“Tôi hết sức ấn tượng về mô hình này. Thiết nghĩ, mô hình này không chỉ nhân rộng ở những thành phố lớn về du lịch, mà còn phải sớm thực hiện ở tất các tỉnh, thành trên tất cả nước để huy động sự vào cuộc đồng bộ của các tổ chức góp phần xây dựng, hình thành nếp sống văn minh đô thị. Mặt khác, mô hình này không chỉ phục vụ nhu cầu của du khách mà còn phục vụ nhu cầu của người dân từ các tuyến huyện, xã,… lên thành phố công tác, học tập, tham quan,… thì chuyện “giải quyết nỗi buồn” cũng cần thiết”. Ông Hoàng Trung Dũng – Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy – Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh nhấn mạnh.
Mô hình rất hay
Phan Xuân Vũ – Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Giai Lai nói: “Thực tế bấy lâu nay Sở cũng đang lúng túng về vấn đề này vì khi nhà vệ sinh công cộng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, nhưng vấn đề ở đây là ý thức và trách nhiệm của người sử dụng không được cao. Dẫn đến nhiều nhà vệ sinh công cộng khi mới được đưa vào sử dung thì rất sạch sẽ và tiện nghi nhưng qua một thời gian thì bị hư hỏng và nhơ nhớp. Nhưng khi có mô hình nhà vệ sinh công cộng “Comfort as home” ở thành phố Đà Nẵng ra đời, chúng tôi đã thấy được ý nghĩa cuãng như hiệu quả của mô hình này. Vì đây, là một mô hình rất hay có thể áp dụng trên cả nước không riêng gì Gia Lai. Sở cũng đang phối hợp với hiệp hội du lịch của tỉnh để bàn bạc và thống nhất đề án về nhà vệ sinh công cộng, sẽ sớm được triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất có thể. Nhưng khi áp dụng sẽ tùy tình hình các địa phương và có những sự điều chỉnh cho phù hợp nhu cầu thực tế.
Cần được nhân rộng
Ông Nguyễn Quang Cường – Phó Giám đốc Sở KHĐT Thừa Thiên Huế cho biết: “ Ý tưởng nhà vệ sinh công cộng “Thoải mái như ở nhà” ở thành phố Đà Nẵng là rất nhân văn. Tôi nghĩ mô hình này có thể nhân rộng trên khắp cả nước nếu như chúng ta có những khuyến khích và khâu tuyên truyền quảng bá tốt. Thực tế, sau mô hình nhà vệ sinh công cộng theo hình thức xã hội hóa ở Đà Nẵng ra đời, thì ở Huế chúng tôi đã học hỏi mô hình này và cho ra đời mô hình nhà vệ sinh công sở theo hình thức xã hội hóa với tên gọi “nhà vệ sinh công sở”. Và đến thời điểm này thì ở Huế đã có đến 100 nhà vệ sinh công cộng trong chương trình này, được trải đều trên địa bàn thành phố từ nhà hàng, quán ăn, quán cá phê, công sở,…. Và khi chưa có mô hình “nhà vệ sinh công sở” thì du khách Việt khi họ muốn “xả” điều đương nhiên họ sẽ tìm cách giải quyết nhanh nhất nên dẫn đến tình trạng phóng uế ở nơi công cộng là điều không thể tránh khỏi.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Phúc – Phó Giám đốc Sở Du lịch, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Mô hình “Comfort as home” (Thoải mái như ở nhà) ở thành phố Đà Nẵng ra đời từ năm 2015 và mô hình “Free use for tourist” (Miễn phí cho du khách” ở Thành phố Huế triển khai từ năm 2017 rõ ràng là một chương trình xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng, thể hiện tính nhân văn cao, đáp ứng ngay và luôn vấn đề bức bách của du lịch cũng như cuộc sống hằng ngày hiện nay là chúng ta đang thiếu trầm trọng nhà vệ sinh công cộng. Qua thời gian hoạt động, chương trình này đã thể hiện như là thông điệp cụ thể, trực quan nhất về một điểm đến văn minh, an toàn và thân thiện cả ở Đà Nẵng và Huế. Mô hình nhà vệ sinh cộng đồng này đang được UBND tỉnh khuyến khích tiếp tục thực hiện trong thời gian tới, cùng với kế hoạch xây dựng thêm nhà vệ sinh công cộng, nhằm phát huy nguồn lực xã hội, huy động chuỗi nhà vệ sinh hiện có của cộng đồng để phục vụ khách du lịch, góp phần hướng tới xây dựng thành phố Huế – điểm đến văn minh, thân thiện, tạo hình ảnh đẹp cho du lịch Thừa Thiên – Huế”.
Mặt khác, ông Phúc kiến nghị: “Sở Du lịch cũng đề xuất Tổng cục Du lịch xem xét có chương trình vận động các doanh nghiệp kinh doanh du lịch ( khách sạn, nhà hàng, văn phòng,…) ở các điểm đến du lịch lớn trong cả nước tự nguyện tham gia hình thức nhà vệ sinh miễn phí cho du khách như đang thực hiện ở Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng, vừa tạo ấn tượng về sự thân thiện và môi trường của các điểm đến ở VN, đồng thời hỗ trợ trước mắt cho hệ thống nhà vệ sinh công cộng phục vụ du khách và cộng đồng vẫn đang còn thiếu hiện này. Giai đoạn sau này khi hệ thống vệ sinh công cộng được quan tâm đầu tư mạnh mẽ hơn từ ngân sách hoặc từ nguồn xã hội hóa thì chương trình đó vẫn có thể duy trì lâu dài theo hình thức tự nguyện. Nếu được mô hình trên được triển khai nhân rộng, Tổng cục Du lịch nên chọn từ một mô hình đã có hoặc cho thiết kế mới hình ảnh nhận diện chung thống nhất cho loại hình dịch vụ vệ sinh cộng đồng miễn phí của cộng đồng; đồng thời cũng nên xây dựng một phần mềm ứng dụng di động bằng tiếng Anh và tiếng Việt để khách du lịch dễ dàng tìm kiếm và sử dụng dịch vụ này”.
Ở đâu cũng rất cần thiết
Ông Lương Quốc Tuấn – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh đánh giá cao về mô hình này: “ Theo tôi thì mô hình nhà vệ sinh công cộng theo hình thức xã hội hóa ở TP. Đà Nẵng là rất tốt, nó quy tụ được cộng đồng cùng tham gia phát triển du lịch từ những việc làm thiết thực như thế này. Đồng thời, trong điều kiện ngân sách có hạn mà việc các nhà hàng khách sạn và các hộ dân mở rộng tấm lòng tham gia chương trình này thì quá tốt”.
Ông Dương Hoàng Vũ – Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An cho biết: “Bất cứ tỉnh, thành phố nào, vấn đề nhà vệ sinh công cộng cũng rất cần thiết. Và khi mô hình này triển khai thì nó sẽ giảm áp lực về ngân sách, cùng với đó là mạng lưới nhà vệ sinh công cộng được trải rộng rãi, người dân và du khách khi có nhu cầu “giải quyết nỗi buồn” thì rất nhanh chóng và thuận tiện. Nhưng để mô hình này được triển khai và duy trì thì cần sự tham gia của các cấp và nhiều nơi, để tuyên truyền quảng bá đến người dân và du khách ”.
“Hãy phát triển nó…”
Chị Laura du khách đến từ Anh thẳng thắn chia sẻ: “Tôi đã đi du lịch trên đất nước các bạn nhiều nơi khác nhau. Nhưng đến với Đà Nẵng, tôi thấy rất thải mái trong cả không gian và sự thân thiện của người dân. Đặc biệt, một vấn đề nhỏ như đi vệ sinh cũng được quan tâm chu đáo. Ở những nơi khác tôi phải nhịn về khách sạn khi muốn giải quyết nỗi buồn. Ôi nó thật tuyêt tôi nghĩ các bạn cần nhân rộng để du khách chúng tôi khi đi tham quan thành phố được thuận lợi và thoải mái hơn”.
Bên cạnh đó, ông Pascal Parren đến từ Hà Lan nói: “Ở mỗi địa điểm du lịch như TP.HCM thì việc xây dựng nhà vệ sinh công cộng rất là hợp lý. Tuy nhiên, ở một số thành phố thì số lượng nhà vệ sinh công cộng chưa nhiều và còn bố trí ở rải rác nên khá bất tiện khi bạn có nhu cầu cấp bách. Thế nên, thật tốt nếu như các cơ sở kinh doanh du lịch đồng ý cho khách sử dụng nhà vệ sinh công cộng, điều này sẽ giúp du khách thoải mái và dễ dàng trong việc tìm kiếm một nơi vệ sinh khi có nhu cầu”.
“Thoải mái như ở nhà” mô hình hay cần được nhân rộng.
Doanh nghiệp và người dân sẳn sàng tham gia
Liện quan đến vấn đề vệ sinh công cộng theo hình thức xã hội hóa PV đã phỏng vấn một số số khách sạn, nhà hàng và quán cà phê trên địa bàn TP. HCM thì đa số đều đồng ý tham gia chương trình này nếu như thành phố triển khai.
Bà Trần Thị Thanh Tâm – Quản lý của chuỗi Home stay Chez Mimoza với vẻ mặt tươi cười khi được hỏi về vấn đề này nói: “Đây là một việc rất hay rất thiết thực, tôi nghĩ thành phố nên sớm triển khai, nó sẽ đem đến sự văn minh, thân thiện cho thành phố. Các chuỗi homestay của tôi sẽ tham gia ngay khi thành phố triển khai chương trình này. Nếu thành phố làm được điều này thì hình ảnh về một thành phố du lịch thân thiện mến khách sẽ lan tỏa rộng khắp”.
“Mình mong muốn mô hình này sẽ sớm được TP. HCM triển khai và nhân rộng trên toàn thành phố chứ không phải là triển khai thí điểm ở một vài tuyến đường nhất định”- Anh Nguyễn Hoàng chủ một quán cà phê trên đường Võ Thị Sáu, TP. HCM chia sẻ.
Phước Quang