Ngày 29.9, tại hội thảo “Phát triển du lịch trách nhiệm và bền vững” (tại TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam), hơn 120 đại biểu đã tập trung đánh giá các kết quả đã làm được, chia sẻ các mô hình hiệu quả và đề xuất các giải pháp nhằm phát triển du lịch bền vững tại các tỉnh miền Trung một cách tốt hơn.
Nhiều hạn chế
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đinh Hài – GĐ Sở VHTTDL Quảng Nam – cho biết, trong 10 năm qua, cùng với những nỗ lực của các địa phương, sự hỗ trợ nhiệt tình của các tổ chức quốc tế, sự quan tâm hợp tác của các tỉnh thành, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên toàn quốc đã thúc đẩy du lịch miền Trung phát triển mạnh và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, ngành du lịch còn bộc lộ những hạn chế và bất cập nhất định; nhiều khó khăn, trở ngại vẫn chưa được giải quyết thoả đáng; chưa có bước phát triển đột phá để khẳng định thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn; hiệu quả tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của đất nước; phát triển nhưng vẫn ẩn chứa nhiều yếu tố thiếu bền vững. Để du lịch phát triển bền vững, cần nâng cao trách nhiệm của người dân địa phương với mục tiêu phát triển kinh tế, bảo vệ di sản văn hóa, tài nguyên – môi trường và gắn kết xã hội. Ngoài ra, cần đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ và nâng cao trải nghiệm của du khách tham quan, trải nghiệm, trân trọng và trở lại.
Bà Phan Thị Hiền – Cty TNHH Du lịch Mạo hiểm VN, giới thiệu mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp và cộng đồng trong việc tạo sản phẩm du lịch tại làng du lịch cộng đồng Bhờ Hôồng (huyện Đông Giang, Quảng Nam). Theo bà Hiền, chính những truyền thống văn hóa, điều kiện tự nhiên đặc thù sẵn có và sự đồng thuận của chính quyền các cấp trong định hướng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đã tạo cho Đông Giang là nơi có nhiều lợi thế lớn để đầu tư, khai thác và phát triển du lịch, trong đó nổi bật là loại hình du lịch văn hóa cộng đồng. Việc xây dựng các chương trình liên kết giữa tuyến điểm này với tuyến điểm kia giúp cho chương trình du lịch bớt nhàm chán, không trùng lặp, tạo thuận lợi cho việc giới thiệu được hết các chương trình đặc sắc của địa phương. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều hạn chế đang tồn tại. Cụ thể, công tác quản lý điều hành kinh doanh du lịch của người dân còn theo kiểu gia đình. Chất lượng lao động còn hạn chế… Bà Hiền đề nghị: “Vấn đề liên kết du lịch là vấn đề tất yếu đặt ra đối với mỗi địa phương. Cần có những sản phẩm đặc thù của địa phương, cho địa phương và những sản phẩm kết hợp với những địa phương khác trong khu vực nằm trong các tour tuyến du lịch xuyên vùng hay liên vùng… để tập trung xúc tiến, thu hút khách cũng như tạo thương hiệu cho sản phẩm”.
Cần cộng đồng trách nhiệm và hưởng lợi
Nhiều đại biểu đã chỉ ra vai trò chính của cộng đồng người dân, cùng với sự hỗ trợ, đầu tư của nhà nước, doanh nghiệp để xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng và phát triển du lịch bền vững. Ông Dương Minh Bình (đại diện Cty Đầu tư Tư vấn Phát triển Du lịch cộng đồng) nêu kinh nghiệm: “Việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng phải thực tế để người dân cùng làm theo chương trình đặt ra, còn chỉ tập huấn 1 – 2 buổi như một số doanh nghiệp làm hiện nay thì không thể làm du lịch cộng đồng, mà giống như trình diễn hơn. Để làm được điều này, phải huy động nguồn lực, thuyết phục người dân thấy được lợi ích từ mô hình hoạt động”. Ông Vũ Quốc Trí – GĐ dự án EU – đề xuất đưa các nguyên tắc du lịch có trách nhiệm vào ngành du lịch VN nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh. Theo ông Trí, hiện nay cam kết phối hợp hành động của các đối tác liên quan đến hoạt động du lịch vẫn chưa nhiều. Vì vậy, cần thiết tạo lập một điểm đến thống nhất để định hướng phát triển và truyền thông cho khu vực duyên hải miền Trung. Ông Clarles Bodwel – đại diện Tổ chức ILO – cho rằng: “Du lịch gắn liền với bảo vệ môi trường, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ… Du lịch trách nhiệm là cơ sở để tiếp cận vấn đề này, VN đang đi đúng hướng. Ở đó thể hiện tầm nhìn đúng đắn của sự lãnh đạo các cấp ngành từ T.Ư đến địa phương. Miền Trung đang rất cần những mô hình du lịch trách nhiệm và bền vững. Tuy nhiên, cần đầu tư hơn nữa đầu tư cơ sở hạ tầng, và đặc biệt là chất lượng lao động, cần có nhiều hoạt động hơn nữa trong việc đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề trong ngành du lịch”.
Kết luận tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch) – hoan nghênh sáng kiến tổ chức hội thảo này, và ghi nhận nhiều ý kiến quan trọng. “Đa phần ý kiến tập trung chia sẻ những kinh nghiệm, bài học thực tiễn trong quá trình phát triển du lịch trách nhiệm và bền vững của từng doanh nghiệp, địa phương. Qua hội thảo, có thể rút ra kinh nghiệm chính là cần sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các bên tham gia để góp phần phát triển du lịch trách nhiệm và bền vững. Chúng tôi cũng đề xuất một số giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới, như thực hiện tốt các quy hoạch phát triển du lịch vùng, quy hoạch các dự án. Cần ưu tiên đầu tư về hạ tầng, có cơ chế khuyến khích thu hút doanh nghiệp, phát huy vai trò làm chủ của người dân để phát triển các sản phẩm và dịch vụ du lịch có trách nhiệm, vừa khai thác lợi ích vừa bảo vệ môi trường. Ngoài ra, cần nâng cao, đẩy mạnh liên kết trong quảng bá – xúc tiến về du lịch.