Với chủ đề “Hương vị quê nhà – Hành trình gia vị Việt”, cuộc thi Chiếc Thìa Vàng mùa thứ tư năm 2016, do Công ty gốm sứ Minh Long phối hợp với Tổng cục Du lịch Việt Nam và Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sẽ có nhiều nét mới nhằm hướng đến tính chuyên nghiệp cao hơn. Hứa hẹn sẽ là những cuộc thi tài đẳng cấp, thú vị và tạo ra những con số ấn tượng hơn về món ăn cũng như các loại gia vị mới…
Theo BTC, năm nay Chiếc Thìa Vàng sẽ diễn ra tại 3 địa điểm, gồm: TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội. Sở dĩ địa điểm thi được rút gọn vì BTC muốn tạo điều kiện tốt hơn cho các đội thi về không gian và địa điểm thi đấu.
Cuộc thi Chiếc Thìa Vàng 2016 sẽ chính thức khởi động với cụm thi dành cho các đầu bếp khu vực phía Nam, diễn ra tại TP.HCM từ ngày 7 – 9 / 6 năm 2016. Cụm miền Trung và Tây Nguyên sẽ diễn ra từ ngày 2 – 4 / 8 tại Đà Nẵng. Hà Nội sẽ là điểm dừng chân của vòng sơ tuyển, dành cho các đầu bếp khu vực phía Bắc từ ngày 27 – 29 / 9. Hai vòng bán kết, tại khu vực phía Bắc sẽ diễn ra vào các ngày 11, 12 tháng 10; bán kết phía Nam sẽ diễn ra các ngày 25, 26, 27 tháng 10. Chung kết cuộc thi và lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 6 – 7 /12 tại TP.HCM.
Theo đó, các đầu bếp sẽ thi tài trong phim trường, sử dụng bàn bếp mới, một số dụng cụ nhà bếp do ban tổ chức trang bị. Do thi tập trung như vậy, cộng với tình hình số lượng các đội đăng ký dự thi, nên số ngày thi vòng sơ tuyển cũng sẽ tăng lên nhiều ngày hơn, mỗi cụm thi sẽ thi trong hai đến bốn ngày. Ngoài ra, thời gian thi cũng sẽ tăng thành 140 phút (so với 120 phút như trước đây), nhằm tạo điều kiện để các đầu bếp có thể chia sẻ thông tin, trao đổi với ban giám khảo, phóng viên báo đài trong quá trình thi mà không sợ bị áp lực.
Điểm mới thứ hai đó là giá trị giải thưởng cuộc thi sẽ được tăng lên. Với chủ đề Hương vị quê nhà – Hành trình gia vị Việt, mỗi đội dự thi sẽ hoàn tất thực đơn bốn món ăn, gồm: món khai vị, món thủy – hải sản, món thịt và món tráng miệng. BTC sẽ trao giải sau mỗi ngày thi. Theo đó, đội được trao giải Nhất mỗi vòng thi sơ tuyển sẽ nhận được 40 triệu đồng, đội về Nhì là 30 triệu đồng. Trong khi đó, giải Nhất vòng bán kết là 50 triệu đồng và về Nhì là 40 triệu đồng.
Một nét mới thú vị của kỳ thi năm nay là thành phần ban giám khảo, ngoài các nghệ nhân ẩm thực, chuyên gia ẩm thực trong và ngoài nước, siêu đầu bếp, chuyên gia về lĩnh vực dinh dưỡng, quán quân Chiếc Thìa Vàng các mùa thi trước, các giám khảo khách mời là văn – nghệ sĩ, đại sứ hàng Việt… sẽ có thêm sự xuất hiện của Á hậu Hoàng My và Đầu bếp thế kỷ – Chef of The Century, ông Eckart Witzigmann.
Ông Lý Huy Sáng, Phó Tổng giám đốc Công ty Minh Long I, Phó Ban tổ chức cuộc thi, chia sẻ: “Chiếc Thìa Vàng, ngay từ mùa đầu tiên tổ chức, chúng tôi đã xác lập 5 tiêu chí hết sức cụ thể cho hành trình bền bỉ nhằm tìm kiếm, bảo tồn và phát huy những món ăn dân dã truyền thống, mang đặc trưng văn hóa địa phương, vùng miền; cũng như tôn vinh những đầu bếp tài năng, những nhà hàng – khách sạn đã góp sức làm giàu nền văn hóa ẩm thực Việt. Từ đó, kỳ vọng lớn hơn là Chiếc Thìa Vàng sẽ đóng góp sức mình, bắc những nhịp cầu giao lưu ẩm thực không chỉ trong nước mà còn là sự kết nối quốc tế, góp phần đưa du lịch – ẩm thực Việt trở thành ngành kinh tế quan trọng, đồng thời góp phần nâng cao thể chất con người khỏe mạnh thông qua ẩm thực Việt “ngon và lành” để làm giàu cho đất nước”.
Cố vấn và giám khảo chuyên môn của cuộc thi, Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương, cho biết: “Những món ăn truyền thống độc đáo, gia vị mới lạ của địa phương chính là những nét đẹp văn hóa của mỗi vùng miền nhưng lại còn lẩn khuất đâu đó, thậm chí có nguy cơ thất truyền. Ban giám khảo kỳ vọng và đánh giá cao các đầu bếp dụng công tìm tòi, giới thiệu các món ăn truyền thống ấy, cũng như phát hiện các loại gia vị mới lạ của địa phương, nghiên cứu để chế biến nên những món ăn mới, ngon và lành. Ở một khía cạnh khác, tinh thần là tìm về món truyền thống nhưng hướng tiếp cận sáng tạo, biến tấu để món ăn tăng tính hội nhập cũng là yếu tố được khen ngợi”.
Nguyễn Nam