Doanh thu chưa song hành cùng lượng khách
Làm thế nào để du khách đi một lần rồi sẽ quay trở lại nhiều lần nữa, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của du khách… để làm được việc này, ngành du lịch Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển cụ thể, trong đó có thể xác định phát triển du lịch xanh là mũi nhọn để tập trung phát triển. Bởi có thể nói, thu hút thêm một du khách đến Việt Nam sẽ không chỉ giúp tăng doanh thu của dịch vụ du lịch mà còn kéo theo việc tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa, tăng cầu cho cả nước. |
Cùng với việc thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam và tiếp tục gia hạn miễn thị thực cho khách du lịch từ 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Italia và Tây Ban Nha) đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của du khách, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng cao lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Theo đó, năm 2017, du lịch Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng từ năm 2016, ngành du lịch nước ta đón được gần 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng 29,1% so với năm ngoái. Lượng khách quốc tế đến nước ta tăng trưởng mạnh trong hai năm qua, với gần 60% so với năm 2015, là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Sự tăng trưởng của dòng khách này cũng đã góp phần đưa doanh thu du lịch năm nay lên gần 515.000 tỷ đồng, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương 23 tỷ USD, đóng góp 7% vào GDP của đất nước. Sự phát triển du lịch thực sự đã tạo cú huých cho các ngành kinh tế liên quan phát triển như thương mại, vận tải…Tuy lượng khách quốc tế đổ vào Việt Nam tăng đều qua các năm nhưng việc thu hút ngoại tệ từ nguồn khách này lại không được như kỳ vọng. So với các nước trên thế giới thì dường như khi đến Việt Nam, du khách lại rất “tiết kiệm” trong chi tiêu. Theo khảo sát của Tổng cục Du lịch trong 5 năm trở lại đây, trong cơ cấu chi tiêu bình quân của lượt khách có nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú du lịch ở Việt Nam thì chi tiêu cho hoạt động thuê phòng lưu trú và ăn uống thường chiếm từ 56 – 60%, chi tiêu cho việc mua hàng hóa, đồ lưu niệm, tham quan, hướng dẫn, vui chơi giải trí chỉ chiếm từ 20 – 25%, phần còn lại là chi phí đi lại. Còn nếu chỉ tính chi phí tham quan kèm vui chơi giải trí thì tỷ lệ rất thấp, chỉ bằng 7 – 10% trong tổng chi phí.
Trong khi đó, nếu so sánh với một số quốc gia khác trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, thì chi phí cho hoạt động vui chơi giải trí chiếm từ 40 – 50%, thậm chí lên đến 60 – 70% trong tổng chi phí cho một chuyến du lịch. Như vậy, liệu có phải các dịch vụ vui chơi giải trí của chúng ta chưa đủ sức hấp dẫn để du khách có thể móc hầu bao ra chi tiêu?
Ông Trần Trung Chính, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Nụ Cười Việt cho rằng, hầu hết các du khách nước ngoài đều than phiền về các dịch vụ du lịch trải nghiệm của Việt Nam rất ít. Khách du lịch không biết mua gì, chi tiêu gì ngoài một số các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Còn theo ông Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, các dịch vụ du lịch Việt Nam hiện nay dù được đánh giá đã đa dạng nhưng đẳng cấp vẫn thấp và chất lượng chưa được như kỳ vọng, khiến mức chi trả thấp. Bên cạnh đó, độ dài trung bình của các chuyến du lịch tại Việt Nam còn ngắn, lượng khách đi theo đoàn, theo tour, khách có tiền chưa trở thành phân khúc chính, mà chủ yếu là khách “Tây ba lô”, chứ chưa thu hút được phân khúc khách du lịch thuộc tầng lớp “trung lưu” và “thượng lưu”.
Du lịch Việt cần gì?
Trả lời cho câu hỏi du lịch Việt cần gì để phát triển và trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong các năm tới, theo TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chúng ta cần tạo ra các sản phẩm để du khách có chỗ chi tiêu. Đồng thời, phải xây dựng và đưa ra rất nhiều sản phẩm khác nhau, phù hợp với từng thị trường và từng đối tượng nhu cầu khách hàng, đáp ứng được xu thế về du lịch hiện nay trên thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt, cần xây dựng văn hóa du lịch, xóa bỏ hoàn toàn nạn “chặt chém”, “chèo kéo” du khách, có như thế ngành du lịch mới tận dụng được hết những lợi thế về di sản về văn hóa mà chúng ta đang có sẵn.
Phân tích thêm về vấn đề này, TS Lưu Bích Hồ cho rằng, khách du lịch đến Việt Nam ngoài ngắm cảnh, chụp ảnh, tắm biển rồi đi về thì không còn hoạt động nào hấp dẫn khách du lịch. Sản phẩm du lịch Việt Nam không thỏa mãn được nhu cầu của du khách đặc biệt là phân khúc du khách có tiền. Phân khúc du khách này không muốn tham gia các hoạt động xô bồ mà muốn có những chương trình riêng, đặc biệt đi kèm với đó là những dịch vụ đặc thù. Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã có khá nhiều khu nghỉ dưỡng hạng sang, được xếp hạng cao trên thế giới, tuy nhiên việc nắm bắt nhu cầu này, hướng tới việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng hiện đại, mang tính chất “độc nhất vô nhị” cho các “thượng đế” thì vẫn còn rất ít.
Theo ông Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), phát triển du lịch không thể trong một sớm một chiều và việc phát triển ngành du lịch cũng không thể phát triển độc lập được. Chúng ta cần có sự đồng lòng của toàn xã hội, sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Trong đó, điều cần thay đổi đầu tiên đó là quan điểm phát triển của ngành Du lịch, phải nhìn vào chất lượng tăng trưởng chứ không chỉ là lượng khách du lịch đến mỗi năm. Làm thế nào để du khách đi một lần rồi sẽ quay trở lại nhiều lần nữa, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của du khách… để làm được việc này, ngành du lịch Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển cụ thể, trong đó có thể xác định phát triển du lịch xanh là mũi nhọn để tập trung phát triển. Bởi có thể nói, thu hút thêm một du khách đến Việt Nam sẽ không chỉ giúp tăng doanh thu của dịch vụ du lịch mà còn kéo theo việc tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa, tăng cầu cho cả nước.