Việt Nam đã và đang thu hút được sự chú ý của khách du lịch quốc tế với nhiều điểm đến tiềm năng về loại hình du lịch mạo hiểm. Số lượng các doanh nghiệp và khách du lịch tham gia vào các hoạt động du lịch mạo hiểm ngày càng tăng đặt ra nhu cầu cần có những hướng dẫn và quy định rõ ràng cho hoạt động du lịch này.
Du khách tham gia du lịch mạo hiểm tại Quảng Bình. Ảnh: phongnhatravel.vn
Du lịch mạo hiểm trên thế giới
Du lịch mạo hiểm là một trong những loại hình du lịch tăng trưởng mạnh trên toàn thế giới trong một vài thập kỷ qua. Tổ chức Du lịch mạo hiểm thương mại (Adventure Travel Trade AssociationATTA) ước tính tốc độ tăng trưởng trung bình của loại hình du lịch này đạt 65%/ năm. Một số quốc gia trên thế giới đã xây dựng những bộ tiêu chuẩn và kiểm định chất lượng về hoạt động du lịch mạo hiểm, trong đó New Zealand được đánh giá là quốc gia đi đầu. New Zealand đã ban hành Quy định về an toàn và sức khỏe cho lao động trong các hoạt động mạo hiểm (Health and Safety in Employment (Adventure Activities) Regulations) và Tiêu chuẩn kiểm tra an toàn cho các hoạt động mạo hiểm – Yêu cầu cho việc kiểm tra an toàn với các nhà cung cấp (Safety Audit Standard for Adventure Activities – Requirement for a Safety audit of operators).
Về các tiêu chuẩn quốc tế, Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế ISO đã ban hành các tiêu chuẩn liên quan đến du lịch mạo hiểm, đó là các tiêu chuẩn ISO 21101:2014 Du lịch mạo hiểm – Hệ thống quản lý an toàn – Yêu cầu (Adventure tourism – Safety management systems – Requirement) quy định về các yêu cầu cho hệ thống quản lý an toàn cho hoạt động du lịch mạo hiểm; và ISO 21103:2014 Du lịch mạo hiểm – Thông tin cho những người tham gia (Adventure tourism – Information for participants), đưa ra các loại thông tin cần cung cấp cho người tham gia hoạt động du lịch mạo hiểm trước, trong và sau chuyến đi. Ngoài ra còn có báo cáo kỹ thuật ISO/TR 21102:2013 Du lịch mạo hiểm – Nhà điều hành – Năng lực cá nhân (Adventure tourism – Leaders – Personnel Competence) yêu cầu về kỹ năng và kiến thức cho các nhà điều hành hoạt động du lịch mạo hiểm. Tổ chức du lịch thám hiểm ATTA cũng xây dựng tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn và hiệu suất của hướng dẫn viên trong hoạt động du lịch mạo hiểm (Adventure Travel Guide Qualifications and Performance Standard) trong năm 2015. Các văn bản này đều được khuyến nghị áp dụng để hoạt động du lịch mạo hiểm được tổ chức bài bản hơn, là tài liệu tham khảo cho các quốc gia khi xây dựng tiêu chuẩn cho các hoạt động du lịch mạo hiểm.
Nhu cầu cho tiêu chuẩn du lịch mạo hiểm tại Việt Nam
Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển du lịch mạo hiểm với địa hình ¾ là đồi núi, hệ thống sông ngòi dày đặc, nhiều hang động đẹp, nhiều khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia rộng lớn, bờ biển trải dài từ Bắc xuống Nam. Đỉnh Fansipan, khu vực đỉnh Mã Pì Lèng, dãy Lang Biang là những điểm lý tưởng cho các hoạt động leo núi. Hệ thống hang động tại Phong Nha – Kẻ Bàng thu hút những người ưa khám phá hang động. Bờ biển dài và các hòn đảo đẹp là địa điểm thuận lợi cho nhiều hoạt động mạo hiểm như lặn biển, đua thuyền buồm, lướt ván. Hệ thống sông và hồ dày đặc lại là tiềm năng cho các tour du lịch chèo thuyền, vượt thác…
Du lịch mạo hiểm được đưa vào khai thác tại Việt Nam từ những năm 1990 và bắt đầu khởi sắc kể từ sau khi Công ty Du lịch Việt Nam tại Hà Nội (VietnamtourismHanoi) kết hợp với công ty Raid Gauloises tổ chức cuộc đua Raid Gauloises 2002 tại 9 tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam. Cùng với cuộc thi chinh phục đỉnh Fansipan được Sở Thương mại và Du lịch Lào Cai (cũ) tổ chức thành công vào năm 2003, hai sự kiện này có thể coi là mở đầu cho loại hình du lịch mạo hiểm tại Việt Nam. Tiếp theo đó, nhiều doanh nghiệp du lịch như Buffalo Tour, Hanspand Travel Vietnam, Asiatica Travel, Exotissimo Travel Vietnam, Fiditour và Green Bamboo… đã và đang triển khai nhiều chương trình du lịch mạo hiểm như chinh phục đỉnh núi Fansipan, Bạch Mã, Lang Biang, lặn biển ở Nha Trang hay Phú Quốc, đi xe đạp địa hình, xe máy thể thao ở vùng núi, chèo thuyền kayak ở Hạ Long, vượt thác ở Tây Nguyên,v.v…
Loại hình du lịch mạo hiểm ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành hay quy định hướng dẫn quản lý. Hiện mới có một số thông tư quy định về việc tổ chức các hoạt động thể thao có liên quan trong lĩnh vực du lịch mạo hiểm như mô tô nước, lặn biển, dù lượn và diều bay có động cơ và một số văn bản liên quan đến quản lý an toàn trong hoạt động du lịch nói chung. Vì thế, xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về hoạt động du lịch mạo hiểm là việc làm cần thiết. Được biết, Bộ VHTTDL đã giao cho Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về du lịch mạo hiểm, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2018 này. Bộ tiêu chuẩn về du lịch mạo hiểm sẽ hỗ trợ cho các tổ chức và cá nhân trong việc đáp ứng các yêu cầu pháp lý và an toàn của những người tham gia khi thực hiện hoạt động du lịch mạo hiểm.
Luật Du lịch 2017, Chương III quy định về Biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch đối với những sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch. Trong đó, Điều 8 quy định Sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch (được hiểu là hoạt động du lịch thể thao mạo hiểm) khi có một hoặc một số hoạt động sau: bay dù lượn, khinh khí cầu, nhảy dù, đu dây mạo hiểm hành trình trên cao; đi xe đạp, mô tô, ô tô địa hình trên núi, trên đồi cát, đi trên dây, leo núi, vách đá, đu dây vượt thác; lặn dưới nước, chèo thuyền vượt ghềnh thác, đi mô tô nước, lướt ván, ca nô kéo dù bay, thám hiểm hang động, rừng núi. |