Ngày 17/11, Sở VHTTDL Hòa Bình đã tổ chức hội nghị về định hướng, giải pháp xây dựng sản phẩm du lịch đường thủy trên địa bàn 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng năm 2017.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Cửu nhấn mạnh ý nghĩa thiết thực của chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, góp phần tăng trưởng số lượng khách và thu nhập du lịch của các tỉnh Tây Bắc mở rộng trong giai đoạn vừa qua. Đồng thời mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp du lịch sẽ có nhiều ý kiến bổ sung, hoàn thiện các kế hoạch, định hướng, giải pháp cụ thể để các tỉnh trong khu vực khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tăng cường liên kết, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch trên tuyến đường thủy với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hữu tình, cùng các giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc, xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách…
Toàn cảnh hội nghị
Tại buổi làm việc, đại diện cơ quan quản lý nhà nước 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, các công ty du lịch tham gia đoàn khảo sát tuyến du lịch đường thủy dọc sông Đà đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, có chất lượng đánh giá tiềm năng, cơ hội phát triển, cũng như những khó khăn thách thức trong phát triển du lịch các tỉnh. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng cần có sự rà soát đánh giá kỹ lượng các điểm trên khu vực dọc tuyến sông Đà trên địa bàn từng tỉnh để xây dựng chương liên kết hợp lý tạo ra những nét sắc thái riêng độc đáo để thu hút du khách; ưu tiên hỗ trợ các chương trình đào tạo, tập huấn, kiến thức nghề du lịch cho các hộ dân có điều kiện tham gia làm du lịch cộng đồng; chú trọng công tác xúc tiến, quảng bá, giới thiệu tài nguyên và tiềm năng du lịch của tuyến đường thủy; xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch trên hồ sông Đà…
Phát biểu tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Lữ hành TCDL Nguyễn Qúy Phương đánh giá cao sáng kiến của Sở VHTTDL Hòa Bình trong việc triển khai khảo sát định hướng xây dựng sản phẩm tuyến du lịch đường sông này. Việt Nam có chủ trương phát triển đầy đủ các tuyến du lịch, đường bộ, đường không, đường sắt đường thủy nội địa và đường biển… Du lịch đường sông là loại hình được đánh giá cao trong hợp tác với ASEAN, du lịch đường sông đã được đặt lên bàn nghị sự và được coi là hoạt động cần chú trọng trong thời gian tới. Việt Nam đang tích cực tham gia vào phát triển du lịch đường sông. Hoạt động liên kết của 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng trong xây dựng sản phẩm du lịch đường thủy nội địa dọc theo sông Đà là thực sự cần thiết. Ông Phương mong rằng sau hội nghị này các tỉnh sẽ đưa ra được những giải pháp, định hướng để thu hút đầu tư, một phần vào các cảng, bến bãi, một phần vào các phương tiện thủy để làm sao thực sự đưa ra được một sản phẩm riêng có, hấp dẫn hướng tới những thị trường và có chiến lược quảng bá cho tuyến du lịch đường thủy dọc sông Đà.
Vụ trưởng Vụ Lữ hành TCDL Nguyễn Quý Phương đánh giá cao sáng kiến của Sở VHTTDL Hòa Bình trong việc triển khai khảo sát định hướng xây dựng sản phẩm tuyến du lịch đường sông
Trước đó, trong các ngày từ ngày 14-16/11, Sở VH TTDL các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã phối hợp tổ chức khảo sát, xây dựng tuyến du lịch đường thủy liên hồ từ Thủy điện Hòa Bình – Thủy điện Sơn La – Thủy điện Lai Châu. Đoàn công tác đã tới khảo sát, đánh giá tiềm năng lợi thế phát triển du lịch cộng đồng tại bản Ngậm, xã Song Pe, huyện Bắc Yên (Sơn La). Bản có 103 hộ dân sinh sống, 99% là người dân tộc Mường với những tiềm năng phát triển du lịch như phong tục tập quán độc đáo, hệ sinh thái phong phú và đa dạng; các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp…Đoàn công tác đánh giá đây là một trong những địa điểm hội tụ đầy đủ tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh Sơn La. Tiếp đó, Đoàn cũng đã khảo sát toàn bộ tuyến đường thủy khu vực hồ Hòa Bình tại các khu vực, địa điểm có tài nguyên du lịch tiềm năng và đang hình thành các sản phẩm du lịch sinh thái, tâm linh, du lịch cộng đồng như: đền chúa Thác Bờ, xã Thung Nai (Cao Phong); xóm Đá Bia, đảo Dừa xã Tiền Phong (Đà Bắc); bản Ngòi, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc).
Thông qua chương trình khảo sát, xây dựng tuyến du lịch đường thủy liên hồ nhằm đánh giá tiềm năng, thực trạng tài nguyên du lịch của hồ Hòa Bình, thực hiện định hướng hỗ trợ và kêu gọi đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của từng vùng miền. Đồng thời, kết nối xây dựng tuyến đường thủy trên sông Đà từ Hòa Bình đến Sơn La, Điện Biên và Lai Châu.
Hồng Lụa