Du lịch trong những năm vừa qua thực sự đã đóng góp, làm thay đổi rất lớn vào kinh tế – chính trị – xã hội của nhiều địa phương, qua đó, đóng góp vào sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được thì chúng ta cũng cần phải nhìn nhận lại những mặt hạn chế để định hướng tốt hơn cho tương lai.
Một trong những vấn đề lớn nhất đó chính là định hướng thị trường khách và nguồn khách. Rõ ràng, chúng ta thấy nguồn khách
![]() Ông Nguyễn Quốc Kỳ Chủ tịch HĐTV – Tổng Giám đốc Vietravel |
dễ tính, dễ dãi và chi tiêu thấp thì không thể trở thành nguồn khách chính của Việt Nam. Thực tế cho thấy, lượng khách chi tiêu thấp chỉ đi theo mùa vụ, đến đông nhưng chuyển điểm đến, đi cũng nhanh.
Do đó, phải định hướng lại thị trường khách và nguồn khách, trong đó, dòng khách có chất lượng cao và chi tiêu cao cần phải định vị một cách bắt buộc, có như thế mới có lợi cho những những vấn đề ở phía sau, để đảm bảo cho việc phát triển du lịch một cách bền vững và hài hòa.
Những vấn đề đó là: Môi trường, yếu tố xã hội và thứ ba là phát triển kinh tế. Ba cái này phải hài hòa thì mới đảm bảo phát triển du lịch bền vững.
Về môi trường, chúng ta đã thấy rõ rồi, trong đó, phải giữ cho được môi trường thiên nhiên và sinh thái. Vừa qua cùng với sự phát triển mạnh mẽ của du lịch thì môi trường cũng bị tàn phá, hủy hoại nặng nề. Điều mà ai cũng thấy nổi bật, rõ nét đó chính là rác thải do du lịch mang lại.
Nhiều khu vực do phát triển hạ tầng nhưng lại chưa chú ý đến quy hoạch rác thải. Khách kéo đến đâu, kinh tế phát triển đến đâu thì rác thải kéo theo tới đó, nhưng lại không có điểm để xử lý rác thải, dẫn tới tình trạng ô nhiễm cả một không gian sinh thái của điểm tham quan du lịch đó, từ những điểm cũ như: Hạ Long, Ninh Bình… cho đến những điểm du lịch rất được quan tâm phát triển mạnh vừa qua như: Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc…
Đây thật sự là một vấn nạn mà chúng ta cần phải tập trung để giải quyết, để đảm bảo được yếu tố quan trọng nhất, đó là môi trường sinh thái. Điều này sẽ góp phần quan trọng vào việc khách đến và quay trở lại lần thứ hai.
Vấn đề thứ hai chúng ta cần phải quan tâm giải quyết, đó chính là yếu tố xã hội. Rõ ràng, chính sách phát triển du lịch tốt thì cũng kéo theo nhiều vấn đề, trong đó có những mặt tiêu cực. Nhiều nơi, khách đến hoảng sợ vì bị chặt chém, hoảng sợ về bị hăm dọa, hoảng sợ về bị lừa đảo và lừa gạt… Điều này làm cho khách có cái nhìn bị méo mó về một bộ phận cộng đồng dân cư tại địa phương vốn trước đây rất hiền hòa, chất phác.
Ngược lại, khi khách du lịch đến cùng với sự phát triển của kinh tế, dẫn tới nhận thức của cộng đồng dân cư sở tại cũng bị méo mó đi. Điều này đã làm cho du lịch của nước ta phát triển kém bền vững, nói cách khác là khách kinh sợ. Những vấn đề này không phải là hiện tượng chủ đạo nhưng lại thường xảy ra.
Đó là chưa kể tệ nạn chèo kéo, đeo bám, ép khách phải mua hàng hóa… đã làm méo mó, biến dạng xã hội. Nó không chỉ làm cho khách kinh sợ mà còn làm cho tập tục văn hóa của người dân sở tại bị biến dạng. Khi đó, khách đến tìm hiểu văn hóa xã hội của địa phương đó thì họ không còn tìm thấy những nét đẹp, văn hóa nguyên bản mà chỉ thấy một sự hỗn tạp văn hóa của xã hội hiện tại. Điều này gây ra hệ lụy rất xấu cho du lịch, cho điểm đến, cộng đồng dân cư địa phương, xã hội, đồng thời, cũng gây ra rất nhiều phiền phức cho chính nhà cầm quyền nơi đây và cả khách du lịch. Và họ sẽ không đến nữa…
Không thể bóc ngắn cắn dài
Cuối cùng là về phát triển kinh tế. Trong định hướng phát triển kinh tế, đích cuối cùng của phát triển du lịch là phải tạo ra được hiệu quả kinh tế, phải được xây dựng từ sự chi tiêu một cách tự nguyện của khách du lịch và tạo ra được những giá trị gia tăng từ những sản phẩm sẵn có tại địa phương.
Vì thế, đối với phát triển kinh tế thì không thể “bóc ngắn cắn dài”, mà cũng không thể làm theo lối chụp giựt, thay vào đó cần phải có những cách làm bài bản, có bước đi, có lộ trình thích hợp và cần phải có đủ thời gian để khách tiêu hóa, khách có thể tự nguyện chi tiêu.
Tuy nhiên, để phát triển kinh tế thì phải đảm bảo rằng, hai cái trên (môi trường và xã hội) anh phải làm tốt. Nếu tất cả các hoạt động của anh tạo ra được kinh tế thì mới có cái để tái đầu tư, để phát triển tiếp và nhà đầu tư mới có thể thu hồi vốn. Đó là hữu cơ với nhau và đây cũng là điều mà chúng ta cần phải học lại bài học thế nào là phát triển du lịch bền vững? Từ đó vạch ra những hoạch định chiến lược phát triển du lịch bền vững. Trong đó, không chỉ chăm chăm vào việc phát triển số lượng khách, coi lượng khách là quyết định, mà phải chú trọng vào chất lượng nguồn khách.
Muốn có được chất lượng nguồn khách tốt và chi tiêu cao thì buộc phải quan tâm đến môi trường, xã hội và buộc phải quan tâm đến lợi ích kinh tế phù hợp. Đây là những cái biện chứng, ảnh hưởng lẫn nhau.
Nhìn lại thì thấy thành tựu phát triển du lịch của Việt Nam đã lớn nhưng chưa thật sự có một chiến lược rõ ràng. Chúng ta cũng phải thừa nhận với nhau rằng, đến giờ này, chúng ta chưa có chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 – thời điểm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 100 năm thành lập nước thì diện mạo của du lịch như thế nào trong sự đồng hành của dân tộc? Do đó, chúng ta chưa định vị ra được đâu là thành tố chính, đâu là lực lượng chính.
Quy hoạch môi trường phải đi trước
Về giải pháp về môi trường, cần phải có quy hoạch về môi trường sinh thái và phải tôn trọng những quy luật, nguyên tắc tự nhiên của nó. Tuyệt đối không được phá vỡ nguyên tắc tự nhiên và làm triệt tiêu đi những cái đang có sẵn về cảnh quan thiên nhiên.
Thực tế chúng ta đã nhìn thấy những bài học phải trả giá cho đến hôm nay trong việc phá nát cảnh quan, khi cho xây dựng hàng loạt tòa cao ốc ven biển: Hàng tường rào khổng lồ này đã chắn toàn bộ tầm gió từ biển vào. Rồi hàng loạt công trình đào núi nham nhở, ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên. Vì thế chúng ta phải có quy hoạch, tôn trọng tự nhiên và coi quy hoạch về thiên nhiên là trên hết.
Khâu quy hoạch về môi trường sinh thái là cái đầu tiên cần phải giải quyết và tạo ra sự khác biệt giữa các địa phương, đừng có vội áp kinh tế vào. Thay vào đó, chúng ta phải đặt số 1 là môi trường, số 2 là xã hội và số 3 mới là kinh tế. Nếu đặt lợi ích kinh tế lên trước thì đương nhiên hai ông kia bị xâm hại và cái bị ảnh hưởng trước nhất chính là môi trường sinh thái sẽ bị tàn phá.
Pháp, Ý hay Tây Ban Nha và nhiều nơi khác khách đã biểu tình chống khách đến. Vậy thì các nước tiên tiến cũng bị, chứ không chỉ riêng gì Việt Nam, do đó, bây giờ cần rút kinh nghiệm luôn: chọn một vài khu vực điểm để giải quyết, tránh để sau này, con cháu phải đi biểu tình chống khách đến… do môi trường sống của dân cư bị xâm hại.
Nhìn lại một vài nơi có thể thấy cộng đồng dân cư đã bị đảo lộn, xới tung. Điển hình như Phú Quốc trước đây là “đảo ngọc” rất hiền hòa, bình yên… tuy nhiên, khi phát triển du lịch, đặc biệt là bất động sản nghỉ dưỡng đã bắt đầu xuất hiện tình trạng mất an ninh trật tự, nếp sống của người dân đã bị xáo trộn hoàn toàn.
Về kinh tế thì nên đầu tư vào đó bao nhiêu là vừa để nó không tàn phá thiên nhiên, môi trường. Từ đó phải xác định đối tượng khách của mình là ai, thị trường nào, và quy hoạch đến hạn mức nào là phù hợp. Không chê dòng khách rẻ tiền nhưng phải quy hoạch cho họ đến là khu nào, khách cao cấp là ở đâu. Còn hiện nay, tất cả các dòng khách đều đến chung hết và cuối cùng lại lấy lợi ích kinh tế lên đầu tiên, cứ nghĩ tiền là trên hết, muốn làm cái gì là phải thu hồi vốn thì hai yếu tố kia chết là cái chắc.
Khi đó, cái cuối cùng còn lại là đống hỗn độn phải đi giải quyết, mà ai giải quyết, đó chính là nhà cầm quyền. Một trong những vấn đề thấy rõ nhất đó chính là rác. Đã đến lúc chúng ta phải đánh giá và xem lại vì rác đang quá nặng nề.
Phát triển du lịch bền vững thì chúng ta mới trở thành lá cờ đầu ở khu vực Đông Nam Á, tạo ra sự khác biệt, khai thác tốt bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, các kỳ quan – thắng cảnh thiên nhiên…
Luôn tiên phong
Bản thân Vietravel trong tất cả các hoạt động đều tâm niệm và hướng đến mục tiêu nêu trên, hướng về xã hội và môi trường. Hiện chúng tôi đã làm việc với Tổng cục Du lịch và một số sở, ngành, hiệp hội… để đề xuất du lịch không xả rác, du lịch xanh (Go Green).
Hơn nữa, trong tất cả sự tham vấn, làm việc với các địa phương thì chúng tôi đều hướng đến mục tiêu này. Ví dụ khi làm việc với Bình Định, chúng tôi đề nghị giải tỏa hết toàn bộ lồng bè trên vịnh Quy Nhơn. Khi đến Huế, chúng tôi cũng tư vấn về một Huế “sáng và sống”, “sạch và xanh”. Ngay cả đối với TP.HCM, chúng tôi cũng tư vấn về vấn đề rác thải.
Thực ra mà nói thì Go Green, chúng tôi cũng đã triển khai tại TP.HCM cách đây 7 năm rồi, tuy nhiên, lúc đó mới quá nên không ai quan tâm, không ai nhìn thấy. Những công việc mà Vietravel đầu tư, phát triển thì vấn đề đầu tiên tính tới là có bền vững hay không?
Điển hình như khi đầu tư vào Kỳ Đài Huế thì đã tạo ra một sản phẩm du lịch cho Huế, trở thành điểm nhấn cho địa phương này. Hay tư vấn cho TP.HCM phố đi bộ đầu tiên cũng chính là Vietravel tại Hội nghị Thành ủy năm 2016 và hiện chúng tôi đang đề xuất tiếp hình thành nên khu vực ẩm thực ở đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) và ở Hà Nội là phố Tạ Hiện. Rồi Vietravel cũng đề xuất, thành lập ra Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam. Đó là sự tồn tại và phát triển của giá trị của văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Với khả năng, sức nhỏ của mình thì Vietravel chỉ làm và đề xuất được như thế. Với vai trò là người tiên phong, chúng tôi cũng tiên phong đề xuất Go Green, cùng với ngành Du lịch sẽ phát động chương trình toàn quốc về du lịch không xả rác thải nhựa hay bất cứ loại rác nào khác.
Một số nơi ở Thái Lan, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác cũng đã phải đóng cửa bãi biển thì không biết lúc nào đấy, ở đâu tại Việt Nam sẽ phải làm công việc cực đoan như thế, nếu chúng ta không tính toán ngay từ bây giờ. Riêng Vietravel sẽ cam kết những vấn đề này từ trong ý thức và hành động.
Từ lâu, Vietravel đã không dùng túi nhựa mà chỉ dùng túi tự hủy và khách đi trên tour của Vietravel thì HDV cũng được giao nhiệm vụ là thu hồi rác bằng những túi đó.
Với góc độ của mình, có những cái Vietravel tự làm được nhưng có những cái chỉ đề xuất hoặc cần có sự chung tay của ngành Du lịch, của các công ty du lịch đồng nghiệp, các điểm và cơ sở lưu trú, vận chuyển, tham quan cũng như các cơ quan ban ngành khác để giúp cho du lịch phát huy những mặt mạnh và hạn chế những mặt trái.
Nguyễn Quốc Kỳ
Chủ tịch HĐTV – Tổng Giám đốc Vietravel