Trong các ngày 10 và 11/9, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã tổ chức chương trình khảo sát thực tế các sản phẩm du lịch, nhằm góp phần hoàn thiện các sản phẩm trong việc xây dựng, hình thành các điểm đến du lịch tại đây. Tham gia chương trình có 41 đại biểu đại diện các cơ quan báo chí, đơn vị lữ hành…
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Trong khuôn khổ chương trình, đoàn khảo sát đã tới tham quan quần thể chùa, nét đặc trưng của dân tộc Khmer; không gian nhà triển lãm, thưởng thức hoạt động dân ca, dân vũ, biểu diễn nghệ thuật của một số đồng bào dân tộc; không gian tháp Chăm, khu cắm trại tháp Chăm; tham quan làng dân tộc Ê-đê, thưởng thức không gian cà phê Tây Nguyên, xem diễn tấu cồng chiêng; tham quan làng dân tộc Thái, trải nghiệm nghề dệt truyền thống cùng múa xòe và nhảy sạp; tham quan làng dân tộc Dao; nghe giới thiệu về các bài thuốc gia truyền của dân tộc Dao; tham quan không gian dân tộc Mường, Tày, Dao; khảo sát các địa điểm tổ chức cắm trại, teambuiding sân khấu ngoài trời…
Cũng trong chương trình này, đoàn đã tiến hành khảo sát sản phẩm du lịch “Mái trường-Khu Làng dân tộc”. Tại đây, các thành viên đã tham dự lễ ra hè và tổng kết cuộc thi viết: “Nét chữ, nết người” và ủng hộ sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh dân tộc thiểu số huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng.
Đoàn Khảo sát tham quan không gian Tháp Chăm
Đặc biệt, Ban Tổ chức đã dành thời gian tọa đàm trao đổi về hoàn thiện sản phẩm du lịch và phương hướng hợp tác quảng bá, xúc tiến du lịch thu hút sự tham gia của đại diện Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Sở Du lịch Hà Nội, CLB lữ hành UNESCO… Phó Trưởng Ban Quản lý Làng VHDL các DTVN, Lâm Văn Khang và Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu đồng chủ trì buổi tọa đàm
Tại buổi tọa đàm Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu mong muốn các doanh nghiệp du lịch cần có những việc làm cụ thể trong việc hợp tác, xúc tiến khai thác các sản phẩm du lịch của Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Làng VHDL các DTVN), đồng thời dành thời gian trao đổi với các đại biểu về những vấn đề nổi cộm, bất cập trong hoàn thiện sản phẩm du lịch tại quần thể này. Ông đề nghị, ngay sau cuộc khảo sát này các doanh nghiệp lữ hành sẽ nghiên cứu và tiến hành ký kết các hợp đồng đầu tư, hợp tác và đưa khách tới điểm đến này.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều nội dung, trong đó tập trung vào các vấn đề: xây dựng sản phẩm và xác định thị trường; phục vụ ai, phục vụ như thế nào; phục vụ thị trường quốc tế thì sao, thị trường nội địa thì thế nào?….từ đó thiết kế được sản phẩm hoàn chỉnh nhất tại Làng VHDL các DTVN.
Không gian chùa Khmer – một công trình độc đáo của Làng VHDL các DTVN.
Ghi nhận những thay đổi và chuyển biến tích cực của Làng VHDL các DTVN trong những năm gần đây, một số ý kiến cho rằng, Làng cần khắc phục được những hạn chế về cơ sở hạ tầng, mở rộng thêm các dịch vụ vui chơi, giải trí… để thu hút du khách.
Được biết, từ đây đến hết năm 2016 và 2017, ngoài 3 chương trình thường niên, Làng VHDL các DTVN đã có kế hoạch tổ chức thường xuyên các sự kiện văn hóa dân tộc trong hằng tháng. Theo đó, bắt đầu đưa vào khai thác các chương trình tour đặc sắc như: Một ngày bản buôn; Mái trường, ngôi làng dân tộc; Ký ức trẻ; Về với cộng đồng…
Hồng Lụa