Tối qua 10/4 tại thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã khai mạc trọng thể Năm Du lịch quốc gia 2016 – Phú Quốc – Đồng bằng sông Cửu Long, chủ đề “Khám phá đất Phương Nam”.
Các đồng chí lãnh đạo tại buổi lễ khai mạc
Tới dự lễ khai mạc có: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; nguyên Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Trưởng Ban Chỉ đạo Năm Du lịch quốc gia 2016 Hoàng Tuấn Anh; Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên; Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn…; lãnh đạo nhiều tỉnh thành.
Cùng dự còn có Bộ trưởng Bộ VHTTDL : Lào, Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Philippines; Đại sứ các nước Nga, Indonesia và một số tổ chức ngoại giao.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ khai mạc
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Cùng đất nước, ngành Du lịch đã không ngừng lớn mạnh. Từ đầu thập niên 1990 tới nay, lượng du khách quốc tế đã tăng hơn 30 lần, khách du lịch nội địa tăng gần 60 lần và doanh thu từ du lịch tăng hơn 240 lần. Không chỉ đóng góp hơn 6,3% GDP, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, Du lịch còn là nhịp cầu giao lưu văn hóa, tăng cường hợp tác hữu nghị với các quốc gia, dân tộc.
Năm 2015 là năm có nhiều dấu mốc, nhiều hoạt động có ý nghĩa của ngành Du lịch. Không chỉ tăng trưởng rất ấn tượng hơn 43% doanh thu, 48% du khách nội địa; Du lịch còn thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền và toàn xã hội trong việc xác định những vướng mắc, tồn tại đi liền với các giải pháp tháo gỡ, khắc phục, thúc đẩy phát triển. Những kết quả tích cực của năm 2015 hứa hẹn những bước tiến bộ nhanh, vững chắc hơn của ngành du lịch.
Nguyên Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Trưởng Ban Chỉ đạo Năm Du lịch quốc gia 2016 Hoàng Tuấn Anh; Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị tặng hoa cho các nhà tài trợ chương trình
Chúng ta vui mừng trước những bước phát triển song cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng du lịch nước nhà còn thua kém không ít nước có lợi thế về thiên nhiên, văn hóa tương tự, thậm chí có mặt không bằng nước ta. Nói cách khác, du lịch Việt Nam – cũng tương tự như kinh tế Việt Nam – còn chưa thật cạnh tranh.
Liệu chúng ta có thể phát triển nhanh hơn? Câu hỏi ấy được đặt ra không chỉ với ngành du lịch nhưng trước hết với ngành du lịch vì những lợi thế rất lớn của nước ta. Du lịch không chỉ cần có, không chỉ liên quan tới phong cảnh, tới văn hóa mà còn đòi hỏi một hệ thống hạ tầng cơ sở tiện dụng từ giao thông tới các cơ sở lưu trú, cung cấp dịch vụ mà một nước đang phát triển không thể sớm hoàn thiện ngay được. Tạo môi trường đầu tư thật sự thuận lợi để phát triển hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch là điều kiện cần thiết hàng đầu. Phú Quốc là một minh chứng sống động. Nhìn lại những năm 2000, hòn đảo này mỗi năm đón khoảng 100 ngàn du khách. Hơn 10 năm phát triển liên tục tới năm 2013 cũng mới chỉ đạt hơn 620 ngàn. Năm 2014 số du khách tăng vọt lên 1 triệu 50 ngàn lượt người và năm 2015 vừa qua đã có 1 triệu 630 ngàn du khách đến với hòn đảo này, mang lại doanh thu gần 100 triệu USD.
Chương trình nghệ thuật tại lễ khai mạc
“Vẫn những người dân Phú Quốc, những người dân Nam bộ trung trực, can trường, nghĩa tình, chịu thương chịu khó ấy. Vẫn biển ấy, rừng ấy. Nhưng khi có sân bay quốc tế, có điện lưới, có các dự án đầu tư du lịch quy mô lớn của những nhà đầu tư uy tín, đủ tiềm lực thì hòn đảo vụt chuyển mình hướng tới một thiên đường du lịch tiềm năng…
Huyện đảo Phú Quốc đã có bước phát triển ngoạn mục trong những năm gần đây, đã trở thành một điểm sáng, một biểu tượng của sự bứt phá về kinh tế xã hội nói chung và du lịch nói riêng. Thành công của Phú Quốc là kinh nghiệm và cũng là niềm tin cho du lịch Việt Nam.” Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng biểu dương Bộ VHTTDL, tỉnh Kiên Giang cùng các địa phương đã đóng góp thiết thực để ngành du lịch đạt được những kết quả tích cực trong năm qua và đã chuẩn bị tốt cho sự kiện có ý nghĩa này.
Phó Thủ tướng chỉ đạo: Du lịch không thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nếu không có hệ thống cơ sở hạ tầng đủ tốt. Tuy nhiên, ngay với điều kiện hiện có, du lịch vẫn có thể phát triển mạnh mẽ hơn, hiệu qủa hơn rất nhiều nếu chúng ta tập trung xử lý rốt ráo những vướng mắc, tồn tại đã được nhận diện.
Đó là những thủ tục hành chính liên quan tới xuất nhập cảnh, đi lại, lưu trú, đầu tư, kinh doanh… cần được cải cách để tạo thuận lợi nhất cho du khách và người kinh doanh du lịch. Đó là chung tay thực hiện những giải pháp đồng bộ để không còn nạn trộm cắp, ăn xin, bắt chẹt, mất vệ sinh, mất lịch sự… vẫn còn ở không ít nơi. Người dân phải được tuyên truyền, vận động để ý thức được, để sửa đổi, từ bỏ những việc làm, thói quen không tốt, ảnh hưởng xấu tới du lịch, tới xây dựng nếp sống văn hóa. Chính quyền phải vào cuộc với đầy đủ trách nhiệm, kỷ cương hành chính.
Nguồn nhân lực luôn là yếu tố hết sức quan trọng. Các đồng chí lãnh đạo địa phương đều chia sẻ trăn trở trước thực trạng thiếu hụt cán bộ, nhân viên du lịch được đào tạo căn bản, có tính chuyên nghiệp cao, giỏi ngoại ngữ… Đúng là cần tính chuyên nghiệp. Đúng là nhiều kỹ năng cần được đào tạo, tập huấn bài bản và cần có thời gian. Tuy nhiên, bài học thành công ở nhiều nước, và chính mỗi chúng ta cũng có thể kiểm chứng bằng trải nghiệm của riêng mình, là chỉ cần làm tốt 2 điều – chỉ 2 điều thôi – thì cũng khiến du khách hài lòng hơn rất nhiều. Hai điều này không cần trường lớp lớn, cũng chưa cần giỏi ngoại ngữ. Đó là sạch sẽ và thái độ. Tất cả mọi nơi, mọi thứ từ to tới nhỏ đều phải sạch sẽ, thật sạch sẽ. Tất cả mọi lời nói, cử chỉ, ánh mắt, nụ cười… đều thể hiện, đều khởi phát từ tấm lòng tôn trọng khách.
Chúng ta cùng mong và tin rằng, bằng hành động thiết thực của các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, Du lịch vùng Đồng bằng Sông Cửu long nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung sẽ có bước phát triển ấn tượng trong năm 2016, tạo đà cho một thời kỳ phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
Tại lễ khai mạc đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc sắc, hoành tráng do Tổng cục Du lịch và Sở VHTTDL tổ chức thực hiện với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, diễn viên.