Theo Chỉ thị số 20/2007/CT-TTg, ngày 24 tháng 08 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ (nhằm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và triển khai Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006 – 2010 và định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 291/2006/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2006).
Theo đó, Từ ngày 01 tháng 01 năm 2009 mở rộng thực hiện việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội hưởng lương từ ngân sách nhà nước; Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng, công nhân và lao động theo hợp đồng lao động thuộc lực lượng vũ trang thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an (các lực lượng thuộc danh mục Mật, Tuyệt mật và Tối mật theo quy định của danh mục bí mật quốc gia sẽ thực hiện việc trả lương theo hình thức thích hợp; các đối tượng công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo sẽ thực hiện khi điều kiện cho phép); Các đối tượng khác hưởng lương từ ngân sách nhà nước trên phạm vi cả nước, nơi mà các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có khả năng đáp ứng việc trả lương qua tài khoản.
Việc trả lương qua tài khoản đã đem lại lợi ích to lớn đối với Nhà nước cũng như lợi ích thiết thực cho các ngân hàng. Bởi vì, số lượng các đơn vị hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thực hiện trả lương qua tài khoản và số cán bộ nhận lương qua tài khoản không ngừng tăng lên. Tính đến Quý I năm 2013, trên toàn quốc đã có 56.850/87.186 (tương đương 65%) đơn vị hưởng lương từ NSNN thực hiện trả lương qua tài khoản với 1,83 triệu/2,77 triệu (tương đương 66%) cán bộ nhận lương qua tài khoản .
Sau hơn 5 năm thực hiện, hiện nay một số tổ chức tín dụng đã bắt đầu ban hành và thực hiện thu phí quản lý tài khoản với mức bình quân khoảng 20.000 đến 22.000 đồng/TK/năm. Mức phí này có thể là không cao đối với những tài khoản tiền gửi do các cá nhân chủ động sử dụng dịch vụ mở và có phát sinh lợi nhuận. Tuy nhiên, đối với các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước, mức thu nhập hàng tháng còn thấp thì mức phí nêu trên là đáng quan tâm, bởi vì thu nhập chính của những đối tượng này chỉ trông chờ vào tiền lương và họ sẽ sử dụng ngay để thanh toán các chi phí của cuộc sống hàng ngày mà không thể chờ phát sinh lợi nhuận từ tài khoản ấy; Hơn nữa, với mức phí nêu trên của mỗi tài khoản, các tổ chức tín dụng sẽ thu được một khoản lợi nhuận khá lớn.
Để góp phần thực hiện thành công Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006 – 2010 và định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Chỉ thị số 20/2007/CT-TTg, ngày 24 tháng 08 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ, thiết nghĩ Ngân hàng Nhà nước Việt nam cần xem xét, chỉ đạo quyết liệt các tổ chức tín dụng cung cấp dịch vụ trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước chưa thực hiện thu phí quản lý tài khoản nhằm hỗ trợ các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong giai đoạn khó khăn này.