Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, cũng như Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam xác định một trong những quan điểm, định hướng chiến lược của Du lịch Việt Nam là “Phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đảm bảo chất lượng, hiện đại, tiện nghi và đồng bộ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch”, trong đó phát triển hệ thống cơ sở lưu trú là một nội dung quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước với định hướng phát triển:
– Mở rộng hướng sang phát triển các loại hình cơ sở lưu trú thân thiện môi trường, sử dụng vật liệu xây dựng sinh thái, địa phương, tiết kiệm năng lượng. Các loại hình Bungalow, lều trại và các nhà nghỉ dưỡng được xây dựng gần gũi với thiên nhiên và thích ứng được với biến đổi khí hậu.
– Mở rộng phát triển các loại hình lưu trú mới gắn với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái như homestay.
– Tăng cường liên kết trong cung cấp dịch vụ lưu trú: liên kết giữa các cơ sở lưu trú và vai trò của Hiệp hội khách sạn; liên kết giữa cơ sở lưu trú với các hãng lữ hành, hình thành các quy tắc ứng xử giữa các nhà cung cấp du lịch với các hãng lữ hành trong quá trình hoạt động kinh doanh du lịch theo mùa vụ…
– Tăng cường phát triển nhân lực để nâng cao chất lượng phục vụ du lịch tại các cơ sở lưu trú du lịch; đẩy mạnh đào tạo và công nhận kỹ năng nghề du lịch theo tiêu chuẩn ASEAN.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, trong hai năm 2016 – 2017, Tổng cục Du lịch (TCDL) đã thực hiện chiến dịch kiểm tra, rà soát, đánh giá lại chất lượng các CSLTDL tại nhiều địa phương trong cả nước như Quảng Ninh, Lào Cai, Đà Nẵng, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, các tỉnh Tây Nguyên… Kết quả đánh giá cho thấy, riêng năm 2016, có tổng số 96 khách sạn từ 3-5 sao mới được công nhận và 141 khách sạn cùng hạng trên được thẩm định và thẩm định lại, số khách sạn khuyến cáo không đạt tiêu chuẩn là 45.
Khu nghỉ dưỡng Novotel 5 sao tại bãi Trường, Phú Quốc – ảnh: Thanh Tùng
Định hướng phát triển hệ thống CSLTDL Việt Nam
– Phát triển hệ thống CSLTDL đảm bảo tính bền vững, toàn diện, đồng bộ đáp ứng nhu cầu của mọi thị trường từ phân khúc khách hạng sang đến các phân khúc khách du lịch bình dân và khách có sở thích chuyên biệt.
– Phát triển hệ thống CSLTDL phù hợp, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, điều kiện tự nhiên của Việt Nam và phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.
– Đầu tư nâng cao chất lượng, tạo thương hiệu đẳng cấp quốc tế và tính cạnh tranh cao của các cơ sở lưu trú du lịch. Khuyến khích các thương hiệu khách sạn nổi tiếng đầu tư và quản lý khách sạn ở Việt Nam.
– Phát triển các loại hình cơ sở lưu trú trên quan điểm khai thác tối ưu giá trị và nguồn lực sẵn có của cộng đồng, giảm tính mùa vụ, quá tải trong phát triển du lịch và nhu cầu lưu trú của thị trường.
– Phát triển các loại hình cơ sở lưu trú đẳng cấp cao, tổ hợp khách sạn kết hợp nghỉ dưỡng với trung tâm thương mại và tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế để phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch MICE tại các thành phố lớn.
– Phát triển mạnh các khách sạn, cơ sở lưu trú với các loại dịch vụ đa dạng ở vùng biển, vùng núi, nông thôn gắn với du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Lưu ý tới yếu tố thiết kế CSLTDL gần gũi với thiên nhiên, đảm bảo tiêu chuẩn về an ninh, an toàn, vệ sinh để phục vụ khách.
– Phát triển và xây dựng khung pháp lý thuận lợi cho phát triển các loại hình kinh doanh trong mô hình kinh tế chia sẻ như bất động sản du lịch căn hộ khách sạn condotel, homestay và B&B.
– Đầu tư cho công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho CSLTDL phù hợp với các loại hình, chất lượng dịch vụ CSLTDL; kỹ năng nghề du lịch phù hợp với MRATP. Chú trọng tiếp tục đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện các Tiêu chuẩn Nghề Du lịch quốc gia (Bộ LĐTBXH) và TCDL kiện toàn các Hội đồng Đào tạo, công nhận, cấp chứng chỉ tương thích với tiêu chuẩn hội nhập khu vực.
– Đầu tư xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng dịch vụ CSLTDL phù hợp, hội nhập với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực.
– Tiếp tục chương trình, chiến dịch kiểm tra, rà soát, đánh giá nhằm nâng cao chất lượng kinh doanh CSLTDL. (hết)
TS. Đỗ Thị Thanh Hoa
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch