Chuyên gia Florian Sengstchimid đã chia sẻ như vậy tại khóa tập huấn về E-marketing trong du lịch dành cho 20 cán bộ của Tổng cục Du lịch và Sở Du lịch Hà Nội do Dự án EU-ESRT vừa tổ chức.
Chuyên gia Dự án EU Florian Sengstchimid (đứng) hướng dẫn thực hành cho các học viên tại khóa tập huấn về E-marketing trong du lịch – ảnh: Dự án EU
Tối đa hóa như thế nào?
Chuyên gia Florian Sengstchimid nhấn mạnh: Một khối lượng lớn thông tin với hình ảnh đẹp, sống động được truyền tải một cách thân thiện, tăng sự tương tác giữa điểm đến/tổ chức quản lý điểm đến và khách du lịch bằng các công cụ hiệu quả về mặt chi phí. Đặc biệt, việc liên kết hoạt động xúc tiến với mua sắm online, đặt dịch vụ trực tuyến vừa tiết kiệm thời gian cho du khách, vừa đem đến lợi ích kinh tế cho hoạt động E-marketing.
“Tuy nhiên ở Việt Nam, các điểm đến du lịch trên cả nước gần như chưa tối đa hóa hiệu quả của hoạt động E-marketing do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.Để làm được việc đó, các đơn vị du lịch cần một trang web và vận dụng triệt để các công cụ của E-marketing”- ông Florian Sengstchimid nhận định.
Lời khuyên cụ thể: Một website có tính tương tác cao là web giúp cho du khách dễ dàng tiếp cận thông tin, đặt trước và lập kế hoạch cho chuyến đi. Website được kết nối với các video của youtube, kết nối với tripadvisor, kết nối với các điểm đến khác. Khách có thể đăng ký bản tin, sử dụng các mạng xã hội (youtube, instagram, Foursquare…), sử dụng các công cụ lập kế hoạch, hộp tìm kiếm. Có thể ví website như một cái cây, các công cụ tiện ích như trang mạng xã hội, công cụ định vị điểm đến… là những nhánh để tạo nên một cái cây khỏe mạnh, đưa hình ảnh điểm đến gần gũi với du khách hơn.
Phải xây dựng chiến lược marketing
Cũng theo chuyên gia dự án EU, các điểm đến du lịch trên cả nước có thể vận dụng mô hình cây internet marketing để tối đa hóa hiệu quả hoạt động E-marketing với chi phí hợp lý. Xây dựng một website với đường truyền ổn định, đưa các công cụ hỗ trợ vào trang web: các phím mạng xã hội, các hộp tìm kiếm, các tiện ích đặt lịch trực tuyến, tạo bản tin điện tử, email, gửi các mẫu thăm dò ý kiến điện tử…, các kỹ năng để vận hành website đạt hiệu quả cao; quản lý quan hệ khách hàng, đa dạng hóa các công cụ tìm kiếm của các mạng xã hội như chia sẻ ảnh trên instagram, Microblogging trên twitter, blog du lịch, chia sẻ ảnh trên pinterest, Facebook, truyền thông xã hội, hướng tới xây dựng nội dung marketing hấp dẫn tới thị trường khách mục tiêu. Marketing thông tin và các thông điệp phù hợp.Xây dựng chiến lược marketing hiệu quả sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của điểm đến du lịch.
Chuyên gia Florian Sengstchimid nhấn mạnh: Để tối đa hóa lợi ích của công cụ internet trong quảng bá du lịch thì ngành Du lịch nhất thiết phải có một chiến lược E-marketing. Chiến lược này sẽ xem xét lại cơ sở dữ liệu hiện thời phục vụ cho marketing và các kênh E-marketing hiện có ở Việt Nam tạo sự kết nối với nhau.
Phương Thảo