Mới lạ, hấp dẫn
Theo lãnh đạo một số DN lữ hành, trong số các loại hình du lịch mới hiện nay đặc biệt nhất phải kể đến Free and Easy- loại hình du lịch bao gồm các dịch vụ thiết yếu nhất cho một chuyến du lịch bao gồm vé máy bay, khách sạn, xe đón và tiễn khách ở sân bay. Theo đó, để tham gia loại hình du lịch này, du khách sẽ sử dụng ứng dụng di động để đặt dịch vụ thiết yếu này và tiếp tục dùng ứng dụng di động để du lịch thay vì tham gia một chương trình tour trọn gói.
Là một trong nhiều DN đang triển khai loại hình du lịch Free and Easy, Công ty Du lịch Đại Dương đưa ra mức giá chỉ từ 2,8 triệu đồng, du khách đã có thể sử dụng dịch vụ trọn gói đi Đà Nẵng gồm một vé máy bay khứ hồi, 3 đêm nghỉ tại khách sạn 3 sao, ăn sáng miễn phí tại khách sạn, xe đưa đón từ các quận nội thành của Hà Nội ra sân bay Nội Bài.
Công ty Du Lịch Fiditour mở bán tour Free and Easy tại các chi nhánh trên toàn quốc với giá vé “khá mềm”. Theo đó, tour đi Thái Lan được chào bán với giá 7,5 triệu đồng; tour đi Nhật Bản giá từ 19,9 triệu đồng; hay tour đi Brasil với giá 38,8 triệu đồng… Công ty Du lịch Việt tung ra mức giá tour theo hình thức du lịch Free and Easy cũng với mức giá khá sốc, khi tour 3 ngày 2 đêm từ TP.HCM đi Singrapore chỉ với giá từ 5,7 triệu đồng; hay từ TP.HCM đi Vũng Tàu, Đà Nẵng chỉ với giá từ 2 triệu đồng…
Ngoài ra, một loại hình du lịch mới đang phủ sóng rất rộng là dịch vụ chia sẻ phòng Airbnb- mô hình kết nối người cần thuê nhà, thuê phòng nghỉ với những người có phòng cho thuê thông qua ứng dụng di động cũng đang thu hút hơn 300 triệu người dùng trên khắp thế giới.
Tại Việt Nam, thống kê chưa đầy đủ của Tổng cục Du lịch cho thấy, Airbnb sở hữu 16.000 phòng nghỉ tính riêng tại Hà Nội và TP.HCM. Số phòng này ước bằng tổng số phòng của hệ thống khách sạn từ 2 – 4 sao của TP.HCM – một trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước.
Bên cạnh đó, loại hình du lịch caravan dành cho khách lẻ thích du lịch bằng ô tô tự lái ra đời cách đây chưa lâu cũng được nhiều du khách ưa thích. Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho biết, chương trình caravan thích hợp với những du khách yêu thích lịch sử, văn hóa, thiên nhiên và muốn được lái xe ở nước ngoài.
Cũng theo ông Thắng, những năm gần đây, loại hình du lịch này bắt đầu lan rộng ở các nước châu Á và Đông Nam Á. Việt Nam trở thành điểm đến của nhiều chương trình caravan có điểm xuất phát từ Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia… Việt Nam cũng có nhiều DN tổ chức chương trình caravan xuất phát từ TP. Hồ Chí Minh đi Campuchia, Thái Lan, Lào, Myanmar…
Cần đầu tư chuyên nghiệp
Tuy phát triển tại nhiều quốc gia nhưng loại hình du lịch caravan còn mới mẻ ở Việt Nam, số lượng nhân lực tham gia chưa nhiều. Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định, việc phát triển loại hình du lịch caravan giúp đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng cường kết nối vùng miền, quốc gia, kích thích du lịch và kinh tế địa phương phát triển. Tuy nhiên, để loại hình du lịch này trở nên phổ biến hơn, cần có sự đầu tư tổ chức chuyên nghiệp, từ việc vạch lộ trình, đặt dịch vụ ăn ở, khách sạn đến các thiết bị hướng dẫn như bộ đàm, dụng cụ bảo trì ô tô…
Đề xuất thúc đẩy phát triển du lịch caravan trong tương lai, ông Phùng Quang Thắng cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần có hướng dẫn cụ thể hơn về loại hình du lịch này. Cụ thể, hướng dẫn viên phục vụ đoàn cần có kỹ năng xử lý sự cố của xe, biết lái xe, dẫn đường, giao tiếp… Ngoài ra, các tuyến du lịch caravan xuyên quốc gia cần có sự tham gia hợp tác của cơ quan chức năng liên quan tại khu vực cửa khẩu đường bộ, nhằm rút ngắn thời gian làm thủ tục…
Với loại hình du lịch thông minh Free and Easy, ông Vũ Quốc Trí, Chánh văn phòng Tổng cục Du lịch cho thấy, thực tế, các DN du lịch đang gặp khó khăn về vốn, tài chính, công nghệ để phát triển nền tảng công nghệ thông tin riêng. Đặc biệt khâu kết nối với các DN công nghệ và DN du lịch còn hạn chế.
Vậy nên để phát triển hơn nữa loại hình du lịch thông minh tại Việt Nam, ông Trí cho rằng, phụ thuộc rất lớn vào sự hợp tác của các DN du lịch và công nghệ. Tuy nhiên, để làm được điều này, DN cần sự hỗ trợ nền tảng cơ bản, nhất là số hoá dữ liệu và đào tạo nhân lực.
Bên cạnh đó, theo ông Trí, các DN cần bắt đầu từ việc cơ bản nhất là số hoá dữ liệu, tích hợp hệ thống trao đổi dữ liệu giữa khách du lịch- điểm đến- DN- cơ quan quản lý trên nền tảng chính là Big data. Các DN du lịch và công nghệ sẽ phát triển trên nền tảng này để đưa ra các thay đổi nâng cao chất lượng dịch vụ, kết nối thu hút khách du lịch tới điểm đến du lịch thông minh tại Việt Nam.
“Đặc biệt, cần phát triển đội ngũ nhân lực du lịch có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao để đáp ứng nhu cầu phát triển của các loại hình du lịch mới. Đây cũng là điều mà các công ty du lịch còn yếu nên chưa phát triển tốt các loại hình du lịch mới so với các nước trong khu vực cũng như thế giới”, Chánh Văn phòng Tổng cục Du lịch nói.