Theo tìm hiểu, ghi nhận của PV, hiện nay, việc quảng bá xúc tiến du lịch về cơ bản đang được giao cho các trung tâm xúc tiến du lịch (thuộc Sở VHTTDL) của các địa phương. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí quá ít ỏi, nhỏ lẻ… nên không phát huy được tác dụng quảng bá, xúc tiến ở những thị trường khách tiềm năng, ảnh hưởng không nhỏ đến lượng khách đến…!
Những hoạt động này vô cùng quan trọng trong hoạt động du lịch, nhưng phải có kinh phí (ảnh minh họa)
Thiếu và yếu
Hiện nay, chỉ có một số địa phương có Sở Du lịch, còn lại thì vẫn là Sở VHTTDL. Đây là những vấn đề nếu cơ sở không hiểu rõ tầm quan trọng của xúc tiến quảng bá trong hoạt động du lịch, thì công tác quảng bá, xúc tiến cho du lịch rất yếu. Ngoài chuyện về cơ cấu tổ chức, con người… như Báo Du lịch đã đề cập ở kỳ trước thì mỗi năm, ngân sách cấp cho các trung tâm xúc tiến du lịch dăm ba trăm triệu đồng/năm… chỉ đủ để tham dự 2 hội chợ du lịch lớn trong nước.
Chia sẻ với PV, ông Trần Văn Hửng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Long An cho biết: “Hằng năm kinh phí cấp cho đơn vị chỉ là 400 triệu đồng, trong khi đó quá trời việc phải làm. Thực tế, nguồn kinh phí này chỉ đủ tham dự 2 hội chợ du lịch trong nước là VIMT (Hà Nội) và ITE – HCMC (TP.HCM) là hết rồi”.
Trong khi đó, dù được cấp 1 tỷ đồng/năm nhưng du lịch Điện Biên vẫn than khó. “Số kinh phí này chủ yếu là phục vụ cho việc xây dựng sản phẩm, sản xuất các ấn phẩm, tham gia các sự kiện để giới thiệu du lịch Điện Biên. Tuy nhiên, các sự kiện du lịch tham dự được chủ yếu là hội chợ trong nước. Và với nguồn kinh phí được cấp này thì chỉ thực hiện được một số hoạt động thôi, chứ không nhiều”, ông Phạm Văn Thăng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Điện Biên chia sẻ.
Đây là một trong những đơn vị hiếm hoi mà PV thấy trang web của Trung tâm Xúc tiến Du lịch có tiếng Anh. Dù vậy, nó cũng đang hết sức sơ sài, thậm chí xen lẫn với tiếng Việt.
Trong khi đó, website của Trung tâm Xúc tiến Du lịch Bình Thuận (tiếng Anh) tại địa chỉ http://muinetourism.vn lại trong trạng thái “chết”. PV truy cập vào trang này thì bị lỗi, không hiểu họ quảng bá kiểu gì mà nói “không có khó khăn gì”?.
Do khó khăn về kinh phí, trong khi tổ chức bộ máy của Trung tâm Xúc tiến Du lịch các địa phương lại đông người nên không hiệu quả. Điển hình như Trung tâm Xúc tiến Du lịch Ninh Thuận hiện có tới 11 người nhưng chỉ có 4 chuyên viên, còn lại là lãnh đạo (Giám đốc/Phó Giám đốc, Trưởng/Phó phòng…).
Đơn cử, hiện nay, rất hiếm các địa phương có thể tham dự được các hội chợ hay các sự kiện du lịch quốc tế, trừ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nguồn kinh phí tốt.
Website của Trung tâm Xúc tiến Du lịch Bình Thuận (tiếng Anh) tại địa chỉ http://muinetourism.vn lại trong trạng thái “chết”
Làm gì để hiệu quả và tập trung nguồn lực
Thực tế cho thấy, việc đưa mảng du lịch giao cho một trung tâm trực thuộc UBND tỉnh sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. “Kinh phí hiện cấp cho trung tâm là 8 tỷ đồng, đủ để hoạt động cho các hoạt động xúc tiến. Do có 3 mảng nên khi hoạt động thì đan xen vào nhau, hỗ trợ cho nhau rất hiệu quả. Kể các các sự kiện về thương mại cũng tạo nên được hình ảnh, thương hiệu cho tỉnh, trong đó có các tài liệu về du lịch cũng đưa kèm theo. Hay các sự kiện về đầu tư cũng được đan xen 3 mảng, qua đó, hiệu quả nâng lên”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại – Du lịch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp chia sẻ với PV.
Trung tâm Thương mại – Du lịch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp trực thuộc UBND tỉnh, bắt đầu hoạt động 3 mảng như trên kể từ năm 2008 tới nay.
Phân tích về vấn đề này, TS. Nguyễn Minh Thông, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng: “Hiện nay, các địa phương tổ chức bộ máy xúc tiến du lịch đang còn nhiều bất cập, nơi thì có trung tâm xúc tiến du lịch (thuộc Sở VHTTDL), nơi lại có bộ phận xúc tiến du lịch trong trung tâm xúc tiến Đầu tư – Thương mại – Du lịch (trực thuộc UBND tỉnh), nơi lại không có trung tâm hoặc có bộ phận xúc tiến nhưng lại trực thuộc Sở Kế hoạch – Đầu tư…”.
“Về mặt nào đó, có quan điểm cho rằng, không nhất thiết là cách thể hiện về tên gọi hay trực thuộc đơn vị nào đó mà vấn đề là cách tổ chức thực hiện có hiệu quả hay không? Tuy nhiên, trên thực tế, việc tổ chức trung tâm xúc tiến du lịch (thuộc Sở VHTTDL) với nhiều con người nhưng kinh phí ít, dẫn tới không hiệu quả”.
“Tôi cho rằng, các địa phương cần chú trọng tới công tác quảng bá xúc tiến (cùng với ngành Du lịch) khi du lịch đang được xem là ngành kinh tế mũi nhọn. Thực tế chỉ ra rằng, nơi nào được quan tâm, đầu tư mạnh mẽ hơn, có sự quyết liệt của chính quyền địa phương thì nơi đó du lịch khởi sắc hẳn. Tôi cho rằng, mô hình tổ chức Trung tâm Đầu tư – Thương mại và Du lịch (trực thuộc UBND tỉnh) sẽ là hiệu quả hơn. Nó vừa tránh chồng chéo và phân bổ ngân sách ít ỏi như trực thuộc các Sở VHTTDL”, chuyên gia này khuyến nghị.
Đồng quan điểm, ông Hùng cũng cho rằng: “Nên đưa mảng xúc tiến du lịch về với thương mại và đầu tư, trực thuộc UBND tỉnh, khi đó mới tập trung nguồn lực và hoạt động hiệu quả hơn”.
Thanh Tùng