Ngày 31/5/2017, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (TCDL) đã tổ chức hội thảo “Nhu cầu và xu hướng mới trong phát triển du lịch”.
Hội thảo “Nhu cầu và xu hướng mới trong phát triển du lịch”
Phát biểu khai mạc hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứuPphát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn cho biết, thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch tổ chức hội thảo nhằm cung cấp thông tin, những luận cứ cần thiết về xu hướng phát triển du lịch hiện nay, làm cơ sở cho việc hoạch định những chính sách liên quan đến phát triển du lịch. Thông qua hội thảo cũng cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu phục vụ tốt hơn hoạt động của mình.
Du lịch Việt Nam đang từng bước phát triển, đóng góp quan trọng vào GDP cả nước, tạo nhiều việc làm trong xã hội. Năm 2016, du lịch Việt Nam đón và phục vụ hơn 10 triệu lượt khách quốc tế, 62 triệu lượt khách nội địa; đóng góp trực tiếp ước đạt 6,8% GDP. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; dự thảo Luật Du lịch sửa đổi đang được Quốc hội xem xét; Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Chính phủ ban hành; Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN (MRA-TP) đã có hiệu lực…
Trong bối cảnh đó, để du lịch Việt Nam ngày càng phát triển, cần phải đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong thời kỳ mới: Hoàn thiện khung thể chế, pháp lý, thực thi các chính sách dài hạn, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; Đầu tư phát triển kết cầu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch, nâng cấp mạng lưới giao thông; Tập trung xúc tiến quảng bá đến các thị trường trọng điểm, mở rộng cấp thị thực điện tử; Xây dựng chính sách phát triển cộng đồng doanh nghiệp bền vững, bảo về tài nguyên phát triển du lịch; Phát triển nguồn nhân lực, thành lập hội đồng cấp chứng chỉ quốc gia phù hợp MRA-TP, xây dựng bộ quy tắc ứng xử với khách du lịch, đào tạo nhân lực theo tiêu chuẩn quốc gia phù hợp với MRA-TP, nâng cao chất lượng nhân lực đáp ứng yêu cầu về công nghiệp 4.0.
Hội thảo đã nghe 4 tham luận: “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những thay đổi trong kinh doanh du lịch”; “Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đáp ứng nhu cầu và xu hướng các loại hình du lịch mới”; “Marketing số tỏng du lịch”; “Đổi mới trong xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch”.
Hội thảo cũng nghe 7 ký kiến đóng góp liên quan đến vấn đề: Nhu cầu và xu hướng đi du lịch nội địa tại Việt Nam, sử dụng sản phẩm du lịch của thị trường khách quốc tế đến Việt Nam; Cơ quan quản lý cần quan tâm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển khu nghỉ dưỡng cần quan tâm đến thị trường nội địa, quan tâm các phân khúc thị trường nhỏ theo từng nhóm khách, quan tâm đến người dân bản địa; Số hóa dữ liệu từ đó kế hoạch quản lý, tư vấn phù hợp theo nhu cầu khách hàng, tận dụng hiệu ứng lan tỏa của các trang mạng xã hội quảng bá điểm đến; Phát triển du lịch cộng đồng, tập trung vào đặc trưng của từng loại hình du lịch; Đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, nghiên cứu thị trường thường xuyên, phối kết hợp quảng bá, nâng cao năng lực cạnh tranh; Sớm phổ biến rộng rãi, cung cấp thông tin chính sách cho khách hàng, định hướng phát triển hướng dẫn viên tiếng hiếm phù hợp các thị trường mục tiêu…
Kết luận hội thảo, Viện trưởng Nguyễn Anh Tuấn nhận định, hội thảo đã góp phần khẳng định nhu cầu của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, doanh nghiệp cũng là nhu cầu mới trong phát triển du lịch. Trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, Việt Nam đứng trước thách thức cạnh tranh khu vực mạnh mẽ; trong cạnh tranh du lịch ASEAN, Việt Nam đứng thứ 5. Để cạnh tranh thu hút khách đòi hỏi phải tăng cường năng lực. Theo đó phải nhận biết yêu cầu, xu hướng mới trong thị hiếu của khách; đòi hởi sự năng động của doanh nghiệp. Hội thảo cũng góp phần khẳng định, ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng công nghệ số vào du lịch là cách hỗ trợ cho du lịch tiếp cận các xu hướng mới, nhu cầu mới; làm thế nào để đáp ứng, đi nhanh hơn, tiếp cận nhanh hơn, thỏa mãn nhu cầu của du khách tốt hơn, chất lượng hơn và hiệu quả hơn.
Viện trưởng Nguyễn Anh Tuấn khẳng định: “Ngành Du lịch đang đứng trước cơ hội lớn trở thành ngành công nghiệp lớn nhất khi cách mạng công nghiệp 4.0 đang dần thay thế sức lao động, giúp con người có nhiều thời gian để đi du lịch. Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch luôn sẵn sàng lắng nghe ý kiến các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, cùng đồng hành trong thời gian tới vì mục tiêu thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.