Xây dựng logo Công viên địa chất (CVĐC) là một trong những tiêu chí để UNESCO đánh giá và công nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu. Trên cơ sở đó, tỉnh Đắk Nông đã phát động Cuộc thi sáng tác Logo CVĐC núi lửa Krông Nô trong phạm vi toàn quốc và đã có nhiều tác giả gửi tác phẩm về tham dự.
![]() |
Ông Nguyễn Xuân Chiểu, Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật đồ họa (Hội Mỹ thuật Việt Nam) đóng góp ý kiến cho từng mẫu logo |
Qua 3 vòng chấm chọn, Hội đồng đã chọn ra 4 tác phẩm vào vòng chung khảo mang các mã số: MS 02, MS 05, MS 22, MS 25. Qua bình chọn, phân tích và bỏ phiếu kín, tác phẩm MS 05 của tác giả Cù Hồng Sơn ở Hà Nội đã lọt vào vòng cuối cùng với 6/9 phiếu.
Theo đánh giá, tác phẩm mang MS 05 của tác giả Cù Hồng Sơn là một thiết kế có tính đồ họa cao, bố cục uyển chuyển, kết hợp hài hòa hình âm dương và đã mô tả vẻ đẹp độc đáo, đa dạng của vùng địa chất núi lửa Krông Nô. Trong đó, hình ảnh của những ngọn núi lửa, hệ thống hang động dài và đẹp nhất Đông Nam Á, dòng Sêrêpốk hùng vĩ, cùng hàng chục ngọn thác lớn nhỏ, tạo nên một hình ảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình. Ở giữa là biểu tượng cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Toàn bộ bố cục đều có màu xanh dương là biểu trưng của sự hòa nhập, sáng tạo và cùng vươn lên…
![]() |
Bà Phan Thị Gia Hương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đóng góp ý kiến cho các logo tham dự cuộc thi |
Theo bà Vũ Thị Ái Duyên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch-Chủ tịch Hội đồng chấm chọn, đối với một mẫu logo CVĐC, ngoài những tiêu chí chung, còn cần thể hiện được những đặc trưng tiêu biểu nhất của một CVĐC mà nó được chọn làm biểu trưng. Mẫu logo CVĐC nào thì phải thể hiện những đặc trưng tiêu biểu nhất cho CVĐC đó mà không thể nhầm lẫn sang CVĐC khác.
Bài, ảnh: Mỹ Hằng