Ngày 16/4, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2015, HHDL Việt Nam đã phối hợp với TCDL tổ chức hội thảo xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tham dự hội thảo có Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu; Vụ trưởng Vụ Khoa học – công nghệ – môi trường (Bộ VHTTDL) Từ Mạnh Lương; Chủ tịch HHDL Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ.
Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu phát biểu tại hội nghị
Theo Tổ chức du lịch thế giới, thương hiệu điểm đến du lịch là hình ảnh của điểm đến du lịch trong nhận thức của các thị trường mục tiêu; thể hiện giá trị cốt lõi, thuộc tính và sự khác biệt của điểm đến du lịch so với các điểm đến du lich khác. Trên cơ sở đó, đại diện Vụ HTQT (TCDL) nhận định phát triển thương hiệu, trước hết là thương hiệu quốc gia, điểm đến quốc gia, vùng, địa phương, điểm đến, sản phẩm… Việc xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu phải thực hiện được mục tiêu nâng cao nhận thức về vai trò, yêu cầu, các biện pháp phát triển thương hiệu; phải đánh giá, kiểm soát được hình ảnh thương hiệu; nhận thức về phát triển thương hiệu phải thống nhất; quản lý phát triển thương hiệu phải triển khai chuyên nghiệp, đồng bộ; đến năm 2025, thương hiệu du lịch Việt Nam phải được nhận diện rõ nét tại các thị trường trọng điểm. Chiến lược phát triển thương hiệu phải định hướng được công tác quản lý, định hướng thị trường, định hướng xây dựng sản phẩm; đồng thời đưa ra các khung hành động cụ thể cho từng giai đoạn, theo từng phân khúc thị trường.
Hội thảo xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
Hội thảo cũng nhận được chia sẻ, đóng góp ý kiến của các chuyên gia, khách mời, doanh nghiệp; nhiều ý kiến thể hiện cái nhìn rất mới về thương hiệu và xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu. Tổng giám đốc khu nghỉ dưỡng Hồ Tràm – Thành viên hội đồng tư vấn du lịch đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thương hiệu nghỉ dưỡng biển của khu nghỉ dưỡng Hồ Tràm thông qua việc hợp tác chiến lược, tận dụng truyền thông trên cơ sở đầu tư kinh phí thực hiện đồng bộ. Trong khi đó, Tổng giám đốc tập đoàn truyền thông Le Bros Lê Quốc Vinh lai chia sẻ những cách tiếp cận rất hiệu quả khi xây dựng và phát triển thương hiệu, tập trung vào vấn đề cốt lõi là nội dung; đồng thời đề xuất việc xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam nên theo hướng tác động đến cảm của du khách, từ đó để lại ấn tượng sâu sắc.
Trao chứng nhận “Khách sạn xanh ASEAN” cho 10 cơ sở lưu trú tại Việt Nam.
Trao chứng nhận “Nhà có phòng cho khách du lịch thuê ASEAN”cho 3 hộ dân, cộng đồng
Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu nhận định, thương hiệu là vấn đề vô cùng quan trọng đối với du lịch Việt Nam khi hội nhập và trong cạnh tranh. Thương hiệu phải là vấn đề đi đầu, định hướng cho tất cả các chương trình hành động về sản phẩm, quảng bá; định vị ta ở đâu, là ai, đi đến đâu, có giá thế nào; thể hiện tính thương mại, tên tuổi của du lịch Việt Nam chỗ nào trong bối cảnh canh tranh toàn cầu… Phó Tổng cục trưởng bày tỏ mong muốn, sau khi kết thúc hội thảo, các ý kiến đại biểu sẽ góp phần giúp TCDL hoàn chỉnh dự thảo chiến lược trình Bộ trưởng Bộ VHTTDL phê duyệt.
Trong khuôn khổ hội thảo, Ban tổ chức đã trao chứng nhận “Khách sạn xanh ASEAN” và “Nhà có phòng cho khách du lịch thuê ASEAN” cho các cơ sở lưu trú tại Việt Nam. Chứng nhận “Khách sạn xanh ASEAN” được trao cho 10 doanh nghiệp: Bến Thành – Rex Hotel (TP.HCM); Chains Caravelle (TP.HCM); Cửu Long – Majestic Hotel (TP.HCM); Đồng Khởi – Grand Hotel (TP.HCM); Intercontinental Hanoi Westlake (Hà Nội); Six Senses Ninh Van Bay (Khánh Hòa); Sheraton Saigon (TP.HCM); Equatoial TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM); Sunrise Nha Trang (Khánh Hòa); Hoàng Anh Đất Xanh Đà Lạt Resort (Lâm Đồng). Chứng nhận, “Nhà có phòng cho khách du lịch thuê ASEAN” được trao cho: Nhóm hộ dân có nhà có phòng cho khách du lịch thuê tại Bắc Hà (Lào Cai); Điểm du lịch cộng đồng Bản Lác – Mai Châu (Hòa Bình); Cộng đồng nhóm hộ dân làng chài ven biển An Bàng – Hội An (Quảng Nam). |
Phước Hà