Ngày 10/10, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức họp báo thường kỳ quý 3 năm 2017, thông báo về hoạt động của ngành trong 9 tháng qua cũng như kế hoạch hành động trong 3 tháng cuối năm 2017.
Toàn cảnh buổi họp báo
Những điểm sáng về văn hóa, thể thao
Tại buổi họp báo, Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL Nguyễn Thái Bình đã thông báo tóm tắt kết quả hoạt động văn hóa, gia đình ,thể thao, du lịch do Bộ quản lý và thực hiện trong 9 tháng đầu năm 2017.
Theo đó, Bộ VHTTDL đã tập trung xây dựng, hoàn thiện 28 văn bản nằm trong và ngoài chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ, đến nay, đã trình các cấp có thẩm quyền, trình Quốc hội thông qua Luật Du lịch (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, xây dựng và hoàn thiện các Luật, Nghị định khác. Bộ VHTTDL đã tích cực triển khai Chính phủ điện tử, kết nối, liên thông, thường xuyên cập nhật, báo cáo tiến độ xử lý văn bản của Bộ với Văn phòng Chính phủ.
Công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đạt được kết quả quan trọng. Trong 9 tháng, Bộ VHTTDL đã ban hành quyết định xếp hạng 29 di tích quốc gia; điều chỉnh quyết định xếp hạng 1 di tích quốc gia. Đồng thời quyết định đưa 37 di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đến nay đã có 228 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia).
Công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở nâng cao chất lượng và hiệu quả, tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, triển lãm, thông tin cổ động tuyên truyền chính trị, phục vụ các ngày lễ lớn của đất nước. Triển khai nghiêm túc Luật Quảng cáo, đến nay đã có 50/63 địa phương hoàn thành quy hoạch và đang triển khai thực hiện có hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Thái Bình, các chương trình biểu diễn nghệ thuật giao lưu văn hóa đối ngoại và trong các sự kiện văn hóa, du lịch được đánh giá cao. Các Nhà hát trực thuộc Bộ tổ chức biểu diễn định kỳ các chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu có chất lượng nghệ thuật cao tại Nhà hát Lớn Hà Nội.Trong thời gian qua, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo, tổ chức tốt các Ngày hội VHTTDL đồng bào dân tộc, vùng đồng bào dân tộc: Ngày hội VHTTDL vùng biên giới Việt Nam-Lào năm 2017 tại tỉnh Sơn La; Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ I tại tỉnh Tuyên Quang… Các đơn vị nghệ thuật trung ương và địa phương thực hiện tốt các chương trình nghệ thuật chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, xây dựng chương trình tổ chức 2000 biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ đồng bào, chiến sĩ vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo trên cả nước.
Trong lĩnh vực thể dục, thể thao, 9 tháng đầu năm 2017 đã ghi nhận những thành tích nổi bật với 1.007 huy chương các loại. Tại SEA Games 29, Đoàn Thể thao Việt Nam thi đấu xuất sắc giành 166 huy chương các loại, xếp thứ 3/11 quốc gia tham dự, trong đó, huy chương vàng ở các môn Olympic chiếm số lượng lớn…. Hoạt động thể dục thể thao quần chúng tiếp tục đẩy mạnh gắn với triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Hoạt động phối hợp giữa ngành Thể dục thể thao với các Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, tiếp tục ký kết Chương trình phối hợp với các Bộ, ngành trung ương giai đoạn 2016-2021.
Trong những tháng cuối năm 2017, Bộ VHTTDL tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngày 01/01/2017 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật trên các lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch. Hoàn thành đúng tiến độ các văn bản, đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các văn bản quy phạm pháp luật thuộc chương trình xây dựng pháp luật trong 3 tháng cuối năm 2017.
Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL vẫn tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ quản lý chuyên môn của ngành. Trong đó có việc tổ chức các tuần phim, đợt phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, tổ chức Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XX và đăng cai Giải thưởng Phim ASEAN lần thứ nhất trong khuôn khổ liên hoan phim cũng như tăng cường quảng bá điện ảnh thông qua các liên hoan phim, tuần phim Việt Nam ở nước ngoài. Các Ngày hội, hoạt động giao lưu văn hóa các dân tộc, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong năm 2017, Đề án “Bảo tồn phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” tiếp tục được triển khai. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng hoạt động của Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, Bộ VHTTDL đang chuẩn bị cho việc tổ chức sự kiện “Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản Văn hóa Việt Nam” sẽ diễn ra vào tháng 11/2017 tại Làng.
Tập trung thực hiện các nhiệm vụ đột phá về Du lịch
Trong lĩnh vực du lịch, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2017 ước đạt 9.448.331 lượt, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2016; khách du lịch nội địa ước đạt 57,9 triệu lượt (trong đó, khách lưu trú đạt 27,8 triệu lượt) tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2016; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 376.000 tỷ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Hiện nay, Bộ VHTTDL, TCDL đang triển khai xây dựng dự thảo các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Du lịch (sửa đổi) năm 2017. Hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Chương trình Hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và các văn bản: đề nghị tiếp tục gia hạn miễn visa cho khách du lịch từ 5 nước Tây Âu theo Nghị quyết số 39/NQ-CP của Chính phủ; Quyết định thí điểm thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; báo cáo đề xuất phương án xử lý các vấn đề liên quan đến Quy hoạch Khu du lịch quốc gia Sơn Trà, Đà Nẵng.
Ghi nhận trong 9 tháng đầu năm 2017, ngành Du lịch đã có nhiều nỗ lực trong việc tăng cường công tác quản lý hoạt động lữ hành, hướng dẫn viên và quản lý điểm đến tại các vùng trọng điểm du lịch. Trong đó có việc thành lập các đoàn kiểm tra, nắm tình hình các doanh nghiệp lữ hành; đã thu hồi giấy phép kinh doanh của 4 công ty lữ hành quốc tế. Việc quản lý cấp phép lữ hành quốc tế được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định pháp luật. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch tiếp tục phát triển mạnh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.
Ước tính đến hết năm 2017, cả nước có 25.500 cơ sở lưu trú với 500.000 buồng. Đẩy mạnh công tác quản lý hoạt động cơ sở lưu trú du lịch; triển khai thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch trong toàn quốc. Các hoạt động Năm Du lịch quốc gia-Lào Cai năm 2017 với chủ đề “Sắc màu Tây Bắc” đã được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa – du lịch phong phú. Bên cạnh hai Hội chợ du lịch quốc tế thường niên tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, năm nay, Việt Nam còn tổ chức thành công các Hội nghị quốc tế về du lịch trong năm APEC 2017. Tham gia các hội chợ du lịch quốc tế và tổ chức chương trình xúc tiến, giới thiệu du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm: Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Tây Ban Nha, 4 nước Bắc Âu.
Với mục tiêu phấn đấu năm 2017 đạt mục tiêu trên 13 triệu lượt khách du lịch quốc tế (tăng 30% so với năm 2016), ngành Du lịch đang cố gắng tập trung thực hiện các nhiệm vụ đột phá để hoàn thành trong 3 tháng còn lại của năm 2017. Đồng thời phải triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Chương trình hành động của Bộ VHTTDL triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ. Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ thuộc Chương trình Hành động quốc gia và Chương trình Xúc tiến du lịch quốc gia năm 2017 và Kế hoạch tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch và kiểm tra các doanh nghiệp lữ hành tại các địa phương.
Bên cạnh đó, ngành Du lịch cũng hướng dẫn các địa phương xây dựng, điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch của các địa phương cho phù hợp Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Tăng cường các nguồn lực để đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam ở trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh các hoạt động liên kết vùng, liên kết xây dựng sản phẩm du lịch.
Thảo Minh