Năm 2017 đã khép lại với những dấu ấn ngoạn mục trong lịch sử ngành du lịch. Tuy nhiên, theo các chuyên gia du lịch, đây mới chỉ là những thành tựu bước đầu, còn khiêm tốn với tiềm năng và kỳ vọng của xã hội, nhất là khi sản phẩm du lịch Việt Nam còn chưa hấp dẫn, chất lượng dịch vụ chưa cao, nguồn nhân lực còn thiếu và yếu, các doanh nghiệp du lịch chủ yếu là vừa và nhỏ, khách quốc tế đến từ những thị trường xa có mức chi tiêu cao còn hạn chế… Do đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng phát triển mạnh mẽ của du lịch nước nhà, ngành “công nghiệp không khói” này nhất định cần cơ cấu lại. Đây cũng là một trong tám nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng mà Bộ Chính trị đã xác định trong Nghị quyết 08 NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cụ thể là “Cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế”. Vấn đề đặt ra là cơ cấu lại những gì, theo hướng nào và bắt đầu từ đâu?
Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá khá tốt về năng lực của Việt Nam trong số 136 nước như: Tài nguyên thiên nhiên du lịch (xếp hạng 34/136), tài nguyên văn hóa du lịch (30/136) và thị trường lao động du lịch (37/136); nhưng năng lực cạnh tranh nói chung của du lịch nước ta chỉ xếp thứ 67, nhiều chỉ số ở mức rất thấp như: mức độ bền vững về môi trường (hạng 129), chất lượng hạ tầng du lịch (hạng 113), mức độ yêu cầu về thị thực nhập cảnh (hạng 116)… Do đó, muốn tạo đột phá trong phát triển du lịch từ tái cấu trúc ngành, cần cải thiện đáng kể những chỉ số cạnh tranh đang còn thấp của Việt Nam trong tương quan với thế giới. Theo Tổng cục Du lịch, muốn làm được điều này, có sáu vấn đề cơ bản của ngành cần được cơ cấu lại. Thứ nhất là tái cơ cấu nguồn lực, vốn đầu tư phát triển du lịch theo hướng sử dụng đầu tư công cho phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, các khu du lịch quốc gia, xúc tiến quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực…; huy động đầu tư tư nhân cho các sản phẩm chuyên đề, ứng dụng công nghệ…; sắp xếp lại nguồn lực bằng cách chuyển đổi mô hình quản lý các khu, điểm du lịch; huy động cao nhất các nguồn lực từ bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, cộng đồng. Thứ hai, cần điều chỉnh hướng phát triển sản phẩm du lịch: bên cạnh phát triển các sản phẩm chủ đạo có lợi thế cạnh tranh như du lịch biển, du lịch văn hóa, sinh thái; cần mở rộng phát triển các sản phẩm du lịch mới, có tiềm năng như: du lịch sự kiện, mạo hiểm, chữa bệnh… Thứ ba, điều chỉnh hướng phát triển thị trường bằng cách thu hút các thị trường khách có khả năng chi tiêu cao. Thứ tư, cơ cấu lại nguồn nhân lực du lịch theo hướng tăng cường cả chất lượng và số lượng, đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Thứ năm, cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch theo hướng cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước; hình thành hệ thống doanh nghiệp mạnh, có thương hiệu làm đầu tàu dẫn dắt các doanh nghiệp cùng phát triển; thúc đẩy du lịch cộng đồng do dân tự làm. Thứ sáu, sắp xếp lại tổ chức quản lý về du lịch: hình thành hệ thống quản lý tại các khu, điểm du lịch đủ mạnh để thúc đẩy phát triển theo hướng chuyên nghiệp, bền vững; đẩy mạnh quản lý điểm đến tại địa phương và hình thành cơ chế quản lý các điểm đến theo cụm, vùng du lịch.
Để tạo sức mạnh tổng thể phát triển du lịch, cần tiến hành tái cơ cấu đồng bộ các nội dung nêu trên. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định cần có lộ trình cụ thể, rõ ràng, trong đó xác định những nhiệm vụ, công tác ưu tiên để tập trung thực hiện. Nhiều ý kiến cho rằng, tái cơ cấu nên bắt đầu từ sản phẩm du lịch, bởi đây là đầu ra trong chuỗi giá trị du lịch mang lại nguồn thu trực tiếp cho ngành. Sản phẩm tốt sẽ quyết định mức chi tiêu của du khách, xác định những phân khúc thị trường mục tiêu, từ đó cân đối lại cơ cấu khách theo hướng tăng tỷ trọng khách có chi tiêu cao đến từ những thị trường xa; đồng thời đặt ra đòi hỏi cần có giải pháp quảng bá, xúc tiến phù hợp cũng như yêu cầu đối với chất lượng, số lượng nguồn nhân lực và phương thức quản lý. Bên cạnh đó, vai trò của các doanh nghiệp du lịch cũng là vấn đề cần được quan tâm trong giai đoạn trước mắt. Các chính sách, quy định liên quan đến phát triển du lịch cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm, tạo động lực để nâng cao tính sáng tạo, cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh. Hiện hơn 80% số doanh nghiệp trong ngành là vừa và nhỏ, tính liên kết còn rời rạc cho nên hoạt động thiếu chuyên nghiệp, bền vững. Tái cơ cấu ngành cần quan tâm đến việc tăng tính liên kết giữa các doanh nghiệp. Muốn đi đúng hướng, Việt Nam cần tiến hành nghiên cứu xu hướng, nhu cầu du lịch trong ngắn hạn, dài hạn làm cơ sở để tiến hành tái cơ cấu ngành, tránh lãng phí khi quy hoạch. Đồng thời, cần có lộ trình cụ thể, chi tiết trong tái cơ cấu để giải quyết đồng bộ và dứt điểm những vấn đề đặt ra.
TRANG ANH