Sáng 25/1, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức buổi hội thảo “Nghiên cứu, xây dựng cấu trúc vĩ mô, biên soạn mục từ Bách khoa toàn thư chuyên ngành du lịch Việt Nam” tại Hà Nội.
Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu tham gia, đóng góp ý kiến tại hội thảo.
Tại buổi hội thảo, các nhà khoa học đã khẳng định sự cần thiết của việc biên soạn Bách khoa toàn thư (BKTT) ngành du lịch và đóng góp ý kiến để hoàn thiện BKTT ngành du lịch quyển 35.
Trong buổi hội thảo, các nhà khoa học bàn luận các vấn đề xoay quanh ngành du lịch nước ta từ góc độ khoa học và lịch sử.
Hội thảo đã chỉ rõ, mặc dù du lịch Việt Nam đã có quá trình hình thành và phát triển gần 60 năm, nhưng phát triển đột phá chỉ từ sau khi Việt Nam thực hiện công cuộc đởi mới năm 1986.
Mặt khác, tiền thân của ngành du lịch Việt Nam chỉ có một doanh nghiệp, với cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, lạc hậu.
Những năm đầu của thế kỷ 21 là thời kỳ phát triển bùng nổ của du lịch Việt Nam. Lượng khách du lịch đến Việt Nam tăng mạnh.
Các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ nhờ vậy mà phát triển mạnh mẽ, nhiều hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi và ngày càng chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, việc tổ chức quản lý hoạt động du lịch đã được thực hiện đồng bộ với chính sách cởi mở hơn, tạo điều kiện cho du lịch phát triển.
Theo PGS TS Vũ Tuấn Cảnh: Những vấn đề trên là cơ sở cho việc mở ra những trang tri thức của ngành du lịch, cả tri thức tổng quát lẫn chuyên sâu, cả truyền thống lẫn hiện đại.
“Việc biên soạn BKTT ngành du lịch sẽ giúp cho những người trực tiếp tham gia vào các hoạt động du lịch như khách du lịch, người sản xuất, kinh doanh du lịch, người quản lý du lịch được tiếp cận với nguồn tri thức về du lịch phong phú, chuẩn xác, góp phần phục vụ cho công việc của mình một cách chuyên nghiệp, bài bản. Đồng thời, họ cũng tránh được rủi ro, tổn thất do du lịch mang lại, qua đó đóng góp tích cực vao sự phát triển của du lịch Việt Nam”.
Nhìn chung, BKTT về du lịch nói chung và các chuyên ngành du lịch nói riêng trên thế giới đã được nhiều quốc gia, nhiều học giả chú ý biên soạn và tái bản nhiều lần. Như vậy, rõ ràng rằng, dưới góc nhìn của khoa học, cả về lý thuyết cũng như thực tiễn, du lịch có một vị trí và ý nghĩa vô cùng quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.
Tuy nhiên, ở nước ta các đề tài mới chỉ đi vào nghiên cứu sâu một lĩnh vực của cụ thể của du lịch mà chưa có công trình mang tính tổng quan và có tầm phổ quát lớn như BKTT về du lịch. Vì vậy, việc hiểu một cách đầy đủ, đúng đắn về du lịch là hết sức quan trọng.
Việc biên soạn cuốn BKTT về du lịch là rất cần thiết. Nhưng không thể phủ nhận, đây là công việc không hề dễ dàng, đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian và công sức.
Trong việc biên soạn cuốn BKTT về lịch sử có nhiều vấn đề cần đặt ra, cần nghiên cứu, thảo luận để hiểu sâu hơn và có thể đi đến thống nhất trong quá trình biên soạn.
GS TS Nguyễn Văn Đính khẳng định, các tài liệu về du lịch đã có thường nghiên cứu theo hướng quy hoạch du lịch, tài nguyên du lịch, thống kê du lịch… Tuy nhiên, do đều không phải là BKTT nên có phần hạn chế về tính hệ thống và tra cứu thông tin.
Trong buổi Hội thảo, PGS TS Phạm Trung Lương cũng cho rằng, cách hiểu về một vấn đề hay một yếu tố thuộc lĩnh vực du lịch có thể sẽ khác nhau và đây được xem là một trong những nguyên nhân chính của tình trạng hạn chế về nhận thức đối với du lịch. “BKTT ngành Du lịch sẽ phải thống nhất tương đối về cách hiểu và thông tin về một vấn đề, một yếu tố thuộc lĩnh vực du lịch. Một yếu tố thuộc lĩnh vực du lịch phải phù hợp với cách hiểu phổ cập mang tính quốc tế chứ không chỉ giới hạn trong cách hiểu của người Việt Nam”- ông Lương nhấn mạnh.
Trong báo cáo đề dẫn của Phó Chủ tịch TT Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đã thống nhất cấu trúc tổng thể của bộ sách, bao gồm toàn bộ khung xương của cuốn sách. Trong đó, Bảng mục từ là thành phần cơ bản. Bảng mục từ của ngành du lịch phải có một số từ liên quan đến các ngành ngoại giao, an ninh, xã hội, thương mại, các ngành ẩm thực, trang phục, y tế, chăm sóc sức khỏe và thể thao… Bởi trong Luật Du lịch cũng đã chỉ rõ: “Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao”.
Về cấu trúc, bảng mục từ phải đảm bảo tính hệ thống, toàn diện và khoa học. Thêm vào đó, cần đưa vào bảng mục từ các mục từ phản ánh sinh động du lịch mang bản sắc Việt Nam.
Về số lượng mục từ trong BKTT ngành Du lịch, theo dự kiến của Ban biên soạn sẽ có khoảng 500- 600. Nguyên tắc xây dựng bảng mục từ là chính xác, cập nhật, toàn diện, hiện đại, chuẩn mực, dân tộc, quốc tế và cần yếu (cần thiết và quan trọng).
Mặc Khải