Gia Lai có thiên nhiên đa dạng, nhiều cảnh sắc đẹp. Lại là địa phương tập trung đông dân tộc anh em sinh sống, trong đó hơn 44% là người dân tộc thiểu số với những buôn làng còn nguyên sơ, giữ được nét văn hóa đặc sắc, phù hợp để phát triển du lịch gắn với cộng đồng. Nhưng làm sao để phát huy tối đa lợi thế mà loại hình du lịch cộng đồng mang lại là cả một bài toán khó, bởi làm không khéo sẽ dẫn tới sự đơn điệu, na ná nhau khiến du khách nhàm chán. Báo Du lịch đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đức Hoàng – Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Gia Lai (ảnh) về những vấn đề liên quan.
Ông Nguyễn Đức Hoàng: Ngày 18/01/2019 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 163/KH-UBND về phát triển du lịch tỉnh Gia
![]() Ông Nguyễn Đức Hoàng Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Gia Lai |
Lai năm 2019. Kế hoạch nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình 43-CTr/TU ngày 26/6/2017 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời cụ thể hóa các nhiệm vụ phát triển du lịch trong đó có phát triển du lịch dựa vào cộng đồng. Đó là việc hình thành mô hình du lịch cộng đồng tại các làng: làng Ốp (thành phố Pleiku), làng kháng chiến Stơr (huyện Kbang), làng Kép (huyện Chư Păh), làng Vai Viêng (huyện Mang Yang), làng Nú (huyện Ia Grai), làng Kon Mahar và làng Kon Pơdram (huyện Đak Đoa), làng nghề truyền thống (huyện Đak Đoa). Trong đó định hướng cho người dân xây dựng nhà ở cho khách du lịch thuê, khôi phục các làng nghề truyền thống, tổ chức các lễ hội truyền thống, hướng dẫn du khách tham quan, trải nghiệm, thưởng thức ẩm thực địa phương.
PV: Như vậy, chúng ta đang xây dựng loại hình du lịch mà cộng đồng người dân tộc chính là chủ thể. Nhưng để làm được điều đó, chắc hẳn không phải dễ dàng. Vậy địa phương đang có sự chuẩn bị như thế nào để hỗ trợ người dân, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Hoàng: Trên cơ sở tham mưu của ngành, ngày 10/7/2019 địa phương đã ban hành Nghị quyết số 108/2019/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ về đầu tư du lịch, hoạt động xúc tiến du lịch và phát triển du lịch cộng đồng. Trong đó, hỗ trợ hộ gia đình đầu tư xây dựng nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) với mức hỗ trợ là 10 triệu đồng/phòng, không quá 20 triệu đồng/hộ gia đình.
Ngoài ra, ngành thường xuyên hỗ trợ các địa phương tổ chức các lớp bồi dưỡng cho bà con là người dân tộc thiểu số để nâng cao nhận thức của người dân về việc tham gia vào hoạt động du lịch.
PV: Không chỉ riêng Gia Lai mà hầu như các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên đều có nét văn hóa tương đồng nhau vì tập trung nhiều cộng đồng dân tộc cùng sinh sống. Vậy Gia Lai sẽ lựa chọn như thế nào để sản phẩm du lịch cộng đồng của địa phương trở nên độc đáo, khác biệt nhằm thu hút du khách, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Hoàng: Tuy có nhiều điểm tương đồng về tự nhiên nhưng sự khác biệt về văn hóa của các tộc người thiểu số vẫn tạo nên sức hút riêng. Ví như cũng là nhạc cụ cồng chiêng nhưng cách diễn tấu của người Bahnar, Jrai lại cuốn hút hơn cả. Ẩm thực địa phương cũng tạo nên những nét riêng nhờ nguyên liệu, cách thức chế biến.
Dựa vào văn hóa truyền thống, địa phương hướng người dân tham gia vào hoạt động du lịch trên tinh thần bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống trong phong tục, tập quán, lễ hội, ẩm thực… Hạn chế sự lai căng về văn hóa để không làm mất đi sự mộc mạc, giản dị vốn có của người dân tộc thiểu số tại chỗ.
PV: Ngoài những vấn đề trên, ông còn muốn chia sẻ gì thêm với bạn đọc Báo Du lịch?
Ông Nguyễn Đức Hoàng: Du lịch Gia Lai tuy còn non trẻ nhưng đang rất nỗ lực để du khách gần xa biết đến và yêu quý. Nếu như trước đây du khách chỉ biết đến Biển Hồ thì bây giờ Gia Lai đã có thêm nhiều điểm tham quan và lễ hội hấp dẫn. Bên cạnh loại hình du lịch sinh thái, văn hóa du lịch Gia Lai hướng đến các loại hình du lịch mới như du lịch dựa vào cộng đồng, du lịch nông nghiệp để làm phong phú thêm sản phẩm du lịch.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!