1-Chuỗi giá trị du lịch hiện nay
Ông Nguyễn Quốc Kỳ
Theo khái niệm về chuỗi giá trị tổng phân tích toàn cầu hóa do nhà nghiên cứu Kaplinsky Rapheal (Đại học Sussex) đưa ra: “Chuỗi giá trị là cả những hoạt động cần thiết để biến một sản phẩm hoặc một dịch vụ từ lúc còn là khái niệm, thông qua các giai đoạn sản xuất khác nhau, đến khi phân phối đến tay người tiêu dùng cuối cùng và vứt bỏ khi đã sử dụng”. Chuỗi giá trị có thể hiểu ở dưới hai góc độ, tiếp cận theo nghĩa hẹp và theo nghĩa rộng. Theo nghĩa hẹp, một chuỗi giá trị bao gồm một loạt các hoạt động thực hiện trong một công ty để sản xuất ra một sản phẩm nhất định. Tất cả các hoạt động từ thiết kế, đầu vào, sản xuất, phân phối, marketing, bán hàng, dịch vụ hậu mãi đã tạo thành một chuỗi kết nối người sản xuất với người tiêu dùng. Một hoạt động lại bổ sung giá trị cho thành phẩm cuối cùng. Theo nghĩa rộng, một chuỗi giá trị là một phức hợp những hoạt động do nhiều người tham gia khác nhau thực hiện (người sản xuất sơ cấp, người chế biến, thương nhân, người cung cấp dịch vụ) để biến một nguyên liệu thô và chuyển dịch theo các mối liên kết với các doanh nghiệp khác trong kinh doanh, lắp rắp, chế biến. Các tiếp cận theo nghĩa rộng không xem xét đến các hoạt động do một doanh nghiệp duy nhất tiến hành, mà nó xem xét cả các mối liên kết ngược xuôi cho đến khi nguyên liệu thô được sản xuất và kết nối với người tiêu dùng cuối cùng.
Như vậy, chuỗi giá trị du lịch, hiểu ở góc độ công ty du lịch thì có chuỗi các hoạt động từ thiết kế sản phẩm, mua dịch vụ, tiếp thị, bán hàng, điều hành, hướng dẫn viên để mang đến sản phẩm là sự trải nghiệm thăng hoa cho du khách. Ở góc độ rộng hơn, chuỗi giá trị du lịch bao gồm chuỗi hoạt động từ xúc tiến, quảng bá, giao thông, hàng không, thủ tục xuất nhập cảnh, quản lý điểm đến, môi trường du lịch, vệ sinh an toàn thực phẩm… của nhiều ban, ngành liên quan, các doanh nghiệp và người dân để cùng đưa những đầu vào là các tài nguyên du lịch tự nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử thành đầu ra là những sản phẩm du lịch mang đến những trải nghiệm, cảm xúc thăng hoa và giá trị gia tăng cho du khách, từ đó mang lại nguồn thu lớn cho ngành Du lịch và đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của cả quốc gia.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì chuỗi giá trị du lịch của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, giá trị gia tăng tạo ra từ chuỗi các hoạt động du lịch chưa tương xứng và chưa khai thác hết tiềm năng từ các đầu vào của ngành Du lịch. Đó cũng là những đánh giá của các tổ chức nước ngoài về du lịch Việt Nam, thể hiện qua các nhận định sau:
Thứ nhất, thương hiệu du lịch của Việt Nam còn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Trong báo cáo gần đây của Tổ chức Bloom Counsulting (Bloom Counsulting là công ty chuyên tư vấn về thương hiệu quốc gia, tập trung trong lĩnh vực du lịch, đầu tư nước ngoài và ngoại giao công chúng, mỗi năm sẽ nghiên cứu và phát hành Country Brand Ranking, đồng thời cũng tư vấn riêng cho một số quốc gia: Áo, Phần Lan, Ba Lan, Thụy Điển, Ecuador, một số thành phố của một số quốc gia…) về xếp hạng thương hiệu quốc gia năm 2017 về du lịch và thương mại trên thế giới (Country brand ranking) đánh giá Việt Nam xếp hạng thứ 47 so với thế giới, tăng 10 bậc trong xếp hạng toàn cầu và xếp hạng thứ 15 châu Á tăng 2 bậc trong khu vực châu Á, nhưng vẫn có khoảng cách khá xa với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan (thứ 2 thế giới, dẫn đầu về thương hiệu tại châu Á), Singapore (thứ 5 thế giới, thứ 3 châu Á), Malaysia (thứ 23 thế giới, thứ 9 châu Á), Indonesia (thứ 35 thế giới, thứ 11 châu Á), Philippines (thứ 40 thế giới, thứ 12 châu Á).
Vietravel – thương hiệu du lịch hàng đầu Việt Nam
Thứ hai, Việt Nam được đánh giá rất cao về tiềm năng và các tài nguyên du lịch nhưng các yếu tố để biến những tiềm năng thành sức mạnh, kết quả thì lại bị đánh giá rất thấp. Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, các yếu tố đầu vào du lịch được xếp hàng khá cao như chỉ số tài nguyên thiên (34/136), tài nguyên văn hóa(3/136) và nguồn nhân lực (37/136), trong khi đó các dịch vụ đi kèm lại bị đánh giá khá thấp như các chỉ số y tế và vệ sinh (82/136), công nghệ thông tin (80/136), độ ưu tiên về du lịch (101/136), tính bền vững về môi trường (129/136) và dịch vụ du lịch (113/136).
Thứ ba, tỷ trọng đóng góp của ngành Du lịch vào GDP và tỷ trọng giá trị xuất khẩu từ du lịch mang lại của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Theo báo cáo “Tác động kinh tế của Du lịch và Lữ hành ở Việt Nam năm 2017” của Tổ chức Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), tổng đóng góp của ngành Du lịch và Lữ hành Việt Nam vào GDP trong năm 2016 là 18,4 tỷ USD, chiếm 9,1% tỷ trọng GDP, xếp hạng 104/185 về tỷ trọng đóng góp vào GDP, trong khu vực ASEAN chỉ xếp trên Brunei, Myanmar và Indonesia. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu từ du lịch của Việt Nam chỉ chiếm 4,5% tổng giá trị xuất khẩu, xếp hạng 142/185 và chỉ xếp trên Singapore. Trong khi đó, tỷ trọng đóng góp vào GDP và tỷ trọng giá trị xuất khẩu từ du lịch của các nước trong khu vực như Campuchia là 28,3% và 26,5%, Lào là 14,2% và 23,1%, Myanmar là 6,6% và 26,4%.
Nguyên nhân của những bất cập trong chuỗi giá trị du lịch chủ yếu là do sự phát triển, vận hành các hoạt động trong chuỗi giá trị không đồng bộ, trong đó đặc biệt là vai trò của cơ quan quản lý nhà nước ở các lĩnh vực liên quan. Một doanh nghiệp lữ hành có thế chủ động từ khâu thiết kế sản phẩm đến mua dịch vụ, tiếp thị, bán hàng, điều hành dịch vụ nhưng lại khó có thể kiểm soát hoàn toàn những vấn đề, rủi ro, sự cố xảy ra tại điểm đến như nạn chèo kéo, “chặt chém” du khách và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt khác, nếu công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch thực hiện không tốt thì các doanh nghiệp có thể tập trung đầu tư ồ ạt vào một điểm đến đang nổi nào đó dẫn đến có thể phá vỡ tổng thể quy hoạch du lịch của điểm đến, gây ra tác dụng ngược là giá trị gia tăng nhưng chuỗi giá trị du lịch không tăng như kỳ vọng mà lại bị giảm đi…
(Còn nữa)
Nguyễn Quốc Kỳ
Chủ tịch HĐTV, TGĐ Công ty Du lịch Vietravel