TCDL vừa tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động lữ hành, hướng dẫn viên, quản lý điểm đến. Tại hội nghị, đại diện TCDL đã phổ biến các văn bản của Bộ VHTTDL: Kế hoạch số 1037/KH-BVHTTDL ngày 15/3/2017 về Tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch; Kế hoạch số 1036/KH-BVHTTDL ngày 15/3/2017 về Tăng cường công tác quản lý điểm đến du lịch; Quyết định số 4640/QÐ-BVHTTDL ngày 28/12/2016 về ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá điểm đến; Quyết định số 718/QÐ-BVHTTDL ngày 2/3/2017 về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch. Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng thuận; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp ý kiến nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ lữ hành ngày càng tốt hơn. Tiếp theo số 17, Báo Du lịch xin trích đăng ý kiến của một số đại biểu.
Nên chấn chỉnh việc bán tour online, hoạt động xích lô và thu phí không có lộ trình
Bà ĐẶNG BÍCH THỌ , Phó Tổng Giám đốc Hanoi Redtour
Rất nhiều bạn trẻ biết về du lịch một chút, đứng ra mở công ty du lịch ảo, mở trên mạng, làm website, tận dụng xu thế bán hàng online hiện nay để bán tour cho khách. Nhưng khi khách vào Việt Nam thì có công ty làm online tốt, có công ty làm không tốt, ảnh hưởng đến ngành Du lịch. Tôi mong các cơ quan quản lý nhà nước thanh, kiểm tra các đơn vị du lịch kinh doanh qua mạng, để làm sao tránh các doanh nghiệp du lịch ảo không có giấy phép mở trên mạng hoạt động ảnh hưởng đến lĩnh vực du lịch.
Một số vấn đề nữa: Hà Nội những năm qua phát triển du lịch rất tốt. Thế nhưng vấn đề xích lô vận chuyển du lịch luôn làm doanh nghiệp khó xử. Doanh nghiệp đã trả tiền thuê xích lô vận chuyển rồi, nhưng người đạp xích lô vẫn cố tình đòi thêm tiền “tip” của khách, khiến khách luôn cảm thấy bực bội, khó chịu, thường xuyên gọi điện về doanh nghiệp để phản ánh vấn đề này. Năm nay chúng ta triển khai chấn chỉnh hoạt động lữ hành, tôi nghĩ rằng, nên tăng cường kiểm tra đội ngũ vận chuyển xích lô để làm sao đừng ảnh hưởng đến văn minh du lịch của Thủ đô Hà Nội.
Tôi cũng rất phản cảm với việc các địa phương tăng (giá vé tham quan – PV), không có lộ trình. Ví dụ như Hạ Long vừa rồi ngày 1/4, chỉ báo trước một tháng, tăng giá gấp đôi; hay Tràng An năm ngoái thu 150.000 đồng/khách, năm nay tăng lên 200.000đ/khách. Các doanh nghiệp du lịch không thể nào chạy theo được việc tăng giá khi mà đã bán tour trước cả năm. Tôi đề nghị nên có sự chấn chỉnh để ngành Du lịch phát triển bền vững và lâu dài.
Cần sự quyết tâm của lãnh đạo doanh nghiệp
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet
Từ năm 2016, TransViet đã tự nghiên cứu, triển khai bộ quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch dành cho khách đi du lịch. Qua quá trình thực hiện, TransViet đã áp dụng triệt để, yêu cầu tất cả hướng dẫn viên (HDV) phải tuyên truyền, quán triệt cho khách trước và trong khi đi du lịch bộ quy tắc ứng xử văn minh này. Cũng phải có cách tuyên truyền mềm mỏng, tế nhị để du khách không cảm thấy nặng nề quá; trong quá trình thực hiện chúng tôi nhận thấy kết quả rất tích cực. Du khách rất hợp tác vì những ứng xử văn minh đã giúp cho khách trong đoàn không phải chịu đựng lẫn nhau, ví dụ như là du khách chờ đợi nhau việc đi muộn, làm mất hình ảnh trong đoàn… Việc thực hiện ứng xử văn minh du khách đã giúp giảm 80% vi phạm hình ảnh chưa đẹp của du khách các tour đến vùng châu Âu của TransViet, qua đó giúp nâng cao hình ảnh du khách Việt trong mắt bạn bè quốc tế.
Theo kinh nghiệm của tôi, để thực hiện việc này cần có vai trò rất lớn của lãnh đạo doanh nghiệp. Nếu không có sự quyết tâm, cả hệ thống doanh nghiệp cùng thực hiện thì rất khó. TransViet cũng yêu cầu HDV thực thi, nếu không sẽ bị phạt 1 ngày công tác phí; nếu để xảy ra vi phạm không ngăn chặn cũng sẽ bị phạt. Phải có cách làm quyết liệt như vậy. TransViet cũng thường xuyên thực hiện và mở các lớp tập huấn cho hàng trăm HDV; HDV cũng đã biết và triển khai cho du khách.
Tôi đề nghị Bộ VHTTDL có biện pháp giúp đỡ doanh nghiệp cùng triển khai bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch (theo Quyết định số 718/QĐ-BVHTTDL của Bộ VHTTDL-PV); tổ chức các lớp tập huấn bài bản cho HDV, vì chính HDV là cầu nối giữa doanh nghiệp và du khách, những người tác động gần nhất đến du khách trong suốt quá trình đi du lịch cũng như thực hiện hành vi ứng xử. Đề nghị Bộ VHTTDL, TCDL đưa việc các doanh nghiệp thực hiện tốt văn minh du lịch trở thanh tiêu chí quan trọng trong việc xét, bình chọn các danh hiệu, giải thưởng du lịch hằng năm, tạo động lực tích cực cho các doanh nghiệp lớn thực hiện. Việc thực hiện đang là tự nguyện và khuyến khích; cần xem xử phạt hành chính nặng đối với những vi phạm của doanh nghiệp cũng như du khách.
Không nên chồng chéo khi kiểm tra doanh nghiệp
Ông LẠI QUỐC CƯỜNG, Giám đốc Công ty Du lịch Vẻ đẹp Việt
Tôi đồng thuận với quan điểm công tác thanh tra doanh nghiệp chỉ tập trung vào các đơn vị yếu kém, đơn vị không chấp hành nghiêm chỉnh các quy định. Hiện có nhiều đơn vị thanh tra độc lập thuộc các Sở, Ban, ngành; tôi nghĩ rằng cần có sự thống nhất kế hoạch trước để tránh việc thanh, kiểm tra chồng chéo lẫn nhau. Nâng cao chất lượng trong chuỗi dịch vụ lữ hành, không chỉ là doanh nghiệp lữ hành mà còn có vận chuyển, điểm đến, lưu trú, hướng dẫn, ăn uống… Tôi đề nghị nên quan tâm đến tất cả các yếu tố cấu thành chương trình du lịch. Nếu tất cả các khâu thực hiện tốt thì chương trình du lịch mới thành công và mang lại hình ảnh đẹp cho du khách đến Việt Nam.
Bá Phúc lược ghi