Chiều 29/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Du lịch (sửa đổi), gồm 9 chương 82 điều. Tại phiên họp, Quốc hội đã cho ý kiến thêm một số vấn đề về nguyên tắc phát triển du lịch, xác định đô thị du lịch, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch, về quỹ hỗ trợ phát triển du lịch và các nội dung khác. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã phát biểu những điều cơ bản của Luật Du lịch (sửa đổi). PV Báo Du lịch xin lược thuật lại bài phát biểu này của Bộ trưởng chiều 29/5:
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện nêu quan điểm tại phiên thảo luận. Ảnh: VGP
Trước hết, Bộ trưởng cho biết: Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) lần này được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định phù hợp của Luật Du lịch 2005 và đồng thời điều chỉnh bổ sung nhằm khắc phục những quy định chưa phù hợp, đảm bảo tính khả thi trên thực tiễn và thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 và Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế, quốc tế đất nước.
Thứ hai, du lịch là một ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp đã được các đại biểu nói rất nhiều, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và mang nội dung văn hóa sâu sắc, nên sự phát triển của ngành Du lịch phụ thuộc rất nhiều vào các ngành khác. Trong luật lần này cũng đã thể chế hóa điểm này,nói rõ vai trò trách nhiệm và nhiệm vụ của các bộ ngành liên quan.
“Tuy nhiên, khi làm luật này, chúng tôi thấy một điều, có rất nhiều bộ luật khác ảnh hưởng trực tiếp đến Luật Du lịch và đến ngành Du lịch-Bộ trưởng nói- Ví dụ, liên quan đến visa do Luật Xuất nhập cảnh quyết định, liên quan đến đầu tư thì do Luật Đầu tư quyết định, liên quan đến thuế, quỹ hỗ trợ phát triển du lịch thì liên quan đến Luật Ngân sách quy định rồi đất đai thì Luật Đất đai, liên quan đến luật phí, lệ phí, liên quan đến hạ tầng thì lại do Luật Giao thông”. Để thấy rằng, khi làm Luật Du lịch, có những điểm muốn đưa vào nhưng lại không đưa được vì có lẽ nên sửa các luật khác hoặc nên bổ sung các luật khác.
Về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch, Bộ trưởng nêu ý kiến: Thứ nhất, xếp hạng tự nguyện hay bắt buộc thì thực ra hiện nay ban hành một quy chuẩn, doanh nghiệp lưu trú muốn hoạt động được thì phải đảm bảo các điều kiện như phòng bao nhiêu mét vuông. Có những điều kiện gì đó là quy định tối thiểu để một cơ sở lưu trú hoạt động. Thêm nữa, tiêu chuẩn thì phải cấp sao, nếu như vậy ngoài điều tối thiểu đó thì muốn hoạt động được lại phải cấp sao mới được hoạt động, tức là thêm hai thủ tục rất phức tạp. Trong Luật Du lịch này có nêu hai phương án, một phương án của luật 2005 là bắt buộc như phương án bắt buộc trong này và một phương án là tự nguyện, đương nhiên là theo hướng hội nhập. Vì hiện nay rất nhiều tập đoàn như tập đoàn Marriott, InterContinental, Hilton, Sheraton,v.v… thực ra là cứ đi theo hệ thống. Nếu anh muốn được có thương hiệu thì đăng ký theo hệ thống đó và coi như khách đăng ký còn anh nằm ngoài hệ thống đó thì sẽ rất khó để thu hút khách. Cho nên có hai phương án : nếu bắt buộc thì bảo đảm quyền lợi của khách nhiều hơn, còn tự nguyện thì cuối cùng cũng không có khách sạn nào, cơ sở lưu trú nào nằm ngoài vi phạm cả.
Về đô thị du lịch, Bộ trưởng cho biết: Luật Du lịch 2005 quy định đô thị vào trong luật nhưng trong quá trình thực hiện có một số khó khăn. Hiện nay chỉ có Cửa Lò đáp ứng được điều kiện đó. Trong Luật Đô thị không có quy định nào gọi là đô thị du lịch. “Có lẽ đô thị nên là một thương hiệu, tạo thương hiệu như Hội An, Huế, Đà Lạt để khách quốc tế thấy đó là đô thị du lịch họ sẽ đến nhiều hơn. Nếu không quy định trong luật thì giao cho Chính phủ hoặc Bộ quy định. Đất nước ta nên khuyến khích có nhiều đô thị du lịch, vì điều này chỉ tốt hơn”- Bộ trưởng nói.
Thứ ba: Về Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, Bộ trưởng nói: Hôm nay các đại biểu đều phát biểu đồng tình có quỹ này. Thực tế chúng ta chỉ có 2,5 triệu đô la để làm công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Như đại biểu Hoa nêu Thái Lan, Singapore và các nước khác khoảng 80-100 triệu đô. Trong quá trình làm Ban soạn thảo rất tích cực đưa ra rất nhiều phương án nhưng cuối cùng nếu đưa ra các phương án mà cụ thể lại vướng các chỗ khác, phí và lệ phí, nộp ngân sách, cho nên cuối cùng như luật hiện nay là ngân sách nhà nước gọi là cấp vốn điều lệ, Thủ tướng có cam kết cho khoảng 300 tỷ, còn lại đóng góp của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp và một phần nữa là các nguồn thu hợp pháp khác. Vấn đề này có hai phương án: Một, nếu đưa vào thì xung đột các luật khác. Hai, nếu có thể sau này thì sửa các luật liên quan để tạo điều kiện cho quỹ này hoạt động.
Liên quan đến vấn đề lữ hành; tour 0 đồng và hướng dẫn viên du lịch, Bộ trưởng cho rằng, ba nội dung này liên quan mật thiết với nhau, hiện nay do chúng ta quản lý lữ hành và hướng dẫn viên du lịch chưa tốt nên từ đó dẫn đến câu chuyện có tour giá rẻ hay tour 0 đồng. Gọi là tour giá rẻ, bởi vì như một đại biểu ở thành phố Hồ Chí Minh nguyên giám đốc Sở Du lịch có nói, thậm chí bây giờ chúng ta đi du lịch của nước ngoài tour vẫn rẻ hơn ở Việt Nam. Chi phí của doanh nghiệp làm thế nào để hợp lý, để thu hút khách chứ không ai cấm. Vấn đề là có hiện tượng thực hiện tour giá rẻ đó bằng việc thu những khoản thu khác bất hợp pháp như bắt khách mua ở những cửa hàng đã định sẵn và với giá cao hơn so với bình thường, hàng hóa chất lượng kém hơn. Đấy là gốc của vấn đề chứ không phải là gốc vấn đề ở tour giá rẻ. Bộ trưởng nhấn mạnh đến công tác quản lý của quản lý thị trường, thuế, phải xử phạt nghiêm các vi phạm. Trong luật lần này bổ sung quy định: đối với doanh nghiệp lữ hành phải có người phụ trách, doanh nghiệp đó phải có bằng cấp, phải có kinh nghiệm. Về hướng dẫn viên du lịch , dự luật có quy định cụ thể hơn, chúng ta phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý.n
VP lược thuật