Hành vi viết, vẽ bậy làm ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị của các di tích, thắng cảnh, có thể xem là một hành vi tùy tiện đưa những yếu tố mới không phù hợp làm giảm đi giá trị của những di sản văn hóa.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 158/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, hành vi viết, vẽ, làm bẩn hoặc làm ô uế di tích, thắng cảnh, công trình văn hóa – nghệ thuật sẽ bị phạt 1 – 3 triệu đồng, bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là khôi phục tình trạng ban đầu.
Ngoài ra, nếu đủ căn cứ xác định hành vi viết, vẽ bậy tại các di tích, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 345 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích, thắng cảnh.
Theo đó, tùy theo tính chất và mức độ hành vi vi phạm mà có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền 10 – 100 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.
Ở một số nước, hành vi viết vẽ bậy tại các di tích hoặc nơi công cộng sẽ bị xử phạt rất nặng. Tại Singapore, hành vi vẽ bậy tại các di tích hoặc nơi công cộng sẽ bị bắt và phạt tối đa là 2.000 SGD (khoảng 33.851.000 đồng), hoặc phạt tù tới 3 năm, chịu đánh từ 3 – 8 roi.
Ở Thái Lan, nếu phá hoại công trình cổ, người vi phạm có thể bị phạt tù tới 10 năm, phạt 1 triệu baht. Ở Nhật Bản, hành vi vẽ bậy lên di tích, điểm văn hóa, du lịch có thể bị ngồi tù 5 năm hoặc chịu án phạt hành chính khoảng 300.000 yên (khoảng 60 triệu đồng) trong trường hợp gây thiệt hại nghiêm trọng.
Trong khi đó, ở nước ta hiện nay, tình trạng viết, vẽ bậy lên di tích, thắng cảnh dường như đã trở thành thói quen vô thức của nhiều người. Thiết nghĩ bên cạnh việc phải tuyên truyền cho mọi người nâng cao ý thức bảo vệ các di tích, thắng cảnh, cần thắt chặt hơn nữa việc xử lý các hành vi vi phạm để có thể giáo dục, răn đe.