Đây là ý kiến của ông Michael Croft – Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam khi trao đổi với PV Báo Du lịch bên lề hội thảo quốc tế “Vai trò của báo chí với sự phát triển du lịch” do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tổ chức mới đây tại Quảng Ninh…
Tọa đàm vai trò của báo chí với sự phát triển Du lịch
PV: Xin ông cho biết vai trò của truyền thông báo chí trong việc phát triển, quảng bá du lịch tại Việt Nam?
Ông Michael Croft: Có thể nói, động lực của du khách quốc tế đến Việt Nam là để khám phá những danh lam thắng cảnh
![]() Ông Michael Croft – Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam |
cũng như những nét văn hóa riêng biệt. Du khách cũng muốn có những trải nghiệm chân thực nhất giống như người bản địa. Những thay đổi của thế giới số cũng như kỳ vọng của khách du lịch đã tác động rất lớn đến người làm du lịch. Do vậy, vai trò của báo chí – truyền thông vô cùng quan trọng trong việc tuyên truyền về những điểm đến, lễ hội, thời tiết của Việt Nam để thu hút khách du lịch. Hiện tại, việc tiếp cận thông tin dễ dàng hơn, tuy nhiên ngành Du lịch cũng phải đối mặt với những thách thức mới, đồng thời cũng là cơ hội để chứng minh được vai trò của mình…
Bên cạnh đó, báo chí trở thành công cụ hiệu quả để bảo vệ di sản Việt Nam cũng như nâng cao nhận thức để phục hồi, tái sinh những nét đẹp của Việt Nam. Do vậy, báo chí cần mạnh mẽ hơn nữa trong việc phát triển du lịch, việc đưa ra những thông điệp đúng đắn sẽ có tác động lớn trong việc thu hút khách du lịch đặt chân đến Việt Nam cũng như có ý thức trong việc giữ gìn văn hóa Việt. Đồng thời, cần khuyến khích du lịch có trách nhiệm dù là khách quốc tế hay trong nước để bảo vệ, đối phó thách thức trong việc phát triển du lịch thời nay. Khi giải quyết được thách thức sẽ mở rộng được cơ hội, mở rộng thị trường du lịch của Việt Nam.
PV: Trong thời đại công nghệ số, theo quan điểm của ông, các địa phương nên tận dụng truyền thông và công nghệ thông tin như thế nào để quảng bá du lịch của địa phương mình?
Ông Michael Croft: Trong thời đại công nghệ số, du lịch càng cho thấy sự phát triển nhanh chóng. Tôi có thể lấy ví dụ về việc phát triển du lịch nhờ áp dụng công nghệ, cụ thể là sử dụng điện thoại di động. Du khách có thể cập nhật rất nhiều thông tin hữu ích từ điện thoại, giúp họ có nhiều sự lựa chọn nếu họ chưa biết nhiều về điểm đến mà họ định ghé thăm. Hơn thế nữa, công nghệ kỹ thuật số còn giúp du khách có được những trải nghiệm du lịch hết sức thú vị.
Cùng với đó, du khách có thể đưa ra những phản hồi chân thực về cảm nhận của họ đối với các dịch vụ du lịch, từ đó giúp chính quyền địa phương hay các công ty kinh doanh du lịch có thể đưa ra những giải pháp phù hợp để cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Điều này là vô cùng có giá trị đối với lãnh đạo tỉnh, thành phố và các công ty du lịch để biết được khách du lịch muốn gì, cần gì và làm cách nào để có thể du khách hài lòng. Để làm được điều này phải nhờ đến sức mạnh của công nghệ kỹ thuật.
PV: Ông có những đánh giá gì về công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian vừa qua?
Ông Michael Croft: Lần đầu tiên tôi đến Quảng Ninh, điều khiến tôi ấn tượng đó chính là những nỗ lực không ngừng nghỉ của tỉnh trong việc quản lý, phát triển du lịch. Trong 2 năm qua, với vai trò là trưởng đại diện của UNESCO tại Việt Nam tôi đã 8 lần tham quan vịnh Hạ Long, tôi biết thực tế Quảng Ninh vốn là vùng đất mỏ và khoáng sản nổi tiếng. Chúng ta có thể thấy được sự thay đổi tích cực khi Quảng Ninh cố gắng chuyển dịch từ nền kinh tế “nâu” sang “xanh”. Điều này không hề dễ dàng đối với một tỉnh mà trước đó chưa có kinh nghiệm về phát triển mô hình kinh tế này.
Vì thế tôi nghĩ rằng, nhiệm vụ của UNESCO chính là việc trở thành đối tác tin cậy cho các bạn, giúp các bạn biết được những khuyết điểm, hạn chế cần tránh và chỉ ra những mặt tích cực để các bạn tiếp tục phát huy.
PV: Xin cảm ơn ông!