Ông Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch cho rằng, việc gia hạn miễn thị thực cho nhóm các nước Châu Âu đang vấp phải trở lực từ một số quan điểm chưa chuẩn xác. Ông cho biết: “Vài người cho rằng visa “phải miễn song phương”. Bản chất vấn đề không phải vậy! Ví dụ Thái Lan – miễn visa du lịch cho công dân 57 nước và công dân Thái Lan được 75 nước miễn visa, nhưng hai danh sách không hoàn toàn trùng nhau.
Hơn hết, visa du lịch không phải là vấn đề song phương, “có đi có lại”. Với mục tiêu tăng trưởng du lịch, tăng nguồn thu cho quốc gia, nhiều nước trên thế giới đặt vấn đề: Muốn nhiều người nước ngoài du lịch để làm giàu, phát triển kinh tế, và công dân nước đó không gây ra phiền toái, nguy hiểm nào đáng kể thì sẵn sàng miễn visa cho họ. Nhưng nếu miễn visa cho công dân nước nào đó, mà họ có thể gây ra nhiều vấn đề cho nước sở tại, thì dĩ nhiên là chưa miễn được.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy – Phó Tổng Thư ký VPSF – băn khoăn: Nếu hai tuần tới, Chính phủ vẫn chưa có quyết định gia hạn miễn thị thực cho công dân 5 nước Châu Âu như mọi năm thì ngành du lịch Việt Nam chắc chắn sẽ tụt giảm doanh thu từ 15-30%. Bà Thủy cho rằng, khách Châu Âu và một số quốc gia có thói quen chi trả cao sẽ chuyển hướng đến các quốc gia khác mời chào họ tốt hơn; chưa kể các Cty du lịch trong nước mất trắng nhiều tỉ đồng đầu tư cho việc quảng bá tại khu vực này. Hơn hết, các Cty du lịch còn cần thời gian để xúc tiến giới thiệu các tour, tuyến đến khách hàng. Như vậy nếu tuần cuối tháng 4, không có tín hiệu gì từ phía Chính phủ, thì ngành du lịch sẽ không còn kịp làm gì đối với thị trường Châu Âu.