Nếu du khách đến Dubai có thể bỏ quên iPad ở quán cà phê mà chẳng lo bị mất, thì đến những khu du lịch Sun World, họ có thể chắc chắn những món đồ trót lỡ bỏ quên sẽ được khu du lịch trao đến tận tay, dù nó đáng giá cả gia tài hay chỉ là cái ô che nắng.
Cả thế giới sẽ hiểu đó là Nhật Bản, quốc gia mà du khách vẫn nói đùa rằng dù đánh rơi mẩu báo vừa đọc trên ghế chờ xe bus thì bạn cũng sẽ được nhận lại.
Ở Nhật Bản, chuyện nhặt được của rơi, trả người đánh mất là nét đẹp văn hóa luôn được cả xã hội coi trọng. Sự trung thực đã ngấm vào mỗi người dân nước này, từ khi họ còn là đứa trẻ. Giáo sư Toshinari Nishioka, cựu cảnh sát và hiện là giáo sư tại Đại học nghiên cứu quốc tế Kansai, Nhật Bản chia sẻ: “Khi đứa bé chỉ nhặt trả 1 hoặc 5 yên, cảnh sát cũng rất nghiêm túc nói rằng: Cháu đã làm rất tốt. Họ làm thế để vun đắp lòng tự trọng và cảm giác làm được điều có ích cho trẻ em. Nhiệm vụ của cảnh sát không chỉ là trấn áp tội phạm, mà còn cố gắng thúc đẩy những hành động tốt đẹp nơi cộng đồng địa phương”.
Không chỉ bố trí hàng nghìn chốt cảnh sát nhỏ (koban) rải rác khắp các thành phố và vùng ngoại ô để ai đó nhặt được đồ bị rơi sẽ dễ dàng tìm được địa chỉ trả lại cho người bị mất, mà ở các khu vui chơi, điểm du lịch ở Nhật Bản cũng đều có những khu vực “tập kết” các món đồ thất lạc “chờ” tìm lại chủ nhân.
Như ở Tokyo Disneyland – khu vui chơi giải trí lớn nhất Nhật Bản, du khách có thể tìm được tất cả thông tin chỉ dẫn cũng như tin tức về đồ đạc bị thất lạc tại cửa phía đông. Và một điều chắc chắn là bất cứ người Nhật nào khi nhặt được của rơi đều tìm mọi cách đưa về khu vực giữ đồ thất lạc để trả lại người đánh mất.
Nỗ lực tạo dựng hình ảnh cho du lịch Việt Nam
Không khác Tokyo Disneyland, Sun World Ba Na Hills hay bất cứ khu du lịch mang thương hiệu Sun World nào của Tập đoàn Sun Group cũng đều có tủ đồ thất lạc. Và mỗi ngày, nhiều câu chuyện tưởng như không thể xảy ra ở các điểm đến ấy vẫn đều đặn được kể.
“Tủ đồ thất lạc” được đặt bên cạnh lối ra ở sảnh chờ của Sun World Ba Na Hills
Như chuyện anh Lê Quang Thuận cùng người em họ lặn lội đi từ An Giang đến Đà Nẵng để lên Bà Nà chơi bằng được đã sơ suất để quên chiếc túi với số tiền lên đến 300 triệu đồng khi xuống cáp hồi tháng 7 vừa qua. Thất vọng, buồn bã, anh Thuận không bao giờ nghĩ mình có thể tìm lại khối tài sản ấy. Vậy mà chỉ sau 5 ngày, khu du lịch đã mời anh đến nhận lại tài sản được tìm thấy. Xúc động, nước mắt đã rơi trên khuôn mặt người đàn ông rắn rỏi, anh bảo: “Lời cảm ơn những con người ở Bà Nà Hills là không sao nói hết”. Cũng trong tháng 7 đó, tại Khu du lịch Bà Nà Hills, vợ chồng anh Nguyễn Hữu Châu và chị Nguyễn Thị Hương (đến từ Hà Nội) mừng rỡ khi nhận lại số tiền hơn 100 triệu đồng thất lạc trong quá trình vui chơi tại đây…
Đến Sun World Ba Na Hills, ai cũng sẽ thấy một “Tủ đồ thất lạc” được đặt bên cạnh lối ra ở sảnh chờ. Bên trong chiếc tủ ấy là rất nhiều vật dụng như máy ảnh, điện thoại, iPad, túi xách… Mỗi món đồ đều được dán nhãn và ghi rõ ngày, tháng, năm thất lạc để du khách dễ nhận ra đồ vật của mình. Nhân viên khu du lịch được đào tạo một quy trình tìm kiếm và trao trả đồ thất lạc, và họ được xây dựng ý thức trung thực từ khi bước chân vào làm việc ở điểm đến này. Du khách tới tham quan cứ nhìn thấy những đồ vật được lưu giữ thận trọng như thế, cũng tự ý thức mang tới trao gửi những món đồ nhặt được. Điều tốt lan tỏa, hành động đẹp được nhân lên, một cách “hữu xạ tự nhiên hương”.
Những câu chuyện tương tự cũng được viết tiếp, ở Sun World Ha Long Complex, ở Sun World Fansipan Legend, ở Sun World Danang Wonders. Còn nhớ, hồi đầu năm 2017, chính Chủ tịch UBND TP. Hạ Long Phạm Hồng Hà đã tặng bằng khen cho hai nhân viên của khu vui chơi Sun World Ha Long Complex, bởi tinh thần nhặt được của rơi, trả lại du khách của họ. Ông Hà ghi nhận việc họ làm, như những đóng góp để đem đến một hình ảnh Hạ Long đẹp và thân thiện trong mắt du khách, bạn bè trong và ngoài nước.
Bài và ảnh: Hiếu Minh