Khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)có 13 tỉnh/TP, diện tích 40.000km2 , với gần 17 triệu dân. ĐBSCL liền kề TP. Hồ Chí Minh và cửa ngõ đi các nước Đông Nam Á. Là vùng đất trù phú, cảnh quan tuyệt mỹ, khí hậu ôn hoà, con người thân thiện, nồng hậu. Năm Du lịch quốc gia 2016 – Phú Quốc – Đồng bằng sông Cửu Long (PQ-ĐBSCL) với chủ đề “Khám phá đất phương Nam” sẽ được khai mạc tại huyện đảo Phú Quốc. Và hoạt động của Năm Du lịch quốc gia 2016 sẽ trải rộng trên 13 tỉnh/TP ĐBSCL, cùng 06 tỉnh thành liên kết gồm TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, TP Đà Nẵng, Lào Cai.
Ngày 10/4/2016, Năm Du lịch quốc gia 2016 chính thức khai mạc, mở ra một một trang mới trong hoạt động du lịch của các tỉnh ĐBSCL. Huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang là một trong những điểm du lịch mang tầm quốc tế ở Việt Nam vinh dự được đăng cai tổ chức sự kiện này. Đây không chỉ đơn thuần là một sự kiện mang tính thường niên của Du lịch Việt Nam, mà còn có ý nghĩa tạo ra cú huých quan trọng trong việc thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với ĐBSCL, một vùng đất trù phú, vựa thóc, thủy hải sản của Việt Nam, tạo động lực phát triển có tính đột phá cho du lịch các tỉnh ĐBSCL. Bên cạnh đó còn thúc đẩy việc liên kết phát triển du lịch của các tỉnh, phát huy lợi thế của vùng đất văn hóa, lịch sử gắn với quá trình khẩn hoang của cha ông. Và cũng là cơ hội để Du lịch Kiên Giang nói riêng, ĐBSCL nói chung phát huy thế mạnh biển đảo, những sản phẩm du lịch đặc thù của vùng sông nước…
Trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia 2016, nhiều hoạt động Văn hóa, Thể thao, Du lịch quy mô lớn đã được diễn ra, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Có 63 sự kiện, trong đó có 13 sự kiện do các Bộ, Ngành Trung ương tổ chức; 13 sự kiện do tỉnh Kiên Giang tổ chức; 37 sự kiện do 12 tỉnh/TP ĐBSCL và 6 tỉnh/TP lien kết tổ chức. Có thể nói, Năm Du lịch 2016 có qui mô rộng lớn nhất từ trước đến nay với nhiều hoạt động có ý nghĩa, mang tầm vóc lớn, hứa hẹn nhiều kết quả khả quan cho hoạt động du lịch trong năm 2016 của ĐBSCLnói riêng và cả nước nói chung. Cùng với đó là sự đổi mới, nâng cao chất lượng về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, chất lượng dịch vụ tại các khu, điểm du lịch trên toàn vùng ĐBSCL, góp phần tích cực trong việc thu hút du khách trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Hiệp Hội du lịch ĐBSCL, trong thời gian từ năm 2011 đến 2015 chương trình: Liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Kinh tế trọng điểm ĐBSCL đã đạt được một số kết quả nhất định; cơ sở hạ tầng trong vùng đã có sự chuyển biến tích cực, cơ sở vật chất kỹ thuật được quan tâm đầu tư, nhiều khu vui chơi giải trí, khách sạn, resort được đầu tư mới. Điển hình như Khu du lịch sinh thái Quốc Tế (Cà Mau), Khu di tích văn hóa – lịch sử và du lịch Núi Sam (An Giang), khách sạn Mường Thanh (Tp.Cần Thơ), quần thể du lịch – vui chơi giải trí Vinpearl Phú Quốc (Kiên Giang), khu du lịch Nhà Mát (Bạc Liêu). Đặc biệt là xây dựng được sản phẩm du lịch chung “ĐBSCL – Một điểm đến 4 địa phương +”…Từ đó lượng khách đến tham quan du lịch cũng tăng lên, nếu như năm 2011, các địa phương tham gia Chương trình đón 13 triệu lượt khách thì năm 2015 đón 21 triệu lượt khách, tăng bình quân 12%/năm; doanh thu du lịch năm 2011 từ 2.420 tỉ đồng đã tăng lên 4.350 tỉ đồng năm 2015, tăng bình quân 16%/năm. Đây là tiền đề quan trọng để phát huy hiệu quả của Năm Du lịch quốc gia 2016 với sự tham gia của 13 tỉnh ĐBSCL và 6 tỉnh thành phố liên kết, cùng sự tham gia của nhiều Bộ, Ngành Trung ương.
So với cả nước, du lịch ĐBSCL tuy chưa phải là điểm sáng, nhưng nhờ những lợi thế đặc thù của vùng sông nước, biển đảo..và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các địa phương nên vùng đất này hàng năm cũng đã thu hút hàng triệu du khách trong nước và quốc tế đến trải nghiệm, khám phá. Đến với ĐBSCL, khách du lịch sẽ thỏa lòng đam mê trên những con tàu dọc ngang sông nước miền Tây, khám phá du lịch sinh thái miệt vườn, thưởng thức nhiều hoa trái đặc sản như: chôm chôm, nhãn, cam sành, bưởi Năm Roi (Vĩnh Long); vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang), dừa Bến Tre. Hoặc đạp xe len lỏi qua những con đường làng tìm hiểu phong tục, tập quán của người nông dân Nam bộ với chương trình “tát mương bắt cá”, “Một ngày làm nông dân” và quây quần với gia chủ chế biến món ăn tại cơ sở homestay, tràn ngập không khí chân chất mộc mạc và phóng khoáng của miền đất Nam bộ hôm nay. Đến ĐBSCL du khách còn leo núi, du lịch tâm linh ở An Giang; tắm biển ở Trà Vinh, Bến Tre; khám phá nét đẹp hoang sơ, độc đáo của “đảo Ngọc” Phú Quốc; nghe Đờn ca tài tử Nam bộ, Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Rồi một loạt sản phẩm mới ra đời như: tour“ĐBSCL- Một điểm đến, 4 địa phương +”. 12 điểm du lịch tiêu biểu của khu vực.v.v., tạo sự lan tỏa cho cả vùng trong Năm Du lịch quốc gia 2016 này.
Mặc dù mới chỉ là khai mạc, còn một chặng đường dài tiếp theo của Năm Du lịch quốc gia 2016, nhưng du lịch ĐBSCL kỳ vọng vào sự thành công của Năm Du lịch khi Bộ VHTTDL phê duyệt Đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của vùng, có giá trị đặc thù cao với các sản phẩm tham quan trải nghiệm cuộc sống cộng đồng gắn giá trị cảnh quan sông nước và văn hóa bản địa; du lịch sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng biển Phú Quốc; Không gian bảo tàng lúa nước ĐBSCL tại Vĩnh Long; Không gian bảo tàng dừa Bến Tre; Không gian bảo tàng ẩm thực Nam bộ tại Đồng Tháp. Và hàng loạt dự án ưu tiên đầu tư phát triển du lịch ở đây. Xây dựng thương hiệu và xúc tiến quảng bá điểm đến cho khu vực. Đặc biệt là xây dựng bộ tiêu chí Nhãn sản phẩm du lịch đặc thù ĐBSCL, để tập trung khai thác du khách Mỹ, Pháp, Anh, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc.., khách nội địa đến từ TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh miền Trung…
Năm Du lịch quốc gia 2016 mang nhiều ý nghĩa đối với sự phát triển du lịch ĐBSCL không chỉ trong năm 2016, mà còn là cú huých quan trọng để du lịch ĐBSCL khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch Việt Nam trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Nguyễn Dương