Cùng với chính sách mở cửa hội nhập chung của đất nước theo phương châm chủ động hội nhập, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế, du lịch với tư cách là một ngành kinh tế dịch vụ đã đẩy mạnh các hoạt động hội nhập với song phương, đa phương, khu vực và liên khu vực.
Du lịch cũng có thể tác động ảnh hưởng đến môi trường
Những tác động tích cực
– Tăng thị phần du lịch quốc tế: dựa trên phương pháp tính tổng cầu du lịch theo tài khoản vệ tinh (Tourism Satellite Account-TSA) là tiêu chuẩn thống kê quốc tế được chấp nhận để đánh giá ảnh hưởng du lịch thì hoạt động du lịch bao gồm các hoạt động kinh tế tổng hợp của du lịch và các ngành kinh tế khác liên quan và phục vụ hoạt động du lịch như hàng hóa phục vụ cho du khách, tiêu dùng của Chính phủ cho hoạt động du lịch (kể cả tiêu dùng đầu tư cho bảo tàng, nhà hát, an ninh, hải quan, dịch vụ hàng không…). Vì thế, hội nhập quốc tế sâu hơn, rộng hơn sẽ giúp gia tăng thị phần du lịch của các quốc gia trên thế giới. Mở ra cơ hội để ngành Du lịch khai thác, phát huy tiềm năng du lịch, quảng bá thương hiệu và sản phẩm du lịch ra nước ngoài một cách dễ dàng và hiệu quả hơn.
– Cơ hội được cải cách: Đối với doanh nghiệp du lịch khi hội nhập là sức ép buộc phải có sự cải cách mạnh mẽ trong bản thân mỗi doanh nghiệp nếu muốn tồn tại trên thị trường. Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam sẽ được tiếp cận và học hỏi trình độ quản lý tiên tiến của các tập đoàn du lịch lớn trên thế giới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch nước ngoài với nhiều kinh nghiệm hoạt động lâu năm trên phạm vi quốc tế sẽ giúp chuyển giao kinh nghiệm khai thác khách và đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác quảng bá và marketing du lịch tại Việt Nam.
– Mở rộng thị trường và phát triển những loại hình du lịch mới: Việc cho phép thêm các doanh nghiệp du lịch lữ hành có vốn đầu tư nước ngoài tham gia cung cấp dịch vụ kinh doanh gửi khách tại thị trường trong nước sẽ tăng thêm năng lực khai thác khách du lịch inbound (khách du lịch quốc tế vào Việt Nam) và làm cho hoạt động du lịch inbound trong những năm tới sẽ phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, lượng khách du lịch công vụ, MICE sẽ tăng mạnh sau khi Việt Nam gia nhập WTO và tổ chức thành công sự kiện APEC.
– Mở ra cho du lịch nước ta những cơ hội cạnh tranh mới, từ đó thu hút thêm nhiều vốn đầu tư nước ngoài, tạo công ăn việc làm, nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho phát triển du lịch. Du lịch Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của các vùng, quốc gia ở trên thế giới một cách nhanh chóng và dễ dàng.
– Cơ hội để hoàn thiện và có được hệ thống chính sách hỗ trợ có hiệu quả: Tạo cơ hội để các nhà hoạch định chính sách nắm bắt tốt hơn tình hình và xu thế phát triển của thế giới, từ đó có thể đề ra chính sách cho phù hợp để phát triển du lịch. Việc Chính phủ cam kết về xây dựng tính minh bạch, có thể dự đoán được trong các quy định và chính sách về phát triển kinh tế nói chung và phát triển du lịch nói riêng, sẽ tạo ra tiền đề phát triển lành mạnh hơn cho các doanh nghiệp du lịch.
Những tác động tiêu cực
– Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống: Hội nhập quốc tế sẽ tạo điều kiện cho các quốc gia giao lưu kinh tế, đồng thời với quá trình đó, hoạt động văn hóa cũng được giao thoa. Vì vậy, bên cạnh cơ hội chủ động tiếp thu những giá trị văn hóa của thế giới trên cơ sở phát huy bản sắc của truyền thống văn hóa dân tộc sẽ là nguy cơ tiếp thu tràn lan, thiếu chọn lọc, dẫn đến bị mất bản sắc văn hóa truyền thống, bị hòa tan vào trong thế giới toàn cầu hóa.
– Tăng sức ép về môi trường: Cùng với hội nhập và mở cửa, sự phát triển nhanh chóng của nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là công nghiệp có đầu tư về vốn và công nghệ nước ngoài một mặt đem lại những lợi ích kinh tế cho quốc gia tiếp nhận, đồng thời cũng tạo ra sức ép rất lớn về môi trường, nguy cơ hủy hoại môi trường sinh thái, làm suy giảm đa dạng sinh học và chính điều đó sẽ làm thiệt hại cho ngành Du lịch, nảy sinh yếu tố kém bền vững cho phát triển du lịch. Nhiều bài học từ thực tế phát triển các khu công nghiệp, các dự án phát triển đô thị, các dự án khu vui chơi giải trí lớn, v.v… có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam thời gian qua cũng chứng minh được tác động tiêu cực này của hội nhập.
– Cạnh tranh: Đây là yếu tố tất yếu diễn ra trong quá trình hội nhập quốc tế. Cạnh tranh là một cơ hội trong quá trình hội nhập quốc tế song lại là một thách thức lớn đối với các quốc gia. Hiện nay, sự bành trướng của các tập đoàn đa quốc gia đang và sẽ là mối đe dọa lớn đối với các doanh nghiệp du lịch ở các nước đang phát triển. Các tập đoàn này có lợi thế về vốn, kỹ thuật và kinh nghiệm tổ chức sản xuất, kinh doanh, kinh nghiệm cạnh tranh trên thị trường, sẽ chiếm ưu thế trong cạnh tranh. Hội nhập quốc tế tạo áp lực cạnh tranh về các sản phẩm du lịch ngày càng tăng. Nếu các doanh nghiệp du lịch ở quốc gia nào đó không đáp ứng được yêu cầu của hội nhập thì sẽ bị thôn tính.
– Dịch chuyển thị trường lao động có chất lượng: Đây là yếu tố bất lợi do hội nhập đối với các quốc gia đang phát triển khi mà chính sách ưu đãi đối với người lao động chưa thỏa đáng. Hội nhập cho phép người lao động lựa chọn nơi làm việc phù hợp và vì vậy người lao động có trình độ, kỹ năng sẽ tìm đến các nước phát triển hoặc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các tổ chức quốc tế có chế độ ưu đãi tốt hơn để làm việc. Kết quả là hội nhập sẽ tác động tiêu cực đến nguồn nhân lực của các nước kém hoặc đang phát triển như Việt Nam. (Còn nữa)
Nguyễn Trung Dũng Học viện Chính trị CAND