Đắk Nông có nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch với những thác nước hùng vĩ, một hồ Tà Đùng được ví như vịnh Hạ Long giữa Tây Nguyên, hệ thống hang động núi lửa trải dài đang được hoàn tất hồ sơ để công nhận là công viên địa chất độc đáo… cùng với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể sẵn có sẽ là điểm đến thu hút du khách.
Khách du lịch tham quan thác Lưu Ly
Trong lần về với Đắk Nông mới đây, tôi nhận thấy một sự đổi thay rõ rệt. Hệ thống giao thông đã được cải thiện, đặc biệt là đường Hồ Chí Minh nối Tây Nguyên với các tỉnh phía Nam đã được nâng cấp, mở rộng khiến cho việc đặt chân đến Đắk Nông khá dễ dàng.
Cũng trong lần ấy, tôi có dịp đi Tà Đùng, nằm cách thị xã Gia Nghĩa khoảng45km về phía Nam. Đây là khu bảo tồn thiên nhiên có diện tích trên 22.000ha, thuộc hai xã Đắk P’lao và Đắk Som, H. Đắk Glong. Người ta ngăn dòng để làm thủy điện trên sông Đồng Nai, vô tình đã biến Tà Đùng thành một vịnh Hạ Long thu nhỏ giữa núi rừng cao nguyên hùng vĩ với 36 “đảo mi ni” vốn là những ngọn núi lúc chưa ngập nước. Tuy nhiên, Tà Đùng chỉ “rửa mắt” cho du khách thích khám phá trong khoảnh khắc chứ không thể níu chân họ bởi không có một dịch vụ nào kèm theo.
Tại lòng hồ Tà Đùng, hiện đang có hộ dân kinh doanh dịch vụ ăn uống và vận chuyển hành khách tham quan hồ. Tuy nhiên, đây chỉ mới là dạng kinh doanh tự phát. Các dịch vụ về vận chuyển như phương tiện, cầu tàu và hòn Kim Lâm, một trong những hòn nằm gần với khu vực bến bãi, chỉ cách khoảng một hải lý, thuận lợi trong đưa khách tham quan lòng hồ… đều chưa đáp ứng đủ điều kiện phục vụ khách du lịch.
Chia sẻ bên lề với chúng tôi, một lãnh đạo của Sở VHTTDL tỉnh Đắk Nông cho biết, ngoài hồ Tà Đùng, Đắk Nông còn có nhiều điểm đến hấp dẫn khác như hệ thống hang động núi lửa trải dài trên địa bàn 5 huyện và một phần của thị xã Gia Nghĩa. Các miệng núi lửa, tập trung đậm đặc ở huyện Krông Nô, đã ngưng hoạt động từ hàng triệu năm trước, dấu vết còn lại của nó là những hang động chằng chịt và độc đáo. Đây là cơ sở mà tỉnh Đắk Nông làm hồ sơ để được công nhận là công viên địa chất.
Với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể sẵn có như không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Sử thi Ot N’rong, hệ thống văn hóa lễ hội, dệt thổ cẩm, đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, di tích khu căn cứ kháng chiến Nâm Nung, di tích anh hùng N’Trang Lơng, N’Trang Gưh… cùng với những thác nước trở thành thắng cảnh quốc gia như thác Lưu Ly, thác Dray Sap, thác Gia Long, thác Trinh Nữ… Đắk Nông đang là điểm đến thu hút du khách.
Dịch vụ tại lòng hồ Tà Đùng đang phát triển theo dạng tự phát, chưa đáp ứng đủ điều kiện phục vụ khách du lịch. Trong ảnh: Du khách lên thuyền tham quan lòng hồ.
Theo báo cáo của Sở VHTTDL tỉnh Đắk Nông, trên địa bàn tỉnh có khoảng 199 cơ sở kinh doanh lưu trú, trong đó có 22 khách sạn, 182 nhà nghỉ, nhà khách.Tổng lượt khách du lịch đến Đắk Nông tháng 9/2018 ước đạt 25.000 lượt khách, lũy kế 9 tháng của năm ước đạt 234.600 lượt, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó khách quốc tế tháng 9/2018 đạt 600 lượt khách, lũy kế 9 tháng đạt 5.870 lượt khách, tăng 9,1% so với cùng kỳ. Tổng lượt khách lưu trú tháng 9 đạt 11.000 lượt khách, lũy kế 9 tháng ước đạt 97.000 lượt khách, chiếm 41,3% trong tổng cơ cấu khách.
Tổng thu từ hoạt động du lịch thực hiện trong tháng 9/2018 ước đạt 2,8 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng ước đạt 23,9 tỷ đồng, tăng 10,1 % so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó doanh thu lưu trú ước đạt 11,2 tỷ đồng, chiếm 46,9%; doanh thu ăn uống và vui chơi giải trí ước đạt 12,7 tỷ đồng, chiếm 53,1% trong tổng cơ cấu doanh thu.