Kỳ 1: Chính sách visa là một đòn bẩy
Du khách quốc tế trải nghiệm chợ đêm phố cổ Hội An
Đòn bẩy hút khách
Trong giai đoạn 2015 – 2018, lượng khách Hàn Quốc đến Việt Nam tăng hơn 3 lần, từ 1,1 triệu lượt lên tới gần 3,5 triệu lượt; khách từ thị trường Nga cũng tăng gần gấp đôi, từ 339.270 lượt lên 606.637 lượt; khách Nhật từ 677.477 lượt lên 826.674 lượt, tăng khoảng 22%. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2018, tổng số khách du lịch các nước Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển đến Việt Nam đạt 5.057.287 lượt, chiếm khoảng 32,6% tổng lượng khách của năm 2018. Trong 11 tháng đầu năm 2019, lượng khách các nước trên đạt 5.428.344 lượt, chiếm 33,3% tổng lượng khách quốc tế đến. Như vậy có thể thấy, thị phần khách du lịch các nước trên chiếm khoảng 1/3 trong tổng số lượng khách du lịch đến Việt Nam, trong đó tập trung chủ yếu vào 3 thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga.
Cũng theo thống kê, khách đến từ Nhật Bản đang có mức chi tiêu khá cao, ở mức khoảng 600 USD người/tour du lịch (chưa gồm vé máy bay). Hay như thị trường khách Nga có thời gian lưu trú dài ngày, thường từ 7 đến 14 ngày, mức chi tiêu khoảng 1.600 USD trong khi mức chi trung bình của khách quốc tế nói chung tới Việt Nam khoảng 900 USD. Hơn nữa, lượng khách Nga đến Việt Nam chủ yếu sử dụng các cơ sở lưu trú 4 – 5 sao, đặc biệt là ở Cam Ranh, Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), Mũi Né (Bình Thuận)… Đây là những con số đáng để suy nghĩ nếu ngày 31/12 tới đây chính sách miễn thị thực cho công dân các nước này hết hiệu lực, có thể làm ảnh hưởng đến suy nghĩ, mong muốn, cũng như quyết định đến Việt Nam du lịch của họ.
Ông Nguyễn Huỳnh Nam, đại diện một doanh nghiệp tại Tp. HCM chia sẻ, “việc miễn visa cho các quốc gia trên sẽ hết hạn trong ít ngày tới nhưng đến nay vẫn chưa thấy động thái nào về gia hạn thêm thời gian cho những quốc gia này khiến cho giới làm du lịch phục vụ khách từ thị trường này đứng ngồi không yên. Nhìn vào thực tế thời gian qua, việc miễn thị thực đã hút lượng lớn khách Hàn Quốc đến Việt Nam với tốc độ tăng trưởng phi mã. Đó là hiệu ứng tích cực từ đòn bẩy về chính sách visa. Vậy tại sao chúng ta lại không triển khai tiếp? Nếu chúng ta ngừng chính sách này thì sẽ ảnh hưởng tới gần 4 triệu khách Hàn”, ông Nam khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Huyền – Giám đốc điều hành Vietrantour lo ngại, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển là những thị trường lớn, có số lượng khách đến Việt Nam hằng năm chiếm khoảng 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam nên nếu ngừng miễn thị thực cho nhóm nước này, chắc chắn sẽ khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh. “Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga là nhóm thị trường trọng yếu của Vietrantour. Nếu lượng khách nhóm thị trường này bị giảm sút sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch xây dựng sản phẩm tour và đương nhiên là sụt giảm doanh thu. Đặc biệt, khách đến từ các nước Bắc Âu (Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển) thường chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, trải nghiệm nhiều sản phẩm tour nội địa nên việc sụt giảm lượng khách này sẽ ảnh hưởng liên đới nghiêm trọng đến các ngành dịch vụ ăn uống, khách sạn, hàng không…”, bà Nguyễn Thị Huyền chia sẻ thêm.
Theo bà Dương Thị Minh Thu – Trưởng bộ phận kinh doanh của Haivenu Tours, việc hết thời hạn miễn thị thực theo Nghị quyết 99/NQ-CP sẽ làm giảm số lượng khách đến Việt Nam từ các nước này. Lý do là khi lên kế hoạch du lịch, họ sẽ ưu tiên các nước miễn thị thực trước để đỡ phiền hà về thủ tục, cũng như phải chờ đợi lấy thị thực ở sân bay, chưa kể đến chi phí xin thị thực. Việc này đồng thời sẽ làm giảm lượng khách từ nhóm thị trường này của công ty, hoặc dẫn tới một số khó khăn trong việc thuyết phục khách tiếp tục kế hoạch du lịch.
“Việc miễn thị thực giúp thu hút khách các thị trường lớn như Nhật, Nga, Hàn Quốc đến Việt Nam ngày càng tăng. Nếu dừng miễn thị thực các thị trường trọng điểm, kế hoạch mở rộng thị trường của Vietravel sẽ gặp những trở ngại nhất định. Không chỉ riêng Vietravel bị ảnh hưởng mà ngành Du lịch Việt Nam cũng chịu tổn thất về lượng khách quốc tế đến”. Ông Phạm Văn Bảy – Phó Giám đốc Vietravel chi nhánh Hà Nội chia sẻ.
Lo ngại giảm sức cạnh tranh
Năm 2019, Diễn đàn Kinh tế thế giới 2019 đánh giá năng lực cạnh tranh của ngành Lữ hành và Du lịch Việt Nam tăng 4 bậc, xếp thứ 63/140 quốc gia. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, tốc độ bứt phá của Việt Nam đến từ sự cải thiện của độ mở quốc tế (tăng 15 bậc), trong đó, tăng mạnh nhất là chỉ số yêu cầu thị thực (tăng 63 bậc). Điều này cho thấy chính sách về mở thị thực những năm qua giúp ngành Du lịch phần nào cởi bỏ được khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, theo Tổng thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính, Việt Nam vẫn xếp thấp nhất khu vực về chỉ số thị thực trong bảng xếp hạng.
Theo Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), tính đến ngày 20/10/2019, Việt Nam đơn phương miễn thị thực cho công dân 13 nước là Liên bang Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Thuỵ Điển, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, I-ta-li-a, Bê-la-rút và các nước trong khối ASEAN. Trong khi đó những quốc gia láng giềng đang miễn visa cho rất nhiều khách du lịch ở các quốc gia/ vùng lãnh thổ khác nhau. Điển hình trong khu vực ASEAN, Indonesia miễn visa tới 169 quốc gia/vùng lãnh thổ, kế đến là Malaysia là 162, rồi Singapore, Philippines là 159, Thái Lan cũng miễn visa cho 60 quốc gia/ vùng lãnh thổ… Các quốc gia này đang miễn visa cho khách du lịch với thời hạn từ 30 đến 90 ngày. Đây cũng là vấn đề mà Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) đánh giá là sẽ ảnh hưởng, tác động rất lớn đến việc phát triển du lịch Việt Nam. Bởi, TAB cho biết, tổng lượng khách của 3 thị trường này (Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga) chiếm 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, dự kiến đạt khoảng 6/18 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm nay.
Ông Phạm Văn Bảy nhận định, “khi mà công nghệ đang làm thay đổi ngành du lịch, các sản phẩm trọn gói truyền thống phải chuyển sang các dịch vụ nhỏ, lẻ thì việc dễ dàng đến nơi tham quan thông qua chính sách miễn thị thực tạo ra điều kiện thông thoáng, cạnh tranh với các điểm đến khác”. Bà Dương Thị Minh Thu cũng đưa ra nhận định tương tự, “khách Âu, Mỹ thấy rất phiền phức và lúng túng với các thủ tục về thị thực của Việt Nam. Vì hộ chiếu của họ phần lớn du lịch tới các nước đều không phải làm thị thực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore. Ngay như Lào và Campuchia, nếu khách phải làm thị thực thì họ cũng có thể làm ngay tại sân bay khi đến nơi, với thủ tục rất đơn giản và nhanh gọn, không phải làm thị thực từ trước như khi đi du lịch Việt Nam”.
Được biết tại Thái Lan, Hội đồng các Bộ trưởng kinh tế của Thái Lan đã thông qua những biện pháp mới do Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan đề xuất nhằm thúc đẩy tăng trưởng du lịch trong ngắn, trung và dài hạn. Cụ thể, Thái Lan miễn thị thực tái nhập cảnh cho du khách nước ngoài khi đến các nước láng giềng của Thái Lan bằng đường bộ. Đối với Việt Nam, nhiều doanh nghiệp du lịch đang trông đợi những quyết sách mới, thông thoáng hơn về thị thực nhập cảnh dành cho khách du lịch.