Ngày 11/1, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ công tác Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2018 tại ba điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị
Nỗ lực hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên đã trình bày báo cáo nêu những thành tích nổi bật trong những lĩnh vực Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình, cùng những khó khăn, hạn chế đang tồn tại.
Trong công tác quản lý nhà nước, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, công tác cải cách hành chính được Bộ VHTTDL thực hiện đạt hiệu quả tốt trong năm vừa qua.
Năm 2017 là một năm Ngành VHTTDL cả nước đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Về lĩnh vực Văn hóa, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đạt được kết quả quan trọng, tôn vinh các giá trị văn hóa, góp phần hình thành sản phẩm văn hóa, du lịch hấp dẫn, thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương và đất nước. Thành công nổi bật chính là sự kiện Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam đã được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Hát Xoan Phú Thọ đã được UNESCO đưa ra khỏi danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nâng tổng số di sản được UNESCO ghi danh là 26 di sản. Cũng trong năm 2017, Thủ tướng Chính phủ cũng đã công nhận 10 di tích quốc gia đặc biệt, nâng tổng số di tích quốc gia đặc biệt của cả nước lên 95, công nhận 24 bảo vật quốc gia (tổng số 142 bảo vật)…
Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được quan tâm chú trọng. Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành: Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 20/2/2017 về việc chấn chỉnh công tác quản lý và tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm; Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 9/5/2017 về tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo…
Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tiếp tục được đẩy mạnh gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Công tác văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được tổ chức tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Ngày hội VHTTDL các dân tộc được tổ chức, đáp ứng đời sống tinh thần của nhân dân, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Trong lĩnh vực Điện ảnh, năm 2017, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 586/QĐ-TTg ngày 3/5/2017 phê duyệt đề án Chính sách đặc thù hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến phim tới vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Xây dựng Đề án thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển Điện ảnh; Tổ chức thành công LHP Việt Nam lần thứ XX và trao Giải thưởng Điện ảnh ASEAN lần thứ nhất…Tổ chức các tuần phim, sự kiện điện ảnh Việt Nam tại nước ngoài góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Cả nước hiện có 277 đội chiếu phim lưu động, phục vụ khoảng 12 triệu lượt khán giả vùng miền núi, hải đảo.
Lĩnh vực Nghệ thuật biểu diễn cũng triển khai nhiều giải pháp tăng cường quản lý nhà nước. Công tác thẩm định, cấp phép tổ chức biểu diễn, trình diễn thời trang thực hiện theo đúng quy định. Tổ chức thành công nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ các nhiệm vụ chính trị, các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch. Các nhà hát trực thuộc Bộ tổ chức các chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu có chất lượng cao tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Các đơn vị nghệ thuật trung ương đẩy mạnh hoạt động tự chủ, tổ chức các chương trình biểu diễn thu kinh phí ước đạt gần 105 tỷ đồng.
Thể thao Việt Nam đạt được những thành tích nổi bật trên các đấu trường quốc tế. Trong năm 2017, các vận động viên Việt Nam đã giành được tổng số 1.045 huy chương gồm 425 huy chương vàng, 301 huy chương bạc, 319 huy chương đồng. Đoàn Thể thao Việt Nam giành được 166 huy chương các loại (59 HCV, 49 HCB, 60 HCĐ), phá 11 kỷ lục SEA Games, trong đó huy chương vàng ở các môn Olympic chiếm số lượng lớn, xếp thứ 3/11 quốc gia tham dự SEA Games 29. Đội tuyển Điền kinh Việt Nam thi đấu xuất sắc vượt qua đội tuyển Điền kinh Thái Lan, đứng đầu khu vực Đông Nam Á… Phong trào thể thao quần chúng tiếp tục được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động. Triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe nhân dân năm 2017 nhằm xây dựng thói quen tập luyện thể dục thể thao cho toàn dân.
Công tác quản lý nhà nước về Gia đình được triển khai đúng yêu cầu, tiến độ và đồng bộ từ Trung ương tới địa phương. Nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về vai trò, vị trí của gia đình được nâng lên, phối hợp liên ngành trong công tác gia đình đã có chuyển biến quan trọng…
Lĩnh vực Du lịch cũng ghi nhận nhiều thành công. Nghị quyết số 08- NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là văn kiện mang ý nghĩa lịch sử đối với sự phát triển của ngành Du lịch. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy du lịch phát triển, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của đất nước. Lần đầu tiên du lịch Việt Nam đón gần 13 triệu lượt khách quốc tế trong một năm, tăng khoảng 30% so với năm 2016; Luật Du lịch sửa đổi được Quốc hội thông qua…
Sau phần báo cáo của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên, hội nghị đã được nghe các tham luận của đại diện Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở Du lịch, tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Lào Cai, Phú Thọ, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Đắc Lắc, Hiệp hội Du lịch Việt Nam… để cùng đánh giá thực trạng phát triển tại địa phương, cũng như đưa ra đề xuất, kiến nghị cần giải quyết.
“Cần nhận thức điểm yếu và tập trung thực hiện”
Sau khi lắng nghe những ý kiến từ Bộ VHTTDL cũng như các địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những thành tích mà ngành VHTTDL đã đạt được trong năm qua, biểu dương các đơn vị thuộc Bộ, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức đã đóng góp vào thành công chung này.
Nhìn nhận lĩnh vực VHTTDL là lĩnh vực đa ngành, phạm vi tác động rộng nhưng muốn tạo chuyển biến cần nhiều thời gian và hành động, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Công tác văn hóa là lâu dài, liên tục nhưng cần quyết tâm hơn, phải có lộ trình, kế hoạch hành động cụ thể, làm sao để ngăn chặn sự xuống cấp của đạo đức xã hội, tiến tới đẩy lùi, phát huy giá trị tốt đẹp”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng chỉ rõ ngành VHTTL cần nhận thức điểm yếu và tập trung giải quyết sớm, thường xuyên. Về công tác quản lý lễ hội, Phó Thủ tướng khẳng định, năm 2018 phải làm bằng được việc chấn chỉnh các hành vi sai lệch, thương mại hóa, làm mất đi giá trị vốn có của lễ hội. Để làm được điều đó, Bộ VHTTDL cần tổ chức sớm các đoàn kiểm tra ngay từ bây giờ để tới những điểm nóng về lễ hội.
Ngành VHTTDL cũng cần đẩy mạnh các hoạt động văn học, nghệ thuật, có thêm nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị để không chỉ giữ gìn di sản văn học nghệ thuật mà còn lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội. Bên cạnh đó, năm 2018, Bộ VHTTDL cũng cần thực hiện việc đặt hàng đào tạo với các chuyên ngành nghệ thuật truyền thống ít người học, từ đó làm mẫu để các địa phương thực hiện, góp phần bảo tồn văn hóa.
Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý, ngành Văn hóa cần đi đôi giữa vận động làm gương với tuân thủ kỷ cương pháp luật, làm sao bảo tồn truyền thống và tiếp thụ hiện đại. Như việc phát triển du lịch thì cần giữ gìn truyền thống để giữ bản sắc, không mất đi lợi thế cạnh tranh của mình. Gìn giữ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc cũng là cách để làm tốt công tác Gia đình hiện nay. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng lưu tâm tới việc tránh thực hiện các phong trào, chỉ tiêu thi đua chạy theo bệnh thành tích, mà cần có những tiêu chí tránh hình thức để đạt hiệu quả tốt hơn.
Thay mặt toàn ngành VHTTDL, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã cảm ơn và tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đồng thời khẳng định năm 2018 sẽ hành động quyết liệt và hiệu quả, tập trung có trọng tâm, trọng điểm.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu
Theo đó, trong năm 2018, Bộ VHTTDL sẽ phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế, để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực của ngành. Trong đó, Bộ sẽ tiếp tục tham mưu, ban hành, đề nghị ban hành các nghị định, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến những lĩnh vực quản lý Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính.
Với quyết tâm của toàn ngành, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định sẽ không để những tồn tại của năm 2017 tái diễn trong năm 2018. Trong đó, ở lĩnh vực lễ hội, Bộ VHTTDL sẽ có hội nghị triển khai công tác chuẩn bị Lễ hội 2018 để công tác quản lý hiệu quả hơn. Trong lĩnh vực Nghệ thuật biểu diễn cũng sẽ được Bộ VHTTDL tập trung chỉ đạo, để khắc phục những tồn tại trong cấp phép bài hát, thi hoa hậu, biểu diễn phản cảm… Trong lĩnh vực Gia đình sẽ tiếp tục chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống .
Trong lĩnh vực Du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định quyết tâm đạt chỉ tiêu lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2018 sẽ đạt ít nhất 16 triệu lượt, đồng thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót của ngành Du lịch để tăng trưởng.
Về Thể thao, Bộ VTTDL sẽ tập trung phát triển thể thao quần chúng để tạo chuyển biến, trong đó có thể dục thể thao học đường và bơi lội. Thể thao thành tích cao cũng sẽ có nhiều bước tiến mới, với quyết tâm tại Giải ASIAD là giành được 3 – 4 huy chương vàng.
Nguyễn Hương