Lượng khách quốc tế tăng trưởng đáng kể qua mỗi năm cùng với lượng xu hướng người Việt lưu trú tại khách sạn cao cấp ngày càng nhiều đã kéo theo nguồn cung phòng ở khách sạn (công suất phòng – PV) ở hạng từ 3 – 5 sao tăng… đang khiến một lượng vốn lớn tiếp tục đầu tư khách sạn cao cấp.
Tăng trưởng rõ rệt
Theo báo cáo thị trường bất động sản TP.HCM quý 2/2018 của công ty tư vấn bất động sản Savills, tăng trưởng GDP đạt 7,1%. Đây là mức tăng trưởng 6 tháng cao nhất trong 5 năm qua, trong đó, ngành Công nghiệp và Xây dựng đóng góp chính cho động lực tăng trưởng, theo sau là dịch vụ.
Cũng theo Savills, nhờ khách quốc tế tăng trưởng đáng kể, công suất (phòng) trung bình đạt đỉnh cao nhất trong mùa thấp điểm 5 năm qua, ở mức 67% trong khi giá phòng ổn định theo quý và tăng 7% theo năm.
Năm 2017, theo số liệu được Công ty tư vấn và kiểm toán Grant Thornton Việt Nam công bố trong “khảo sát ngành dịch vụ khách sạn năm 2018”, cả nước có 79 khách sạn cao cấp, từ 3 đến 5 sao đi vào hoạt động (trong số này có 10 khách sạn 5 sao), đưa tổng số phòng hạng này lên 101.400, tăng 10% so với năm 2016.
Trao đổi với phóng viên Báo Du lịch, bà Trịnh Kim Dung, Giám đốc bộ phận Tư vấn của Grant Thornton Việt Nam khẳng định, đây là năm thứ hai liên tiếp, nguồn cung phòng khách sạn hạng 3 – 5 sao tăng ở mức 10% và trong thời gian tới, nguồn cung phòng khách sạn hạng sang vẫn tiếp tục tăng khi dòng vốn đầu tư nước ngoài đang đổ vào lĩnh vực khách sạn.
Cũng theo bà Dung, ngành Khách sạn, với xu hướng tăng lượng khách du lịch, đang được nhận một lượng đầu tư lớn. Ngoài các nhà đầu tư nước ngoài thì các nhà đầu tư trong nước cũng đang thể hiện sự quan tâm với thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Một trong những lực hút chính là xu hướng người Việt lưu trú trong các khách sạn cao cấp từ 4 đến 5 sao ngày càng rõ.
Khảo sát của Grant Thornton Việt Nam cho thấy, tỷ lệ người Việt lưu trú tại khách sạn cao cấp trong cơ cấu khách năm 2017 là 19,2%. Con số tỷ lệ trong 5 năm qua dao động quanh mức 20% nhưng con số tuyệt đối thì đã gia tăng đáng kể. Đối với mục đích lưu trú của khách du lịch, khách nghỉ dưỡng và khách đoàn chiếm tỉ trọng cao nhất trong số khách ở tại các khách sạn cao cấp, với tỷ trọng tổng cộng là 60%.
Riêng ở thị trường TP.HCM, theo chia sẻ của ông Michael Robinson, Tổng quản lý Khách sạn Caravelle Sài Gòn, vài năm trước nguồn cung khách sạn cao cấp không tăng nhưng hiện nay thì đang tăng. Do đó, sự cạnh tranh cũng tăng lên.
Ngành khách sạn, với xu hướng tăng lượng khách du lịch, đang được nhận một lượng đầu tư lớn – ảnh tư liệu.
Công nghệ số sẽ chiếm lĩnh thị trường
Theo số liệu được Công ty tư vấn và kiểm toán Grant Thornton Việt Nam công bố trong “khảo sát ngành dịch vụ khách sạn năm 2018”, cấu trúc các kênh đặt phòng năm 2017 không đổi so với năm 2016.
Theo đó, kênh các công ty lữ hành và nhà điều hành tour là kênh đặt phòng lớn nhất đối với các khách sạn 4 – 5 sao, với tỷ trọng khoảng 33% mỗi kênh. Kênh đặt phòng trực tiếp với khách sạn giảm 1,6%, trong khi đặt phòng qua đại lý du lịch trực tuyến (OTA) tăng 1,0% và khách doanh nghiệp tăng 1,1%.
Năm 2017 chứng kiến sự gia tăng số lượng khách sạn cho rằng công nghệ số đóng vai trò quan trọng trong việc kinh doanh nhằm đối phó với cạnh tranh của các khách sạn khác, đồng thời cũng là cách để khiến cho họ gây sự chú ý so với các khách sạn có tên tuổi lâu đời hoặc có tư tưởng cũ hơn.
Khảo sát của Grant Thornton Việt Nam chỉ ra rằng, gần 90% các khách sạn đã cho rằng, việc tích hợp công nghệ số vào dịch vụ khách sạn sẽ làm thay đổi thị trường khách sạn Việt Nam, điều này cho thấy sẽ có nhiều khách sạn hơn nữa sẽ tiếp nhận công nghệ này trong tương lai.
Trong năm 2017, tất cả các khách sạn tham gia khảo sát của Grant Thornton Việt Nam đã ứng dụng một hay nhiều công nghệ số vào hoạt động của họ. Trong khi việc ứng dụng công nghệ số vào truyền thông và phân tích dữ liệu đã trở thành xu hướng tất yếu ở hầu hết các khách sạn 4 – 5 sao, việc ứng dụng cá nhân hóa trải nghiệm của khách hàng qua điện thoại và làm thủ tục phòng trực tuyến đang dần được áp dụng rộng rãi và ngày một phổ biến tại hơn 50% khách sạn 5 sao và 30% – 40% khách sạn 4 sao được Công ty tư vấn và kiểm toán Grant Thornton Việt Nam khảo sát.
Tại kết quả khảo sát được Công ty tư vấn và kiểm toán Grant Thornton Việt Nam công bố, hiện có hơn 16.000 phòng cho thuê theo ứng dụng Airbnb (người thuê phòng và chủ nhà kết nối trực tiếp với nhau) tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Đặc biệt, có một xu hướng đang nổi lên tại Việt Nam là có rất nhiều người không có nhà, có phòng nhưng vẫn tham gia kết nối Airbnb. Đơn giản là những người này đi thuê nhà, thực hiện nâng cấp rồi kết nối trên hệ thống và cho thuê lại, hưởng chênh lệch.
Nguyễn Nam