 2015, mỗi cán bộ và nhân viên ngành Du lịch đều là một đại sứ văn hóa của Việt Nam trong con mắt du khách nước ngoài. Hoạt động du lịch ngày càng đòi hỏi những chuẩn hóa trong đào tạo, cũng như đáp ứng những yêu cầu chuẩn hóa và công nhận lẫn nhau về bằng cấp trong ngành Du lịch các nước AEC và quốc tế. Đào tạo nhân lực cho ngành Du lịch thời gian tới cần chú ý không chỉ đào tạo theo các yêu cầu và chuẩn chung về ngoại ngữ, các nghiệp vụ du lịch, mà còn cần đào tạo cả kiến thức văn hóa, bản lĩnh thị trường và tinh thần tự giác, tự trọng và tự tôn dân tộc cao cho cán bộ quản lý, nhân viên ngành…
Các cơ quan chức năng, mà trước hết là Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH cùng với Bộ VHTTDL cần có sự bàn bạc, phân cấp quản lý để xây dựng các quy chuẩn nội dung chương trình đào tạo nhân lực du lịch một cách thống nhất và khoa học; giúp các cơ sở đào tạo nâng cấp bộ chương trình đào tạo và tăng cường liên kết đào tạo du lịch quốc gia và quốc tế, cũng như giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nhân lực du lịch nói riêng, ngành Du lịch Việt Nam nói chung.
Luật sư Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa:
Gắn kết học đi đôi với hành
Đào tạo nguồn nhân lực du lịch hiện nay cần phải xây dựng cơ chế, phương hướng và giải pháp trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu cấp thiết cho sự phát triển ngành Du lịch. Theo đó, đào tạo trong nước và ngoài nước cho các chuyên gia, giảng viên đầu ngành về du lịch làm việc trong các cơ quan hoạch định chính sách, viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục, đào tạo. Thu hút công chức, viên chức, các nhà quản lý, doanh nhân, nghệ nhân, chuyên gia, công nhân kỹ thuật tay nghề bậc cao trong nước và nước ngoài… tham gia đào tạo du lịch. Đào tạo kỹ năng cho đội ngũ thẩm định viên, giám sát viên, đào tạo viên và sử dụng hiệu quả đội ngũ này trong hoạt động du lịch.
Nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ, phương pháp giảng dạy để giảng viên, giáo viên và đào tạo viên đủ khả năng giảng dạy, tự nghiên cứu, trao đổi chuyên môn với chuyên gia nước ngoài, tham gia hội nghị, hội thảo, diễn đàn trong nước và quốc tế.
Các cơ sở đào tạo chuyên ngành du lịch cần đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất nhằm đảm bảo có sự gắn kết học đi đôi với hành. Các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình học, mã ngành đào tạo khoa học, hợp lý. Đặc biệt, Tổng cục Du lịch đã đưa ra bộ Tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam làm tiêu chuẩn phục vụ cho việc giảng dạy tại các trường đào tạo ngành du lịch. Tuy nhiên, bộ tiêu chuẩn này cần áp dụng và thống nhất trong quá trình giảng dạy, phải được xem là kim chỉ nan trong đào tạo nguồn nhân lực ngành Du lịch.
Huy động các nguồn lực và điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành Du lịch. Ngoài việc sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, còn cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, xây dựng chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành Du lịch.
Có cơ chế, chính sách phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp du lịch trong hoạt động đào tạo, tham gia vào xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề và chương trình, giáo trình đào tạo. Tạo cơ sở kiến tập, thực tập, hỗ trợ kinh phí cho người học. Chú trọng phát triển các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch trong các doanh nghiệp.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến trong công tác nghiên cứu, đào tạo du lịch như đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến, xây dựng giáo trình đào tạo du lịch điện tử…. Sớm hoàn thiện cơ cế chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Rà soát các chính sách đã ban hành, nghiên cứu vận dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, thủ tục hành chính, thông tin thị trường cho nhà đầu tư vào đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Nâng cao vai trò và sự tham gia của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch địa phương, Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam nhằm kết nối cung cầu, liên kết đào tạo, thẩm định chất lượng đào tạo…
Bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel:
Nên có sự nhất quán trong công tác đào tạo
Sản phẩm du lịch là kết quả của các dịch vụ tổng hợp. Theo đó, nguồn nhân lực du lịch là nhân tố góp phần quyết định đến 50% thành công của sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, trong thời gian qua, những vấn đề xoay quanh chất lượng nguồn nhân lực du lịch trở thành đề tài nóng hổi trong các cuộc hội thảo. Thực tế hiện nay, có rất nhiều trung tâm, trường trung cấp, cao đẳng và đại học đào tạo ngành Du lịch và số sinh viên theo học cũng rất đông. Nhưng sau khi ra trường, các bạn sinh viên lại gặp phải khó khăn trong công tác tìm kiếm việc. Nguồn cung rất nhiều nhưng nhu cầu vẫn thiếu. Thiếu ở đây là thiếu một lượng lớn nguồn nhân lực chất lượng. Hầu hết các đơn vị lữ hành hiện nay đều phải đầu tư đào tạo cho nguồn nhân lực mới khi tuyển dụng.
Mỗi doanh nghiệp có một nét văn hóa riêng, do đó việc đào tạo để các bạn sinh viên mau chóng hòa nhập vào môi trường doanh nghiệp là điều đương nhiên. Tuy nhiên, nếu mất một khoảng thời gian và công sức để đào tạo lại kiến thức du lịch cho nhân sự mới thì đây là một vấn đề bất cập trong khâu đào tạo tại các trường. Theo thông tin từ các báo chí, hiện nay, giáo trình đào tạo của ngành Du lịch vẫn còn thiếu tính thực tế và không đồng bộ. Là một doanh nghiệp lữ hành, chúng tôi kiến nghị nên có sự nhất quán trong công tác đào tạo bằng cách liên kết giữa Bộ VHTTDL, Bộ GD & ĐT và các doanh nghiệp lữ hành lớn, đưa ra bộ giáo trình chuẩn với những chương trình đào tạo cung cấp cho các bạn sinh viên kỹ năng làm việc, kiến thức du lịch bám sát với thực tế.
Riêng về các bạn sinh viên cũng phải nhận thức được chìa khóa thành công để bước vào ngành Du lịch chính là sự đam mê, kiến thức về du lịch và đặc biệt là phải tập trung trao dồi kỹ năng ngoại ngữ thật tốt. Để tạo cơ hội cho các bạn sinh viên có thể cọ sát với thực tế, các trường du lịch có thể liên kết với những công ty lữ hành, thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, khóa học ngắn hạn để các bạn giao lưu học hỏi, thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn của ngành từ khi còn ngồi trong ghế nhà trường.
Thuận Phong thực hiện