Ngày 16/11/2016, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết về “Phát triển du lịch chất lượng cao giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025…”. Nghị quyết xác định du lịch “Ngành kinh tế động lực”. Song, với thực trạng hiện nay còn nhiều điều trăn trở; trong đó việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch bức xúc…
Trò chơi mạo hiểm vượt thác Datanla ẩn chứa nhiều rủi ro
Yêu cầu cấp thiết
Cảnh quan thơ mộng; khí hậu mát lành quanh năm; các loại rau, hoa, trái đặc trưng, nhiều sản vật mới lạ…, Đà Lạt luôn được khách du lịch trong và ngoài nước yêu mến chọn lựa tìm đến. Mỗi năm, nhất là vào các thời điểm nghỉ lễ, tết, hè… khách du lịch khắp nơi đến Đà Lạt rất đông. Vài năm trở lại đây, số lượng khách du lịch đến Đà Lạt tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm…năm sau thường cao hơn năm trước. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch chất lượng cao theo yêu cầu mới đặt ra: phát triển “du lịch thông minh”, “du lịch an toàn, bền vững”…đối với Đà Lạt trong những năm qua thực sự chưa ổn. Vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập trong công tác quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước đối với du lịch; tư duy kinh doanh chộp giật theo kiểu “ăn xổi ở thì” của một số doanh nghiệp; hiện tượng “chặt chém”, bắt chẹt, thậm chí hành hung khách du lịch vẫn còn; thực trạng “cò” trong hoạt động du lịch vẫn tồn tại; đặc biệt là thiếu sự an toàn tính mạng cho du khách khi tham gia các hoạt động du lịch thể thao mạo hiểm…Tất cả những tồn tại và hạn chế này chung quy từ nhân tố con người – nguồn nhân lực du lịch chưa thực sự đảm bảo!
Phải đào tạo nguồn nhân lực du lịch
Từ những thực trạng nêu trên, việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch trước mắt và lâu dài đối với du lịch Đà Lạt – Lâm Đồng là yêu cầu bức xúc. Dù rằng, thời gian qua nguồn nhân lực làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức liên quan đến hoạt động du lịch, dịch vụ của Đà Lạt và các địa phương trong tỉnh đã có sự phát triển đáng kể về số lượng và từng bước nâng cao về chất lượng.
Theo số liệu thống kê trong toàn tỉnh, trên 80% cán bộ quản lý nhà nước về du lịch được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp đã được coi trọng. Nhiều doanh nghiệp đã có các phương thức sát hạch, kiểm tra, tổ chức thi, tuyển chọn cán bộ có trình độ. Sở VHTTDL Lâm Đồng cũng đã phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ VHTTDL và một số tổ chức chuyên môn nước ngoài (Singapore, Thái Lan…) đã tổ chức nhiều khóa đào tạo cho hơn 120 Hướng dẫn viên (HDV) du lịch trực tiếp hoạt động DLTTMH; đồng thời, đã kiểm tra, cấp giấy chứng nhận cho 10 doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh đủ điều kiện kinh doanh loại hình DLTTMH… Song, trước thực tế lượng du khách đang ngày một tăng cao và những yêu cầu của xu hướng mới, nguồn nhân lực như thế vẫn chưa đủ!
Các chỉ tiêu đặt ra trong “Định hướng phát triển du lịch tỉnh Lâm Đồng đến 2020, tầm nhìn đến 2030” đã đề ra cụ thể: từ nay đến năm 2020, phát triển khoảng 13.000 lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp du lịch và dịch vụ du lịch. Trong đó, phải có 80% qua đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch, ngoại ngữ tin học…; đến năm 2025, nâng số lao động trong các doanh nghiệp du lịch lên khoảng 15.000 và có từ 85 – 90% đã qua đào tạo chuyên sâu nghiệp vụ du lịch…
Cần khẳng định, không thể tồn tại mô hình du lịch với lối tư duy lỗi thời, được chăng nên chớ, hoặc làm ăn theo kiểu chộp giật, thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu bền vững! Du lịch chất lượng cao thời 4.0 ngoài tính năng động, sáng tạo, giàu hàm lượng chất xám, sự đầu tư hiện đại về cơ sở vật chất; sự am hiểu tâm lý, sở thích của “thượng đế”, còn phải giỏi chuyên môn, linh động của đội ngũ cán bộ, nhân viên, HDV du lịch; đặc biệt, phát huy cho được phong cách “Thanh lịch – Hiền hòa – Mến khách” trong hoạt động du lịch, kinh doanh dịch vụ… Có như vậy mới tạo “hơi thở”, sức bật mới cho du lịch Đà Lạt – Lâm Đồng thực sự phát triển bền vững trong tương lai…
Chủ trương, chính sách, cơ chế và cơ hội phát triển du lịch Đà Lạt – Lâm Đồng đã rộng mở; còn lại là sự “vào cuộc” của các ngành chức năng liên quan địa phương; trong đó, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực cho du lịch phải được quan tâm hàng đầu…
Thanh Dương Hồng