Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) có kế hoạch bãi bỏ, đơn giản hóa hơn một nửa trong tổng số 118 điều kiện kinh doanh của các ngành thuộc cơ quan này quản lý. Tuy nhiên, bộ sẽ không thay đổi những quy định về kinh doanh lữ hành, trong đó có quy định về ký quỹ và cho rằng mức ký quỹ của doanh nghiệp lữ hành Việt Nam hiện thấp so với các nước.
![]() |
Khách hàng chờ mua tour tại một công ty lữ hành ở TPHCM. Ảnh: Đào Loan |
Bộ trưởng Bộ VHTTDL, ông Nguyễn Ngọc Thiện vừa phê duyệt đề án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ. Trong đó, các ngành như kinh doanh karaoke, vũ trường; quảng cáo; kinh doanh thể thao; lưu trú; kinh doanh trò chơi điện tử… đều có những điều kiện được cắt giảm nhưng những điều kiện về kinh doanh kinh doanh lữ hành giữ nguyên.
Cụ thể, điều kiện kinh doanh lữ hành nội địa và quốc tế bao gồm là doanh nghiệp thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, ký quỹ. Với lữ hành nội địa thì người phụ trách kinh doanh lữ hành phải tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành lữ hành, trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa. Với lữ hành quốc tế, người phụ trách lữ hành phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành, trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên ngành khác thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế.
Cơ quan quản lý ngành du lịch cho rằng, kinh doanh lữ hành là ngành nghề kinh doanh đặc biệt, chất lượng sản phẩm phụ thuộc chủ yếu vào người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành (phụ trách từ khâu tiếp thị, bán, cung cấp dịch vụ và chăm sóc sau bán) nên việc yêu cầu chuyên môn của người phụ trách là cần thiết để bảo vệ quyền lợi của khách hàng.
Tương tự, quy định về ký quỹ cũng không thể bỏ vì cần để chi giải quyết các sự cố xảy ra đối với khách du lịch. Khoản tiền này đảm bảo trong bất cứ trường hợp nào, doanh nghiệp cũng có tài khoản ký quỹ trong ngân hàng để không mất thời gian thực hiện các thủ tục về tài sản thế chấp, trách nhiệm bảo lãnh của ngân hàng… nhằm giải quyết các vấn đề rủi ro với khách hàng. Cơ quan quản lý cho rằng, mức ký quỹ kinh doanh lữ hành của Việt Nam thấp hơn so với các nước trên thế giới.
Hiện nay, doanh nghiệp kinh doanh mảng du lịch nội địa phải ký quỹ 100 triệu đồng, kinh doanh dịch vụ lữ hành với khách quốc tế đến Việt Nam (inbound) là 250 triệu đồng và kinh doanh dịch vụ lữ hành với du khách ra nước ngoài (outbound) là 500 triệu đồng. Doanh nghiệp đóng tiền ký quỹ 500 triệu đồng thì sẽ được làm cả ba mảng dịch vụ.
Theo Bộ VHTTDL, trong kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh, nguyên tắc của bộ là chuyển đổi từng bước phương thức quản lý nhà nước bằng tiền kiểm sang hậu kiểm, thực hiện các điều kiện kinh doanh gắn với nghĩa vụ và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của các tổ chức, cá nhân. Trong tổng số 118 điều kiện kinh doanh ban đầu 62 điều kiện được bãi bỏ hoặc đơn giản hóa, chiếm 53%.
Cũng trong lĩnh vực du lịch, sẽ có nhiều quy định trong mảng lưu trú được bãi bỏ như quy định buộc các khách sạn, tàu thủy du lịch, nhà cho thuê phải có thệ thống điện, nước sạch; quy định về người quản lý, nhân viên của khách sạn, chủ nhà cho thuê và tàu du lịch phải được tập huấn nghiệp vụ du lịch…
Những điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa sẽ được Bộ VHTTDL đưa vào nghị định sửa đổi một số nghị định liên quan đến điều kiện kinh doanh đầu tư thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, trình Chính phủ trước tháng 10-2018.